Trong số 626 chứng chỉ ngôn ngữ Anh văn bằng 2 do Đại học Đông Đô cấp từ năm 2015 đến năm 2018 có nhiều trường hợp nghiên cứu sinh sử dụng để làm điều kiện bảo vệ tiến sĩ tại các trường đại học lớn trong cả nước. Cụ thể, Đại học Sư phạm Hà Nội có 8 trường hợp, Đại học Quốc gia 5 trường hợp, Đại học Huế 4 người và Học viện Báo chí - Tuyên truyền cũng 4 trường hợp.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, trường đã nắm được thông tin và đang cho rà soát lại toàn bộ học viên, nghiên cứu sinh, giảng viên của trường. Hiện trường chưa có phương án xử lý các trường hợp sử dụng bằng giả ngôn ngữ Anh văn bằng 2 của Đại học Đông Đô. Trường đang chờ quyết định của các cấp có thẩm quyền.
Theo PGS.TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền, nhà trường có danh sách những giảng viên, nghiên cứu sinh tại trường dùng văn bằng 2 tiếng Anh của Đại học Đông Đô.
Kết quả kiểm tra ban đầu, những trường hợp này đều nộp học phí tại Đại học Đông Đô theo quy định, tức là họ có học thật. Về phương án xử lý, trường làm văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Bộ chưa có phản hồi.
Trong khi đó, theo đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, trường đã rà soát thông tin, hồ sơ của các học sinh, nghiên cứu sinh, tiến sĩ từ năm 2015 đến nay. Với những trường hợp sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của Đại học Đông Đô cấp, trường sẽ không công nhận và có phương án xử lý.
Theo đó, nếu không có chứng chỉ quốc tế theo quy định hoặc có văn bằng ngôn ngữ Anh của trường đại học được phép đào tạo và cấp bằng để thay thế văn bằng 2 của Đại học Đông Đô thì sẽ không đủ điều kiện để tiếp tục làm nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. Còn với trường hợp hoàn thành và nhận bằng tiến sĩ, trường cũng sẽ thông báo và có phương án hỗ trợ phù hợp, đúng theo quy định.
Đại diện Đại học Luật (Đại học Huế) cho hay, trường chưa nhận được thông tin về giảng viên hay nghiên cứu sinh của trường dùng bằng của Đại học Đông Đô nên chưa có hướng xử lý. Quan điểm của trường là không chấp nhận văn bằng không đủ điều kiện. Với những trường hợp nghiên cứu sinh đã, đang và chuẩn bị bảo vệ tiến sĩ đều sẽ có phương án kiểm tra điều kiện tiếng Anh đúng quy định.
Cấp 626 văn bằng 2 tiếng Anh
Ngày 23/11 Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an thông báo kết luận điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Đại học Đông Đô. Kết luận điều tra xác định, Đại học Đông Đô không được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng từ năm 2015, Bộ GĐ&ĐT vẫn cho đăng tải thông báo chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy của trường này lên Cổng thông tin của Bộ.
Cụ thể, ngày 21/1/2015, Đại học Đông Đô có báo cáo thống kê năm học 2014 – 2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 của gửi Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ GĐ&ĐT. Tại công văn này không có nội dung đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 chính quy, song vẫn được Bộ GĐ&ĐT thông báo có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Đến các năm học sau, Đại học Đông Đô có văn bản “xin” chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy và được các đơn vị chức năng của Bộ GĐ&ĐT cho đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ. Trong đó năm 2016 là 150 chỉ tiêu; năm 2107 là 150 chỉ tiêu và năm 2018 là 400 chỉ tiêu.
Theo kết luận điều tra, Đại học Đông Đô cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh. Kết quả xác minh xác định trong số 216 trường hợp nêu trên có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng (số bằng này được cấp trong giai đoạn từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2019).
Đối với 193 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 trường hợp sử dụng bằng giả này, trong đó có 55 người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sỹ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi công chức, 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ, 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sỹ.
Bình luận