• Zalo

Tiên Lãng: Những bài học, lời cảm ơn và... hy vọng!

Thời sựThứ Hai, 13/02/2012 04:58:00 +07:00Google News

Rất nhiều người nông dân khác nữa cũng sẽ thầm cảm ơn Thủ tướng khi họ nghĩ và tin rằng ông sẽ giải quyết rốt ráo, đầy đủ tất cả những gì Kết luận đã nêu.

Rất nhiều người nông dân khác nữa cũng sẽ thầm cảm ơn Thủ tướng khi họ nghĩ và tin rằng ông sẽ giải quyết rốt ráo, đầy đủ tất cả những gì Kết luận đã nêu.

Có lẽ, đã lâu lắm rồi, người dân và báo chí mới có được một lần nghẹn đầy những cảm xúc, sự hồi hợp và mong mỏi đối với sự kiện có một không hai là chờ đợi Kết luận của Thủ tướng Chính phủ đối với "Vụ Đoàn Văn Vươn", ngày 10.2.2012!

Nói như thế để thấy rằng sự phức tạp của vấn đề đất đai, tính nhạy cảm về sự bất cập, yếu kém của một bộ phận quan chức, những bức xúc của yêu cầu thay đổi, cái thấy được của ước nguyện về một cơ hội của niềm tin... đã trở thành sự tổng hòa tâm thức của triệu triệu con người - trong đó có cả sự quan tâm từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Những bài học

Kết luận của Thủ tướng đã khẳng định là chính quyền Tiên Lãng đã sai từ đầu tới... cuối về quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế, việc thực thi cưỡng chế, cách ngụy biện cho những sai lầm, sự vô cảm trước nỗi khổ của người dân, sự quanh co khi phải đối diện với sự thật.

Cái sai và cách ngang nhiên làm sai 100% ấy nói lên rằng khi cả một bộ máy bị thao túng bởi một quyền lực (hay một nhóm quyền lực) thì hậu quả sẽ tai hại như thế nào! Không phải ngẫu nhiên mà Lord Action đã thật chua chát khi ông "định nghĩa" về một trong những điều đau xót nhất của nền chính trị hiện đại là "Quyền lực tuyệt đối sẽ đẻ ra sự tha hóa tuyệt đối".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận cuộc họp về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất. Ảnh: Chinhphu.vn 
Thử hình dung nếu địa phương nào cũng "im lặng là vàng" như tập thể cán bộ đảng viên Tiên Lãng thì làm sao có thể chỉnh đốn được những sai trái, bất công?

Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai được "làm mới"  ba lần, sửa đổi hai lần rồi, bị nhiễu loạn bởi 400 thông tư, nghị định dưới luật, gần luật..., đã tạo nên một mê hồn trận về sự quan liêu, khó hiểu, chồng chéo của các cách diễn đạt và "vận dụng" đầy tắc trách. Thậm chí là đã tạo nên vô số kẽ hở cho sự vô cảm, mưu lợi cá nhân lộng hành.

Sự thiếu trung thực, sợ trách nhiệm, dám làm nhưng sợ bị mất ghế, mất quyền đã đẩy tất cả những ai có quyền lực cùng gặp nhau ở điểm đến của sự xót xa là dối gian, vòng vo và sợ hãi khi phải đối mặt với những sai lầm do chính mình gây ra.

Lịch sử không bao giờ có chữ "nếu" cho những gì chưa xảy ra, nhưng có quyền đặt câu hỏi, nếu Thủ tướng không vào cuộc một cách dứt khoát (với nội dung sẽ xử lý và thời điểm được ấn định rõ ràng) thì điều gì sẽ xảy ra?

Hành xử chậm chạp, kém năng động và vô cùng thiếu về ý thức chính trị bao quát, sự thiển cận của bộ máy chính quyền địa phương thực sự đáng báo động và là một trong những tồn tại không thể chấp nhận, nếu chúng ta hướng tới trong sạch, phát triển, ổn định.

Như Lê Nin đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Người nông dân luôn suy nghĩ trên luống cày của họ. Những cái sai của Đoàn Văn Vươn như đem đất đi cho thuê (để kiếm thêm tiền mở rộng sản xuất) là điều có thể hiểu được.

Một khi coi đó là tội lỗi thì chúng ta nên nhớ và hiểu câu nói của Lê Nin: Trong mỗi nông dân luôn có hai con người - khi họ sản xuất lúa mì, họ gần gũi với giai cấp vô sản; khi họ bán lúa mì, họ gần hơn với giai cấp tư sản.

Tại sao người ta không nhìn thấy một sự thực hiển nhiên là, ngay sau khi cho thuê đất, Đoàn Văn Vươn vẫn không đủ tiền tô lại mấy mảng tường, vẫn chỉ có thể lợp tôn xập xệ cho căn nhà hai tầng có nghĩa là gì?

Lời cảm ơn

Chị Nguyễn Thị Thương - vợ của Đoàn Văn Vươn nói: "Cuối cùng, thì mong muốn của người dân chúng tôi cũng đã được đáp ứng... Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Thủ tướng. Cảm ơn ông đã giúp người dân chúng tôi lấy lại niềm tin..." (VNN, 7:03:32 PM (GMT+7).

VNN đăng tải câu nói này sau khi kết thúc buổi họp báo chưa đầy hai giờ - có nghĩa là chị Thương đã trả lời gần như ngay lập tức sau khi buổi họp báo kết thúc.

Lời cảm ơn ngắn của một người phụ nữ chỉ quen với khói thuốc lào, cái tép, con tôm hay hơn mọi bản tụng ca. Nó đến từ sự xúc động chân thành nên đẫm nước mắt. Nó xuất phát từ sự oan ức, từ đôi mắt buồn khổ, đau đớn của một người đang là bị can tại ngoạicó chồng đang bị tạm giam nên chứa đựng sự chịu đựng nhưng cũng bao dung, vị tha vô bờ bến.

Ai bảo những người ít học là tiểu nhân nên "không có nghĩa bao giờ" (Khổng Tử)? Ai bảo rằng họ không biết phân biệt rành rẽ cái lẽ giản dị mà công minh nhất của cuộc đời là công ai nấy hưởng, tội ai nấy chịu, làm sai phải bị trừng phạt thích đáng?

Rất nhiều người nông dân khác nữa cũng sẽ thầm cảm ơn Thủ tướng khi họ nghĩ và tin rằng ông sẽ giải quyết rốt ráo, đầy đủ tất cả những gì Kết luận đã nêu.

Xa và sâu hơn nữa, lời cảm ơn của một người thay mặt cho những gia đình đang bị những bất công ở khắp nơi chèn ép, những người rất có thể, nếu không có Đoàn Văn Vươn, sẽ vẫn phải mặn đắng nỗi lòng khi hòa nước mắt chung cùng với biển cả nhọc nhằn để lấn biển, quai đê - mở rộng diện tích đất đai cho nước Việt chật chội, nghèo nàn...

Và, hy vọng...!

Là một Kết luận nên dư luận chưa thể đòi hỏi sự rạch ròi đầy đủ bản thông cáo báo chí về công hay tội của những con người đã đúng và sai. Thời điểm của Kết luận cũng là thời điểm được chọn lựa vì nó diễn ra trước hai ngày nghỉ cuối tuần. Rất nhiều những câu hỏi được đặt ra để mà hy vọng.

Tại sao "chính quyền địa phương chỉ đạo phá nhà" mà lại chỉ mới là "dấu hiệu vi phạm pháp luật"? Một hành động đã cấu thành (hoàn thành) tội thì không thể còn là dấu hiệu được nữa.

Chính quyền Tiên Lãng đã sai từ A tới Z cho nên cái tội chống người thi hành công vụ có thể chưa đủ nghĩa về mặt luật pháp? Trả lại đất cho gia đình hai anh Vươn và Quý là điều tốt đẹp mà Thủ tướng đã chỉ đạo. Nhưng, nếu vẫn khép họ vào cảnh tù tội lâu dài thì lấy ai để sản xuất - chẳng khác gì cho chiếc xe máy mà không có người sử dụng?

Sự thiếu trách nhiệm và những phát ngôn bị dư luận phẫn nộ của nhiều quan chức làm phương hại đến bộ mặt của chế độ mà chỉ kiểm điểm thì có đủ răn đe các quan chức khác, những lần khác hay không?

Theo ông Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì đã có hơn 800 bài báo với hàng ngàn bình luận về vụ Đoàn Văn Vươn, điều đó có thể là một sự bội thực về thông tin nhưng tầm mức quan trọng của nó rất đáng để tuyên truyền, rất đáng để cho dư luận giảm bớt sức nóng bức xúc.

Việc chính quyền Hải Phòng "chưa đầy đủ, nghiêm túc" khi báo cáo vụ việc với Thủ tướng có cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để chỉnh đốn thực sự hay không?...

Rất nhiều câu hỏi được nảy sinh trên tinh thần của hy vọng và tin tưởng. Có một nhà báo đã viết chính xác rằng một trong những cái "được" của vụ Đoàn Văn Vươn chính là nó đã đem lại cơ hội để giải tỏa những bức xúc giữa người dân và chính quyền.

Hà Văn Thịnh/ Tuần Việt Nam

Bình luận
vtcnews.vn