Tất nhiên, một công ty Việt được (bị) một nhà đầu tư nước ngoài mua cũng tạo ra tâm tư. Từ nay uống bia Sài Gòn sẽ không còn là dùng sản phẩm của ông chủ người Việt, mà của người Thái. Từ đó suy diễn tiếp sẽ lần lượt các công ty nhà nước khác, cộng thêm việc người Thái mua BigC, Metro...
Nhưng, những cảm xúc, thậm chí nhận định kinh tế đó sẽ làm sai lệch về sự phát triển quốc gia hiện đại, bao gồm kinh tế thị trường cạnh tranh, phát triển sáng tạo, năng lực quốc gia...
Thứ nhất Vinamilk, Sabeco, Habeco… không phải các công ty đầu ngành, có giá trị cốt lõi, có năng lực liên kết và lan tỏa cho sức mạnh kinh tế trong nền kinh tế hiện đại Việt Nam cần phải có và phát triển. Đó chỉ là những công ty tiêu dùng, với bia, thậm chí còn nên hạn chế tiêu dùng. Với sữa, việc bán Vinamilk sẽ mở ra thời kỳ mới, nhà nước không còn ưu ái cho một ngành thiết yếu vốn cần sản phẩm rẻ, công ty ít lời càng tốt để người dân tiêu dùng nhiều hơn.
Không phủ nhận Sabeco làm tốt việc cạnh tranh, nhưng phải nói thêm, đó là cạnh tranh “độc quyền tương đối”. Nghĩa là Nhà nước đã dựng “hàng rào kỹ thuật và thuế tiêu thụ đặc biệt” để các hãng bia nước ngoài không thể vào Việt Nam bán bia giá rẻ và cạnh tranh trực tiếp với Sabeco. Lẽ ra, Việt Nam nên có nhiều công ty sản xuất loại rượu nhẹ kiểu Sake của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Vì rượu sử dụng gạo là ưu thế Việt Nam, không phải nhập lúa mạch và hoa houblon (hoa bia) mất ngoại tệ như sản xuất bia. Việt Nam đã có các loại gạo nếp, nếu xử lý độ ngọt sẽ có những thức uống độ cồn nhẹ như Sake, đúng kiểu châu Á nhưng mang phong cách Việt. Nhưng chính sách của ta xem sản xuất rượu như kẻ thù, một mặt đè nén sản xuất rượu, đã tạo ra nạn rượu giả, rượu lậu, còn tiêu thụ bia thì “có số má” trên thế giới.
“Đưa tiễn” Sabeco không có gì hối tiếc, hãy cho thị trường tự do cạnh tranh giữa các loại bia, rượu, còn nhà nước thu thuế đầy đủ, thậm chí tăng thuế để hạn chế càng tốt. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hãng rượu tư nhân Việt sáng tạo ra các loại rượu từ trái cây, Sake cho đến “nếp cái hoa vàng” chính hiệu.
Sản phẩm nào sản xuất từ gạo trong nước đều chào đón, sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn xuất khẩu càng tốt hơn. Như ở Australia, dù là trùm bia, nhưng vẫn có cô gái gốc Việt tạo ra bia trái cây và thành công vang dội, với giá trị triệu đô la Mỹ.
Video: Mỗi người Việt uống 42 lít bia/năm, doanh nghiệp đua nhau giành mỏ vàng
Về sữa, bên cạnh lợi nhuận khổng lồ của Vinamilk, các sản phẩm sữa cho trẻ em ở Việt Nam có giá quá cao. Giá sữa tươi châu Âu rẻ hơn Việt Nam 50 - 100%, thậm chí chất lượng còn tốt hơn nhiều. Hãy nhìn sang Ấn Độ, họ có chính sách sữa tươi giá rẻ cho trẻ em, để phát triển thế hệ tương lai. Do đó, việc Nhà nước thoái vốn khỏi Vinamilk có thể giúp thị trường sữa tươi cạnh tranh hơn, giá rẻ hơn, để trẻ Việt Nam cải thiện chiều cao, cân nặng…
Tôi rất ngạc nhiên có những chuyên gia tâm huyết lo lắng khi nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm các công ty tiêu dùng nội địa - những công ty lãi khủng từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Thay vào đó, hãy lo lắng nếu bán một cảng biển, vì cảng biển là hạ tầng phục vụ chung cho nền kinh tế, rất cần nhà nước hỗ trợ (tiếc thay chúng ta đang làm ngược lại vì phí cảng quá cao); hãy lo lắng khi nhà đầu tư nước ngoài vào với công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường…
Bình luận