• Zalo

Tiền Đồng phá giá lần 2 trong tháng 8: Kinh tế liệu có bất ổn?

Kinh tếThứ Năm, 20/08/2015 07:03:00 +07:00Google News

Việc nâng tỷ giá lần thứ 2 trong tháng 8 của NHNN khiến nhiều người lo lắng, liệu nền kinh tế có gặp bất ổn sau khi tiền đồng lại bị phá giá?

(VTC News) – Tiền đồng lại phá giá lần thứ 2 trong tháng 8 khiến nhiều người lo lắng, liệu nền kinh tế có gặp bất ổn?

Ngày 19/8, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ nâng tỷ giá thêm 1%. Như vậy, chỉ trong 1 tuần, tiền Đồng đã phá giá 2 lần với mức giảm 2%. Tính từ đầu năm, tiền Đồng giảm 4% trong khi “chỉ tiêu” trước đó mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra chỉ là 2%.

Những con số kể trên khiến không ít người lo ngại. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố tăng tỷ giá, giá USD và giá vàng hôm 19/8 cùng nhau tăng vọt. Trong khi đó, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm sâu cùng mối lo nền kinh tế bất ổn.

Phóng viên báo điện tử VTC News đã phỏng vấn các chuyên gia kinh tế về vấn đề này.


TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội

Việc tăng tỷ giá nằm trong tổng thể điều hành tỷ giá mà Chính phủ đã nêu ra trước đó.  Ngân hàng Nhà nước đã có phản ứng kịp thời sau khi Trung Quốc tăng tỷ giá gần 5%. Như vậy, tới thời điểm này, tỷ giá USD/VND đã tăng 4% kể từ đầu năm.

Câu hỏi đặt ra là có e ngại biên độ tỷ giá vượt cam kết 2% hay không? Câu trả lời là không cần e ngại.

Thứ nhất, bây giờ mới là tháng 8. Chúng ta còn 4 tháng nữa để tỷ giá lên xuống. Khi mọi thứ ổn định, tỷ giá có thể đi xuống. Như vậy, hoàn toàn có cơ hội không sai cam kết tỷ giá.

Nhưng cũng cần phải phân tích rõ ràng, cam kết giữ biên độ tỷ giá 2% trong năm 2015 được đặt trong giả định thế giới bình thường. Nhưng Trung Quốc bất ngờ tác động đến thị trường ngoại hối, đây là lỗi từ bên ngoài nên chúng ta phải điều chỉnh khách quan. Nếu các nước khác cùng tăng mạnh tỷ giá, chúng ta cũng phải tăng mạnh hơn.

Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định đây là sự điều chỉnh bất đắc dĩ, không nên lạm dụng. Ngân hàng Nhà nước nên cân đối các yếu tố vĩ mô khác. Nếu điều chỉnh tỷ giá quá cao, có thể tạo nên sức ép cho nền kinh tế.

Theo thông lệ ở Việt Nam, cứ tới thời điểm cuối năm, nhu cầu USD tăng mạnh do nhu cầu thanh toán tăng. Nhiều người cho rằng đây sẽ là sức ép khiến tỷ giá tiếp tục tăng. Nhưng điều đó không đáng ngại vì ngoại hối chảy vào khá nhiều, thu từ xuất khẩu tăng.

Hôm nay, khi tỷ giá tăng, giá vàng cũng tăng theo. Đó chưa hẳn là thị trường ngoại hối dẫn dắt thị trường vàng. Điều đó chưa hẳn đã đúng. Giá vàng tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý. Hiện nay, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang là hơn 4 triệu đồng/lượng. Với mức chênh này, hoàn toàn có thể ép giá vàng xuống nữa.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Á Châu (ACB)

Chúng tôi không thể nói động thái này có Ngân hàng Nhà nước có kịp thời và hợp lý hay không vì quyết định nâng tỷ giá dựa trên các cân đối vĩ mô. Ngân hàng thương mại không có những số liệu để đó để phân tích đúng hay không đúng.

Ngân hàng thương mại có nghĩa vụ thực hiện các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc thực hiện diễn ra bình thường, không có biến động nào cả vì không như các loại hàng hóa khác, giao dịch USD tại ngân hàng là giao dịch có điều kiện.

Muốn mua được USD tại ngân hàng, khách hàng phải có bộ chứng từ đầy đủ, chứ không phải muốn mua là mua được, muốn bán là bán được. Thành ra, ở ngân hàng không có chuyện khách đông hay vắng vì khi có nhu cầu thanh toán thương mại, khách mới tới ngân hàng.

Khi đến hạn thanh toán, khách mới tới ngân hàng thanh toán. Nếu đến không đúng thời điểm, ngân hàng cũng không bán USD ra. Vì thế, sau những đợt điều chỉnh tỷ giá, hoạt động mua bán ngoại tệ tại ngân hàng không có gì căng thẳng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng

Tôi rất hoan nghênh quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Trong thời gian ngắn, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá với mức độ lớn. Lần điều chỉnh trước và lần điều chỉnh này rất gần nhau cho thấy tần suất gần, chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước đang phải  đối phó với thị trường tự do tăng cao.

Tôi đánh giá động thái của Ngân hàng Nhà nước hôm nay là đúng và hợp lý.

Tuy nhiên, cũng cần phải đặt ra câu hỏi, mức điều chỉnh 1% đã đủ hay chưa. Chúng ta cần theo dõi những biến động  trong các ngầy tiếp theo của thị trường ngoại hối. Có thể Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt để có quyết định phù hợp hơn nếu tình hình tiếp tục biến động mạnh.

Theo tôi, hiện tại thị trường ngoại hối đang có nhiều áp lực.

Thứ nhất là đồng nhân dân tệ liên tục giảm giá khiến nhiều đồng tiền khác trên thế giới phải giảm giá theo để gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế. Trong khi đó, tiền đồng vẫn neo theo USD nên tiền đồng đang tăng so với một số đồng tiền khác.

Thứ hai, trong nội tại của nền kinh, nhập siêu ngày càng tăng, Ngân hàng Nhà nước phải bỏ lượng lớn ngoại tệ để ổn định thị trường và dự trữ quốc gia có hạn đang gây áp lực cho ngoại hối.

Bên cạnh đó, khả năng cao Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất USD. Vì vậy, áp lực tỷ giá vẫn còn nên chưa khẳng định được mức tăng tỷ giá 1% ngày ngày 19/8 là đã đủ.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn