Chị Thùy Linh (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mặc dù biết thông tin tăng giá điện thêm 8,36% từ ngày 20/3 nhưng chị không nghĩ tiền điện lại nhảy vọt như vậy.
Bởi trước đó, theo tính toán của Bộ Công thương, với việc điều chỉnh tăng thêm 8,36%, khách hàng hộ gia đình sử dụng dưới 50kWh mỗi tháng sẽ chỉ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng; khách hàng sử dụng 51-100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng; từ 101-200kWh phải trả thêm 31.000 đồng; 201-300kWh phải trả thêm trung bình khoảng 53.000 đồng; khách hàng sử dụng trên 400 kWh phải trả thêm từ 77.200 đồng/tháng.
Giải thích về việc hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tháng 3 và 4 tại miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30 độ C. Từ đó dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của khách hàng dùng cho thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh tăng cao.
Đơn vị này cũng dẫn một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày, kéo dài từ ngày ghi chỉ số tháng 2 đến ngày ghi chỉ số tháng 3).
“Số ngày sử dụng điện dài hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn. Điều này kết hợp với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện tăng hơn so với tháng trước” EVN cho hay.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nguyên nhân của việc tăng giá điện vừa qua ngoài những lý do trên thì chủ yếu là sự bất hợp lý của biểu giá điện.
Ngoài mức tăng bình quân 8,36% thì giá điện chênh nhau giữa các bậc là không hề thấp. Cụ thể giá điện từ bậc 2 lên bậc 3 tăng đến 16,15%, giá điện sinh hoạt từ bậc 3 lên bậc 4 tăng gần 25,92%, từ bậc 4 lên bậc 5 tăng 11,75%.... Càng dùng nhiều điện mức chi trả càng cao.
Chỉ ra điểm bất hợp lý của biểu giá điện 6 bậc hiện nay, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 (từ 0 -50kWh) và bậc 2 (từ 51-100kWh) là thấp hơn so với giá điện bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kWh), còn lại từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại cao hơn nhiều so với giá điện bình quân.
Trong khi đó, hầu hết các hộ gia đình đều phải sử dụng điện trong mức từ trên 100kWh trở lên nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay.
Với biểu giá 6 bậc như hiện nay thì người hưởng lợi chính là ngành điện. Chính vì thế, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, cần phải xây dựng lại biểu giá điện phù hợp hơn, cần chia nhỏ nhiều bậc thêm nữa, không chỉ dừng lại ở 6 bậc như hiện nay.
Bình luận