• Zalo

Tiền dành cho người nghèo 'bị nhốt' trong kho bạc: Nhiều dự án nằm im trên giấy

Tin nhanh 24hThứ Năm, 24/08/2023 11:59:38 +07:00Google News

Hai năm qua, hầu hết các địa phương gặp khó khăn khi triển khai Chương trình phát triển KTXH vùng DTTS giai đoạn 2021-2025, có dự án vừa triển khai đã phải dừng lại.

Trà Thanh, một xã đặc biệt khó khăn ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi có đến 99% dân số là người dân tộc Cor, trong đó 97% số hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, chính quyền địa phương lên kế hoạch hỗ trợ con bò giống, giúp hộ nghèo 4 thôn trong xã cùng chăn nuôi gây đàn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Cũng như các hộ nghèo khác, ông Hồ Văn Tha, ở thôn Ba, xã Trà Thanh mòn mỏi chờ đợi hơn 2 năm nay mà bò giống vẫn chưa thấy về.

Thiếu đất canh tác, người dân miền núi chủ yếu sản xuất manh mún, trồng trọt và chăn nuôi theo tập quán lạc hậu

Thiếu đất canh tác, người dân miền núi chủ yếu sản xuất manh mún, trồng trọt và chăn nuôi theo tập quán lạc hậu

“Vừa rồi có chương trình cấp bò giống, hỗ trợ tiền làm nhà ở cho hộ nghèo chưa có nhà ở. Chương trình nghe triển khai cũng lâu rồi, nhưng tới thời điểm này bà con chưa được hưởng lợi. Bà con rất trông chờ”- ông Ba nói.

Niềm mong mỏi của bà con cũng là sự sốt ruột của cán bộ. Rất nhiều cuộc họp bàn việc triển khai thực hiện chương trình này vẫn chưa tìm được lối ra.

Hai năm qua, xã Trà Thanh được phân bổ hơn 14,5 tỷ đồng nhưng đến nay mới hoàn thành được một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, xây dựng 2 tường rào, cổng ngõ trường học và một đường bê tông xi măng, giải ngân hơn 5 tỷ đồng. Gần 10 tỷ đồng còn lại dự kiến hỗ trợ làm nhà ở, cấp bò giống cho hộ nghèo nhưng tiền vẫn còn nằm trong Kho bạc.

Một công trình nước sạch tại xã miền núi Trà Thanh, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Một công trình nước sạch tại xã miền núi Trà Thanh, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Hồ Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng đứng ngồi không yên vì tiền đã có mà không thể chi hỗ trợ cho người nghèo: “Đến bây giờ vẫn chưa giải ngân được. Tôi là người thường xuyên làm việc trực tiếp với người dân. Cả tháng nay cứ mỗi lần đối thoại với người dân là họ chửi vì tiền chưa đến tay dân. Rất là khó khăn, chúng tôi thấy cũng sốt ruột. Giờ nghe đau đầu quá, mà không giải ngân được thì huyện kiểm điểm cán bộ xã, nhưng cơ chế chính sách vướng thế này thì khó thực hiện lắm".

Người dân khát vốn mà tiền vẫn ‘bị nhốt” trong kho bạc không thể giải ngân là chuyện có thật. Nguyên nhân theo giải thích từ cán bộ địa phương là vướng thủ tục pháp lý. Các cơ quan Trung ương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Ông Hồ Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi sốt ruột vì khó khăn trong giải ngân vốn dành cho người nghèo

Ông Hồ Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi sốt ruột vì khó khăn trong giải ngân vốn dành cho người nghèo 

Quá trình triển khai phát sinh nhiều vướng mắc, chính quyền cấp xã báo cáo lên huyện, huyện lại kiến nghị tỉnh và tỉnh tiếp tục kiến nghị lên Trung ương…, rồi lại chờ sửa đổi quy định, hướng dẫn thực hiện. Mặt khác, các cấp chính quyền cũng ban hành quá nhiều văn bản hướng dẫn, có địa phương “sản xuất” đến 600 văn bản các loại nên cán bộ thực thi nhiệm vụ phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu về những “độ vênh chồng chéo”, không sát thực tế.

Phóng viên ghi nhận được một số ý kiến như sau:

- “Quy định vênh với thực tế. Đối với vốn sự nghiệp trên 100 triệu đồng là bắt buộc phải đấu thầu. Đối với tổ nhóm hộ họ không có tư cách pháp nhân nên không thể đấu thầu được”.

- “Do cơ chế mình chưa rõ ràng. Từ cơ chế không rõ cho nên không dám mạnh dạn làm và dễ dẫn đến sai sót”.

Một trong những bất cập được chỉ ra trong việc không thể giải ngân là quy định yêu cầu người dân phải lập dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Theo ông Lê Thanh Hưng, Bí thư Huyện uỷ Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, để đảm bảo các thủ tục thì cán bộ xã phải xắn tay áo làm thay cho dân. Câu hỏi đặt ra khi mục tiêu Dự án là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong liên kết phát triển sản xuất nhưng cán bộ lại làm thay thì liệu bà con có phát huy được vai trò chủ thể hay không?

Ông Lê Thanh Hưng, Bí thư Huyện uỷ Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho rằng, nhiều quy định thiếu thực tế, thủ tục rườm rà, khó triển khai.

Ông Lê Thanh Hưng, Bí thư Huyện uỷ Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho rằng, nhiều quy định thiếu thực tế, thủ tục rườm rà, khó triển khai.

“Chủ thể của dự án thì phải vào cuộc ngay từ đầu, mà muốn như thế thì thủ tục phải hạn chế rườm rà. Thủ tục nào cũng có cán bộ xã, trưởng thôn làm thay thì người dân sẽ không thấy được những vấn đề mà bản thân mình cần làm để từ đó cố gắng, nỗ lực, quyết tâm bỏ công sức chăm sóc, triển khai dự án đó. Làm như thế họ sẽ ỷ lại như là được cho không vậy”- ông Lê Thanh Hưng bộc bạch.

Một trong những Dự án được nhiều người hy vọng có cơ hội thoát nghèo là Dự án 3 về “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”. Dự án này có nguồn vốn lớn nhất trong các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, dự kiến hỗ trợ các địa phương thực hiện trong 5 năm hơn 20.060 tỷ đồng. Thế nhưng, 2 năm nay, dự án này vẫn nằm im trên giấy. Quy định về đấu thầu đang gây khó cho việc giải ngân.

Một khu dân cư tại miền núi tỉnh Quảng Nam.

Một khu dân cư tại miền núi tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch UBND xã Trà Nam, huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho rằng, theo quy định, dự án sử dụng vốn sự nghiệp trên 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu. Khổ nỗi, các tổ nhóm lại không có tư cách pháp nhân để tham gia đấu thầu nên khó thực hiện quy định này: “Xã có 99% dân số là người dân tộc thiểu số, người Xê Đăng, người dân cũng không hiểu đấu thầu là gì, rất khó trong triển khai thực hiện”.

Thực tế, tại các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đội ngũ cán bộ ít, địa bàn rộng, núi rừng hiểm trở, năng lực và trình độ cán bộ cơ sở và người dân còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi đó, Chương trình có quá nhiều điểm mới, nhiều nội dung chưa rõ ràng, không phù hợp, càng khó triển khai thực hiện. Đó là chưa kể tâm lý của một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, không dám triển khai công việc. 

Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng chỉ khi nào tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong thủ tục, có hướng dẫn cụ thể, đảm bảo căn cứ pháp luật thì các chính sách mang tính đột phá mới được đi vào cuộc sống.

Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

“Tới đây có sửa được cơ chế thì mới làm được, nếu không sẽ bị đứng lại. Bởi vì địa phương không dám làm, ở cấp dưới cơ sở cũng không dám làm, nếu cố ý giải ngân thì rủi ro rất lớn. Mình muốn cán bộ làm thì phải có hành lang pháp lý cho họ làm. Bởi vì thực tế, cũng có nhiều trường hợp khi chi không đúng đối tượng, buộc phải thu hồi nhưng không thể thu hồi được. Cái này đã xảy ra nhiều rồi, không phải ít đâu”- ông Võ Phiên thừa nhận.

Những khó khăn mà các địa phương gặp phải như đã nêu là lý do khiến tỷ lệ giải ngân vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 rất thấp. Cụ thể như tỉnh Quảng Nam, kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 gần 2.189 tỷ đồng và đã được Trung ương phân bổ hơn 682 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn của năm 2022 không giải ngân được phải chuyển sang năm 2023 và cũng mới giải ngân hơn 25%; riêng nguồn vốn của năm 2023 mới giải ngân hơn 8,5%. Tại tỉnh Quảng Ngãi, nguồn vốn này của năm 2022 giải ngân được 42%, vốn của năm 2023 kể cả năm 2022 chuyển sang cũng mới giải ngân được 15%.

Bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi lo lắng khi tỷ lệ giải ngân quá thấp. “Chúng tôi lo lắng nhất nguồn lực thì mất, cuối năm giải ngân không đạt, sang năm sau không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng nếu để giải ngân cho đạt mà hành lang pháp lý không đảm bảo thì không ai dám làm. Cơ chế như hiện nay, cán bộ rất áp lực. Chưa có năm nào mà tiền chúng tôi lại xin trả, xin cấp vốn ít để chúng tôi có cơ hội giải ngân”.

Đình Thiệu - Long Phi (Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn