Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, biểu hiện bệnh học của trẻ em mắc COVID-19 và ở người lớn có sự khác biệt cơ bản.
Ở người lớn có biểu hiện biến chứng suy hô hấp nguy kịch, còn với trẻ em, sau khi mắc COVID-19 từ 4 - 6 tuần có biểu hiện mắc hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em (MIS-C).
Hội chứng MIS-C chính là tình trạng đáp ứng viêm quá lên của cơ thể khi phản ứng với các thành phần của virus. Việc này ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan, trong đó có hệ thống tim mạch, hệ thống da, cơ, gan, thần kinh, thận…
Hiện, Việt Nam đã có phác đồ điều trị nhưng nếu không chẩn đoán sớm, không phát hiện kịp thời thì rất ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Ở Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 283 bệnh nhân mắc MIS-C thì 50% phải nằm hồi sức. Các em phải thở máy, lọc máu và làm ECMO.
Hầu hết trẻ ở nhóm này đều được các y bác sĩ cứu chữa kịp thời dựa trên phác đồ điều trị, tuy nhiên, phác đồ điều trị này rất tốn kém. Như vậy, nếu trẻ mắc COVID-19 thì không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, tính mạng mà còn ảnh hưởng đến cả gánh nặng chi phí điều trị.
“Trở lại câu hỏi tiêm vaccine có làm giảm tình trạng mắc MIS-C ở trẻ em hay không, chúng tôi đã tra cứu các y văn và thấy rằng vaccine không những có tác dụng giúp tránh mắc MIS-C mà còn bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ mắc MIS-C”, PGS.TS Trần Minh Điển nói.
Với trẻ từ 12 -18 tuổi, theo nghiên cứu từ Hoa Kỳ cho thấy, ước tính hiệu quả của 2 liều vaccine Pfizer chống lại MIS-C là 91%. Và tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những bệnh nhân mắc MIS-C mức độ nặng cần phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ, hầu như trẻ chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Với nhóm trẻ từ 5 - 17 tuổi, theo nghiên cứu tại Đan Mạch, khi tiêm vaccine sẽ bảo vệ trẻ tránh khỏi MIS-C khoảng 94%. Điều này cho thấy, nếu cho trẻ đi tiêm phòng sẽ giảm được nguy cơ mắc MIS-C và nếu như có mắc MIS-C thì bệnh sẽ nhẹ đi.
Bình luận