Tại Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng cho biết, trường vẫn đang cập nhập thông tin học sinh hàng ngày lên cổng dữ liệu tiêm chủng, đồng thời hướng dẫn giáo viên, cán bộ nhà trường về công tác tiêm chủng an toàn…
Trường cũng phổ biến lợi ích của vaccine phòng COVID-19 cho phụ huynh hiểu để từ đó quyết định cho con tham gia tiêm chủng. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ phụ huynh của trường đồng ý cho trẻ tiêm vaccine COVID-19 chỉ khoảng hơn 50%.
Cụ thể, toàn trường có 931 học sinh nhưng mới có 482 học sinh được phụ huynh đồng ý tiêm (số liệu cập nhật đến 13/4). Trước đó, đợt đăng ký đầu tiên, toàn trường có 610/931 học sinh được cha mẹ đăng ký tiêm nhưng sau đó con số này giảm xuống.
“Có thể bước đầu họ lo ngại nhưng sau này biết được lợi ích của vaccine phòng ngừa được bệnh tật thì tỷ lệ đồng thuận sẽ cao hơn”, cô Hương cho hay.
Theo cô Đặng Khoa Linh Lan, cán bộ phụ trách y tế của Trường Tiểu học Hòa Bình, mặc dù trường đã thông tin đầy đủ về tác dụng, kế hoạch tiêm, số lượng mũi tiêm, tiêm loại vaccine nào, quy trình tiêm chủng cho từng giáo viên chủ nhiệm để phổ biến đến phụ huynh học sinh từng lớp nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn không đồng ý hoặc còn lưỡng lự cho trẻ tham gia tiêm chủng.
“Lý do phụ huynh đưa ra là lo lắng về sức khỏe của con còn quá nhỏ tuổi để tiêm trong khi vaccine mới, họ sợ xảy ra chuyện gì sau tiêm. Có nhiều cha mẹ lo ngại tiêm xong có bị gì hay không nên họ chờ đợt 1 xong mới đăng ký đợt 2. Cũng có nhiều người đọc được thông tin không chính thống về vaccine trên các trang mạng rồi lo sợ không cho con tiêm. Hoặc nhiều học sinh đã là F0 nên cha mẹ cho rằng không cần tiêm nữa. Ngoài ra một số học sinh có bệnh nền nên phụ huynh không đăng ký tiêm”, cô Lan nói.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình, trường cũng đang tiếp tục vận động, thuyết phục để phụ huynh hiểu vaccine có thể phòng ngừa dịch bệnh dù không bảo vệ 100%, cha mẹ nào chưa hiểu về vaccine có thể gọi hỏi bộ phận y tế của trường để được giải đáp.
Thầy Phạm Trung Hữu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) cho hay, đến hết 27/2 trường đã hoàn thành khảo sát ý kiến phụ huynh về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Kết quả khảo sát có khoảng 85% phụ huynh đồng ý cho con tiêm vaccine.
Cụ thể toàn trường có 1.635 học sinh, trong đó 1.391 học sinh được phụ huynh đồng ý, đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19.
“Dù vậy, qua lấy ý cho thấy nhiều phụ huynh cũng rất nóng lòng muốn con được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tôi vui mừng khi TP.HCM chuẩn bị cho trẻ lứa tuổi này được tiêm ngừa”, thầy Hữu nói.
Tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cô Lê Thị Quy Thục, Phó Hiệu trưởng cho biết, trường lấy ý kiến phụ huynh về việc cho các con tiêm vaccine COVID-19 thì có nhiều phụ huynh băn khoăn, lưỡng lự chưa quyết định đăng ký cho con.
Khối lớp 6 hiện chỉ có gần 80 học sinh được phụ huynh đăng ký trên tổng số 170 học sinh. Trong đó có 13 em đã đủ 12 tuổi thì đã tiêm đợt trước (đợt tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi). Với con số này, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con tiêm chủng chỉ gần đạt 50%.
“Thực sự phụ huynh đồng thuận chưa phải là nhiều, phụ huynh rất là băn khoăn, lo ngại. Ngay cả những phụ huynh lớp 7, 8, 9 cũng không đồng ý, ở trường có một số cha mẹ các khối lớp này không cho con tiêm. Trường đã thông tin đầy đủ lợi ích của vaccine, công tác tổ chức trước và sau tiêm chủng an toàn, cũng cố gắng động viên phụ huynh cho con đi tiêm nhưng quyết định cuối cùng là ở phụ huynh, trường thuyết phục trên tinh thần tự nguyện”, cô Thục nói.
Theo cô Thục, ngoài sự băn khoăn, lo ngại của phụ huynh thì việc thiếu mã định danh cũng đang gây chậm trễ trong đăng ký tiêm chủng. Trong gần 80 em được phụ huynh đăng ký, hiện nhà trường đã nhập lên hệ thống hơn 60 học sinh, số học sinh còn lại chưa nhập liệu do thiếu mã định danh, trường đang chờ phụ huynh cung cấp.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục quận Bình Tân cho biết, toàn quận có 70.690 học sinh 5 - 11 tuổi thì có là 64.193 học sinh được phụ huynh đồng ý cho tiêm. Tỷ lệ đạt 90%, số còn lại các trường tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục.
UBND quận Bình Tân cũng vừa họp phân công công việc cho các trường để triển khai tiêm vaccine cho trẻ em. Công tác chuẩn bị đã xong, chỉ chờ triển khai. Nhưng vướng mắc hiện nay là lấy mã định danh của trẻ để nhập thông tin tiêm chủng, hiện quận mới lấy được 56.188/70.690 học sinh, còn lại khoảng 18.000 học sinh chưa có mã định danh.
"Khó khăn hiện nay là thiếu mã định danh. Các trường phải đề nghị phụ huynh về địa phương lấy mã định danh cho trẻ. Quận cũng đang chỉ đạo UBND phường hỗ trợ người dân trong việc này", ông Tuyên nói.
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, dự kiến 16/4, thành phố bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. TP phấn đấu hoàn thành trong tháng 9/2022.
Số lượng dự kiến tiêm là 898.537 trẻ, trong đó 885.730 trẻ đi học và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội, trẻ chưa đi học.
Bình luận