Theo Reuters, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 J-35A đang trở thành tâm điểm tại Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải 2024. J-35A là mẫu tiêm kích tàng hình thứ 2 của Trung Quốc và sắp được biên chế cho không quân nước này.
Dù J-35 và biến thể không quân J-35A đã được Trung Quốc phát triển hơn 10 năm cho đến nay vẫn có rất ít thông tin về tiêm kích tàng hình này. Những điều giới chuyên gia nhớ đến nhiều nhất đối với J-35 đó là thiết kế bên ngoài của nó có nhiều điểm tương đồng với máy bay F-35 của Mỹ.
Dự kiến J-35A sẽ có màn trình diễn bên trên không trong buổi lễ khai mạc Triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải vào ngày mai 12/11. Ngoài J-35A, hai dòng tiêm kích tàng hình khác cũng xuất hiện tại Chu Hải là J-20 (Trung Quốc) và Sukhoi Su-57 (Nga).
Các nhà phân tích quân sự nhận định, vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh chương trình phát triển J-35, mặc dù tiêm kích tàng hình này có thể đã kế thừa thành quả của nguyên mẫu J-31 được Trung Quốc chế tạo hơn 10 năm trước.
Theo chuyên gia Collin Koh thuộc Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, Trung Quốc có thói quen giữ kín mọi chương trình quân sự của nước này, rất khó để đánh giá hiệu suất của J-35 nếu chỉ nhìn từ thiết kế bên ngoài.
Chuyên gia Collin Koh cũng nhận định, không nên hoài nghi về những thành tựu của Trung Quốc đối với việc phát triển các dòng chiến đấu cơ tàng hình, thành công của J-20 đã chứng minh điều này.
Hai phiên bản tiêm kích tàng hình J-35 và J-35A được thiết kế và chế tạo bởi Tập đoàn hàng không vũ trụ Thẩm Dương, đây cũng là công ty phát triển J-20 và J-31.
Theo Nhân dân Nhật báo, phiên bản J-35A được thiết kế chủ yếu cho nhiệm vụ giành ưu thế trên không. Nếu so về kích thước J-35 nhỏ hơn đáng kể so với J-20 - mẫu tiêm kích tàng hình chủ lực của không quân Trung Quốc hiện tại.
Ở thời điểm hiện tại không quân Trung Quốc đang có trong biên chế hơn 200 chiếc J-20 và được đưa vào biên chế từ năm 2017.
Cũng theo ông Collin Koh, điều khiến nhiều chuyên gia cảm thấy thắc mắc là J-35 có thiết kế bên ngoài khá giống tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Điểm khác biệt giữa chúng là J-35 sử dụng hai động cơ, còn F-35 là một.
Điều này có thể đến từ việc Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được bài toán về hiệu suất trên các dòng động cơ phản lực nội địa.
Để giải quyết vấn đề động cơ, Trung Quốc phát triển mẫu động cơ phản lực tiên tiến WS-19 với hiệu suất cao hơn 10% so với WS-13. Nhiều thông tin cho thấy tập đoàn Thẩm Dương trang bị WS-19 cho các phiên bản J-35.
Công nghệ động cơ rất quan trọng đối với máy bay chiến đấu tiên tiến vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến tầm hoạt động, khả năng mang theo vũ khí và thiết bị của máy bay.
"Không có gì chắc chắn về thiết kế và hiệu suất của J-35 nếu chỉ dựa vào các buổi bay trình diễn ở Chu Hải", Peter Layton, một chuyên gia quốc phòng và hàng không tại Viện Griffith Châu Á cho biết.
Ngoài động cơ, một vấn khác được các nhà phân tích quan tâm nhất lúc này là J-35 có tham gia vào chương trình tàu sân bay thế hệ mới của Trung Quốc hay không. Mặc dù Bắc Kinh có đến ba tàu sân bay nhưng chúng vẫn bị giới hạn bởi phạm vi tác chiến.
Sự xuất hiện của một tiêm kích tàng hình trên hạm có thể giúp hải quân Trung Quốc vươn tầm ra khỏi khu vực Đông Á
Bình luận