Theo Sky News, đoạn video được camera an ninh trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth một lần nữa củng cố giả thuyết động cơ của chiếc F-35B đã gặp sự cố trong quá trình cất cánh từ cầu nhảy.
Cụ thể, một tấm phủ che mưa bằng nhựa đã bị hút vào động cơ F-35B ngay khi nó chuẩn bị cất cánh, chiếc máy bay di chuyển lên cầu nhảy với tốc độ quá chậm. Điều này dẫn đến việc nó lao xuống biển ngay sau đó do không đủ lực nâng.
Rất may trong tình huống này phi công F-35B đã kịp kích hoạt ghế phóng khẩn cấp để thoát khỏi chiếc tiêm kích và được giải cứu ngay sau đó.
Video: Tiêm kích F-35B đâm đầu xuống biển từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth
Trước đó, các điều tra viên nghi ngờ sự cố xảy ra do tấm che mưa bằng nhựa không được tháo đúng cách trước khi tiêm kích F-35B (trị giá 133 triệu USD) cất cánh. Tấm nhựa này nhiều khả năng đã bị hút vào động cơ tiêm kích, khiến nó mất lực đẩy trong lúc máy bay đang chạy đà.
Phi công điều khiển lập tức phát hiện vấn đề và cố gắng hủy cất cánh, nhưng không thể hãm tiêm kích nặng gần 20 tấn trên đường băng ngắn của tàu sân bay.
Để bảo quản máy bay trên hạm, hải quân các nước thường dùng những tấm nhựa chống nước bịt kín động cơ và nhiều thiết bị bên ngoài thân máy bay như ống không tốc, cảm biến góc tấn khi chúng đậu trên boong, nhằm ngăn nguy cơ hư hỏng và bảo đảm hoạt động chính xác.
Vụ tai nạn trên diễn ra hôm 17/11 trên biển Địa Trung Hải, chiếc F-35B gặp sự cố khi tiến hành một hoạt động huấn luyện thông thường.
Bình luận về vụ tai nạn F-35B trên tàu HMS Queen Elizabeth, Tom Sharpe, một cựu chỉ huy Hải quân Hoàng gia Anh cho biết: “Xét việc chiếc máy bay rơi rất gần mũi tàu và tốc độ phóng của nó, có khả năng cao nó sẽ đâm vào phần mũi tàu dưới mặt nước.”
"Thép tàu chiến không dày đến vậy, ngay cả khi có sự chênh lệch về trọng lượng giữa hai loại phương tiện. Tôi nghĩ mũi tàu HMS Queen Elizabeth nên được kiểm tra ngay lập tức, kế đến là phần thân tàu”, ông Tom Sharpe cho biết thêm.
Nguồn tin từ Hải quân Hoàng gia Anh cho biết họ không nghĩ rằng chiếc F-35B đã làm hỏng con tàu nhưng khẳng định sẽ kiểm tra kỹ lưỡng. Theo kế hoạch trước đó, khi HMS Queen Elizabeth quay trở lại Portsmouth con tàu này cũng sẽ được kiểm tra sau nhiệm vụ dài ngày đầu tiên trên biển.
Nguồn tin lưu ý rằng ngay cả khi có va chạm thì chiếc F-35B cũng chỉ tạo tác động tối thiểu đến con tàu 65.000 tấn mà thôi, "như con ruồi va vào kính chắn gió".
Cũng theo Sky News, cuộc điều tra về vụ tai nạn F35B trên HMS Queen Elizabeth vẫn đang được tiến hàn. Các nỗ lực tìm kiếm trục vớt chiếc máy bay cũng được thực hiện trong suốt hai tuần qua nhưng không mang lại kết quả khả quan nào.
Bộ Quốc phòng Anh về cơ bản không muốn các quốc gia khác tìm thấy được chiếc F-35B gặp nạn, London lo ngại các công nghệ tối mật trên mẫu tiêm kích tàng hình này lọt ra ngoài. Đây cũng là điều người Mỹ đang lo lắng,
Đây là lần đầu tiên phi đội F-35B của hải quân Anh gặp sự cố, hiện lực lượng này đang có trong biên chế 24 chiếc F-35B. Vụ tai nạn diễn ra vào thời điểm nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đang trên đường trở về sau nhiệm vụ ở Thái Bình Dương.
Ngoài ra đây cũng là vụ tai nạn thứ năm của dòng tiêm kích tàng hình F-35 không tính đến những sự cố trên mặt đất hoặc khi hạ cánh, và cũng là chiếc F-35 đầu tiên bị phá hủy khi vận hành từ tàu sân bay.
Được biết, có 8 chiếc F-35B của hải quân Anh được triển khai trên HMS Queen Elizabeth trong nhiệm vụ lần này, ngoài ra còn 10 chiếc F-35B của một đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ.
Bình luận