Buổi trưa, chị Nguyễn Thị Thắm (48 tuổi) trốn khỏi bệnh viện để về làm việc ở quán cơm tấm của mình tại khu Đại Từ (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Dạo này chị đau lưng, đi lại hay cúi xuống cũng đều khó khăn. Bác sỹ khám nói rằng chị bị thoát vị đĩa đệm, lại mới hiến thận hơn 2 tháng trước nên cần nằm viện theo dõi. Tuy nhiên, người phụ nữ này biết rõ mình không thể nằm yên trong phòng bệnh.
“Các con thì đi học, đi làm, chồng còn phải đi giao hàng cho khách, tôi không về thì không đủ người làm. Quán mới mở lại được một tuần, vẫn còn nhiều việc chưa chỉn chu”, chị cười nhẹ phân bua về việc không nghiêm chỉnh thực hiện y lệnh.
Chồng chị, anh Đoàn Thanh Dương (50 tuổi) sống chung với căn bệnh đa nang thận đã 23 năm. Khi anh cần được ghép thận để tiếp tục sống, chị là người trao cho anh món quà quý giá đó. Mọi người nói vui là ông bà chủ tiệm cơm tấm thay nhau dùng chung một quả thận, như cách họ chia sẻ mọi thứ trong 26 năm qua.
Sau 26 năm hôn nhân, họ vẫn nhìn nhau bằng ánh mắt tình tứ thế này.
Anh Đoàn Thanh Dương nhập ngũ năm 1994 tại Tây Nguyên, một năm sau thì bị thương trong quá trình huấn luyện. Sau thời gian điều trị ở các bệnh viện, anh được đưa về bệnh xá biên phòng ở Gia Lai và trong một năm ở đây, anh gặp rồi yêu chị Nguyễn Thị Thắm - cô gái sống ngay gần đó.
Thanh Dương ra quân khi trên cơ thể vẫn còn 3 dị vật ở tay và ngực mà anh vẫn nói đùa là "mảnh đạn tình yêu". Chuyện tình của họ không được gia đình đằng gái ủng hộ, đôi trẻ vẫn vượt qua và đi đến hôn nhân vào năm 1998.
Chị Thắm nhớ lại: “Lúc đầu, gia đình tôi ngăn cấm lắm vì anh nghèo, nên cả hai cứ thế dắt nhau bỏ đi, nghĩ không làm đám cưới cũng được. Mãi một tháng sau, gia đình mới gọi về cho cưới”.
Hai vợ chồng mở sạp hàng bán nông sản tại chợ đêm Tây Nguyên. Năm 2001, anh Dương biết mình bị đa nang thận và sỏi thận. Bác sỹ bảo bệnh đa nang thận không thể chữa trị dứt điểm, chỉ có thể ăn kiêng và sử dụng các phương pháp điều trị để “sống chung với lũ”. Từ ngày đó, sức khỏe anh yếu dần đi, chị thành lao động chính trong gia đình.
“Cô ấy trông thế mà mạnh mẽ lắm, sọt nông sản phải hai người bê thì mình cô ấy cũng bê được”, anh Dương nói về vợ đầy tự hào và yêu thương, hiểu rõ từ đâu mà chị có được sức mạnh như vậy.
Những kỷ niệm ngày đầu yêu nhau, chị Thắm vẫn lưu trữ cẩn thận.
Đến năm 2018, khi đã có với nhau 4 mặt con, sức khỏe của anh Dương thực sự rất tệ. Trong giai đoạn này, anh bị tai biến tới 4 lần, vì những người đa nang thận thường có huyết áp tăng cao. Để chạy chữa cho anh, cả gia đình 6 người quyết định chuyển lên thành phố lớn. Họ lặn lội đến Nha Trang, rồi chuyển tới TP.HCM và cuối cùng dừng chân ở Hà Nội.
Để mưu sinh ở Thủ đô, lúc đầu, chị Thắm thuê một cửa hàng nhỏ tại khu Mỹ Đình để bán cơm tấm và bún bò Huế. Đây là những món ăn chị học được khi còn buôn bán ở chợ đầu mối. Vợ bán hàng, chồng hỗ trợ, cùng nuôi 4 mặt con khôn lớn. Năm 2020, quán chuyển về khu Đại Từ để tiện cho anh đi điều trị ở các bệnh viện tuyến đầu.
Bệnh thận ngày càng nặng và đến năm 2022, mỗi tuần anh Dương phải đi lọc máu 3 lần. Lúc mới lọc máu, anh còn thấy ngon miệng, ăn được chút ít, còn sau đó thì cái gì cũng cảm thấy khó mà nuốt nổi. Chị Thắm xót chồng mà không dám khóc, đêm khuya khi thu xếp xong công việc, cơ thể được nghỉ ngơi thì tâm trí lại bị dày vò vì thương chồng, cố bặm môi lại mà nước mắt trào ra.
Tháng 11/2023, anh Dương trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ một bên thận và sức khỏe lại càng yếu đi thấy rõ. Chức năng quả thận còn lại cũng rất kém. Bác sỹ bảo, để có thể sống bình thường, anh cần được ghép thận. Đây là bài toán khó, không chỉ ở vấn đề chi phí mà còn vì tìm được thận tương thích không phải chuyện "muốn là được". Thật may mắn khi quả thận mà chị Thắm sẵn sàng hiến cho chồng lại phù hợp với anh.
Trước khi ca phẫu thuật được tiến hành vào tháng 4/2024, nhiều bệnh nhân ở viện bảo, trong gia đình, người này yếu thì người kia phải khỏe, hiến thận cho chồng như vậy thì cả hai cùng yếu, lấy ai ra mà làm việc. Chị Thắm không để vấn đề đó làm bận lòng, vì điều đáng quan tâm duy nhất là anh được sống khỏe mạnh.
Nhớ lại những ngày đưa ra quyết định, chị Thắm kể: “Nếu có người nhà hiến thận thì chi phí khoảng 600 triệu đồng, nếu không thì số tiền cần thiết có thể lên đến 1,8 tỷ. Dù tốn kém đến mấy, tôi cũng xác định cố vay mượn cho đủ, nhưng tôi lo sợ rằng liệu thận của người mình không quen biết có đảm bảo lâu dài không, trong khi tôi là khỏe mạnh, sinh hoạt điều độ, tin chắc là sẽ tốt nhất cho anh nếu tương thích".
Tuy nhiên, chị biết rằng lâu nay trường hợp chồng ghép thận của vợ rất hiếm gặp, vì không dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn tương hợp về miễn dịch, nhóm máu, di truyền học. “Bác sỹ bảo 100 ca thì may ra có một ca được, nên tôi không hy vọng nhiều lắm. Mãi cho đến khi được hội đồng bệnh viện thông qua, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, bà chủ quán cơm tấm chia sẻ.
Nhưng bác sỹ thông qua không có nghĩa là anh Dương thông qua. Anh từ chối nhận thận vì muốn vợ phải khỏe mạnh để còn nuôi con, phòng khi anh có mệnh hệ gì. Chị Thắm phải mất đến 5 tháng làm tư tưởng cho chồng với quan điểm “vợ chồng có nhau, sống thì cùng sống, hoạn nạn cùng vượt qua".
Ngày 10/4, họ đóng cửa quán cơm tấm. Sau khi cùng ăn bữa tối, cả nhà đến bệnh viện lúc 18h để 9h hôm sau hai vợ chồng lên bàn mổ.
Không như các chủ quán ăn khác, với vợ chồng anh Đoàn Thanh Dương và chị Nguyễn Thị Thắm, tiệm cơm tấm không chỉ là nguồn mưu sinh, mà còn là sự sống, sức khỏe, là sự toàn vẹn của gia đình. Bao nhiêu năm qua, tiệm cơm này giúp cả gia đình họ trụ lại nơi đất khách quê người, duy trì việc điều trị cho anh Dương và đặc biệt là giúp họ có đủ tiền cho ca ghép thận.
Vì cả hai vợ chồng đều phải trải qua ca đại phẫu nên tiệm cơm bị đóng cửa hơn 2 tháng. "Trong thời gian quán đóng cửa, khách gọi nhiều lắm, báo ốm thì họ bực mình bảo ốm gì mà ốm lắm thế. Mãi sau tôi mới bảo vừa đi ghép thận, họ cũng nhẹ nhàng, cảm thông hơn”, chị kể lại. Duy trì tiệm cơm là chuyện sống còn nên khi chưa phục hồi hoàn toàn, họ đã mở cửa, quay lại nhịp điệu "chồng cày vợ cấy" bên nhau.
Quán mở bán 2 ca, từ 10h-13h30 và từ 17h-21h. Quán nhỏ, chỉ kê được 6 cái bàn, chỉ đủ chỗ cho 12 khách ăn cùng lúc, nhưng vì cơm ngon nên lượng đơn đặt mang đi khá lớn. Trước đây, chị Thắm thường phải đi chợ đầu mối mua nguyên liệu từ lúc 5h30, nhưng nay vì đã có uy tín và do hoàn cảnh gia đình nên bạn hàng thường gửi đồ đến tận nhà, họ không còn phải dậy quá sớm nữa.
Hai vợ chồng phối hợp nhịp nhàng. Vợ ướp nguyên liệu, chồng vo gạo, nhặt rau. Đến khoảng 8h30 thì xong khâu sơ chế, chị Thắm sẽ tiếp tục công việc nấu nướng, nào cắm cơm, nướng thịt, chế biến gà, cá, làm chả trứng, chả bì, luộc rau, nấu canh, xong xuôi thì bày tủ kính. Trong lúc đó, anh Dương sắp xếp lại bát đũa, bàn ghế, kiểm tra các túi, hộp cho khách mang về.
12h - giờ nhân viên văn phòng được nghỉ trưa - là thời điểm bận rộn nhất. Chị đứng ở quầy, còn anh đón khách, tiếp nhận yêu cầu của họ, bưng bê, lấy canh, lấy mắm, tính tiền cho khách ăn tại chỗ (các đơn hàng mang về thì chị phụ trách). Mỗi khách gọi đồ một kiểu, nhưng chỉ cần chồng báo một lần bàn nào ăn món gì, cơm tấm đầy đủ hay chỉ thích sườn hay không chả bì..., chị đều nhớ hết.
Vì sức khỏe còn kém nên nhiều lúc anh hụt hơi, chị lại tranh thủ ra giúp chồng dọn bàn, bê bát đũa đã ăn xong. Họ cứ phối hợp nhịp nhàng, nhuần nhuyễn đã luôn như vậy suốt 5 năm qua. Đến 14h, khi vị khách cuối đã ăn xong, họ lại cùng bắt tay vào dọn dẹp, chuẩn bị hàng chiều. Loay hoay đến tầm 15h, đôi vợ chồng mới được nghỉ ngơi một lát. Buổi chiều họ đỡ vất vả hơn vì các con đã về, phụ giúp bê đồ, dọn dẹp.
Dù sức khỏe không tốt, hai vợ chồng vẫn tự tay làm hết mọi công việc.
Ngoài việc hỗ trợ vợ ở quán, anh Dương còn giúp giao hàng cho những khách đặt cơm mang về. Quán thường đóng cửa lúc 21h nếu không còn khách nào ngồi; cả nhà mỗi người một tay cùng nhau dọn rửa, đến khoảng 22h30 là kết thúc một ngày lao động.
"Cả ngày cứ đứng liền tù tì từ sáng tới tối, bảo sao không thoát vị đĩa đệm", chị Thắm cười. Dù trả giá bằng sức khỏe bản thân, chị hài lòng vì nỗ lực của cả nhà giúp họ vẫn tự chủ được chi phí chữa bệnh cho anh Dương suốt nhiều năm qua.
Còn ông chủ quán cơm tâm sự, nhiều lúc anh đứng ngây người nhìn vợ làm cơm cho khách qua tủ kính, trong lòng tràn ngập lòng biết ơn chị và biết ơn số phận đã đem chị đến cho anh.
Nhân khi quán chưa có khách, chị Thắm tranh thủ nhổ tóc sâu cho chồng.
“Anh cảm ơn vợ nhiều lắm. Anh xúc động lắm, nhờ vợ anh mới được như này”, có lúc anh cầm tay vợ bộc bạch. Chị đáp lại: “Ở với nhau giây phút cũng là tỉnh nghĩa vợ chồng, đằng này sống cả mấy chục năm nay với nhau, hẹp hòi với nhau làm gì. Sống thì cùng sống, chết thì cùng chết, không quan trọng”.
Anh giấu sự xúc động bằng câu nói đùa: “May hồi xưa anh có mắt nhìn người, nhắm vợ quả không sai”.
Mặc dù hiện tại cả hai vợ chồng đều quay trở lại nhịp điệu công việc thường ngày, họ vẫn đang chờ đợi để biết kết quả thực sự của ca ghép thận, vì bác sỹ bảo phải sau 6 tháng đến 1 năm mới biết rõ sức khỏe của hai người thật sự tiến triển thế nào. Dù hồi hộp, họ không có cảm giác hoang mang hay bất an vì đã xác định tư tưởng có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu.
Đôi vợ chồng bảo những vết mổ là chứng nhận của tình yêu.
Anh Dương bảo, anh có 2 vết sẹo mổ ở vùng bụng, một là dấu vết ca mổ cắt bỏ thận hỏng, một là chứng tích của lần nhận quả thận của vợ. Trên cơ thể chị Thắm cũng có vết sẹo từ lần hiến thận cho chồng. Họ nói, những vết sẹo này là chứng nhận của tình yêu.
Bà chủ quán cơm tấm tâm sự: “Tôi thấy sức khỏe của mình không còn được tốt như trước, nhưng thấy chồng khỏe mạnh hơn thì vui vô cùng. Tôi cũng đã đăng ký sẽ hiến tạng sau khi qua đời với bệnh viện. Mình cứ cho đi thôi chứ cần gì nghĩ ngợi nhiều”.
Bình luận