Tịch thu xe của tài xế say rượu: Không có lý do gì phải bàn lùi?

Thời sựThứ Tư, 11/03/2015 07:20:00 +07:00

Đề xuất tịch thu phương tiện đối với trường hợp say rượu điều khiển ô tô, xe máy đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân trong cả nước.

(VTC News) – Đề xuất tịch thu phương tiện đối với trường hợp say rượu điều khiển ô tô, xe máy đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân.

Hiện nay, người dân trong cả nước vẫn đang tranh luận xôn xao về việc Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất tịch thu xe máy đi vào cao tốc, tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ô tô, xe máy có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc hơn 0,4mg/1ml khí thở.

Những người phản đối đề xuất nói trên vì cho rằng ô tô, xe máy, là tài sản có giá trị rất lớn đối với người dân. Có người lại tỏ ra lo ngại việc thực thi quy định tịch thu phương tiện sẽ phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực, khiếu kiện…

Bên cạnh đó, có không ít người bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất tịch thu phương tiện của Ủy ban ATGT Quốc gia. 

 CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông.

“Tôi ủng hộ phương án tịch thu xe khi lái xe có nồng độ cồn cao hơn quy định của pháp luật. Đây là hành vi gây nguy hiểm tới tính mạng của người khác. Để mọi người dân có ý thức trong việc tham gia giao thông thì luật phải nghiêm và có tính chất cứng rắn thì mới răn đe được nhiều người coi thường pháp luật”, ông Nguyễn Văn Sơn ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bày tỏ quan điểm.

Chị Trần Phương Mai ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, người say rượu có thể gây ra những hành động còn nguy hiểm hơn cả nguy cơ gây ra các vụ tai nạn giao thông. Chính vì thế, cần phải phạt thật nặng những tài xế “ma men”.

“Tôi không hiểu tại sao nhiều người lại phản đối đề xuất này. Chạy xe mà say xỉn nhỡ gây tai nạn cho người khác thì sao? Với những người phản đối, nếu chẳng may người nhà họ bị bợm nhậu lái xe đâm trúng thì họ nghĩ gì?

 

Tịch thu là đúng. Luật pháp ban hành là để tuân thủ, không phải để vi phạm, nếu cố tình vi phạm thì đó là điều không thể chấp nhận được. Muốn an toàn và không bị thu xe thì đừng có vi phạm. Luật pháp càng nghiêm minh, xã hội càng an toàn.

Anh Đặng Thế Lam
 
Người say rượu có thể gây ra nhiều hành vi còn nghiêm trọng hơn cả những vụ tai giao thông. Do vậy, tôi nghĩ chúng ta phải ủng hộ các hình thức xử phạt thật nặng với những người say xỉn mà còn lái xe”, chị Mai nói.

Cùng quan điểm này, anh Đặng Thế Lam, quận Đống Đa cho rằng, luật pháp ban hành là để mọi người tuân thủ chứ không phải vi phạm. Luật càng nghiêm thì xã hội càng an toàn. Bởi vậy, theo anh Lam, không có lý do gì phải bàn lùi về đề xuất tịch thu phương tiện của Ủy ban ATGT Quốc gia.

“Tịch thu là đúng. Luật pháp ban hành là để tuân thủ, không phải để vi phạm, nếu cố tình vi phạm thì đó là điều không thể chấp nhận được. Muốn an toàn và không bị thu xe thì đừng có vi phạm. Luật pháp càng nghiêm minh, xã hội càng an toàn. Chẳng có lý do gì phải bàn lùi về vấn đề này cả,” anh Lam nói.

Trên diễn đàn Webtretho, các thành viên ủng hộ phương án tịch thu phương tiện cũng sôi nổi đưa ra quan điểm của mình. Một bạn có nickname Keovungkeolac so sánh với quy định xử phạt ở Nhật Bản và cho rằng, nếu Việt Nam thực hiện nghiêm quy định tịch thu xe thì sẽ không có ai vi phạm cả.

Thành viên này viết: “Ở Nhật cuối năm, mùa tất niên là cảnh sát trực ở những con đường gần quán nhậu. Ai có nồng độ cồn quá mức cho phép thì cứ xác định là mất từ 5000 đến 10000$, say xỉn hoàn toàn (nồng độ nào đó) thì có thể bị tịch thu bằng lái và phạt tù. 

Không chỉ có người lái xe bị phạt, người cho mượn xe, người ngồi trên xe cũng bị phạt theo đầu người với mức rất cao (bằng hoặc bằng 1/2 người lái). Phạt nặng nên hầu như ai cũng sợ. Phóng viên đi theo làm phóng sự phát trên ti vi luôn. Cứ làm nghiêm như vụ mũ bảo hiểm, phạt bằng cái mũ, nên hầu như ai cũng đội mũ.” 

Một thành viên khác của Webtretho đề nghị phải có những chế tài, điều khoản để đảm bảo khi phương án tịch thu phương tiện được thực hiện sẽ không dẫn tới tình trạng tiêu cực.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc xử lý thật nghiêm các trường hợp say xỉn mà vẫn điều khiển xe. Tuy nhiên, luật pháp ở Việt Nam rất dễ bị bóp méo đi theo hướng khác. Vì thế các nhà làm luật cũng như cơ quan thực thi pháp luật cần có những chế tài, điều khoản khả thi cũng như biện pháp nào đó để việc thực thi không bị biến tướng, bẻ cong đi. 

Một khả năng dễ xảy ra là việc người vi phạm tìm mọi cách chống đối, xin xỏ để không bị xử lý. Khả năng tiếp theo là quy định này sẽ tạo điều kiện cho các đồng chí cảnh sát giao thông rất tích cực... tăng thêm thu nhập,” thành viên có nick name Mariagedamour góp ý.

Video: Chạy xe máy vào làn ô tô bị container cán tử vong


Cũng ủng hộ phương án tịch thu phương tiện của người dân, nhưng ông Nguyễn Văn An, ở quận Ba Đình băn khoăn rằng, các hành vi như phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ… cũng nguy hiểm như trường hợp lái xe máy vào cao tốc và điều khiển phương tiện khi say rượu. 

Chính vì vậy, ông An đề xuất, nếu tịch thu phương tiện của người say và trường hợp xe máy vào cao tốc thì cơ quan chức năng cũng cần xem xét tịch thu phương tiện với hàng loạt hành vi vi phạm khác.

“Phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều… cũng tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn không kém gì việc say rượu lái xe hay xe máy chạy vào cao tốc. Nếu tịch thu xe của người say, thu xe máy chạy trên cao tốc thì cũng phải tịch thu phương tiện đối với nhiều hành vi vi phạm luật lệ an toàn giao thông khác,” ông An cho hay.

Đà Long
Bình luận
vtcnews.vn