Cách đây hơn 1 tháng, ngày 27/11/2017, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận chị V.H.T.T. (26 tuổi, ở TP.HCM) nhập viện sinh con lần 2. Sau khi nhập viện, chị T. được xét nghiệm sinh hóa, huyết học, ECG... các kết quả đều bình thường. Bác sĩ chỉ định bệnh nhân mổ lấy thai, gây tê tủy sống.
Ca mổ được diễn ra một cách nhanh chóng, tuy nhiên sau mổ và chuẩn bị thực hiện phương pháp “da kề da”, đột nhiên, chị T. bắt đầu xuất hiện hiện tượng tím tái, mất ý thức, đồng tử dãn.
Bệnh nhân được chẩn đoán thuyên tắc ối, phải tiến hành gây mê đặt ngay nội khí quản hồi sức. Đồng thời, các bác sĩ phẫu thuật đã kích hoạt "Quy trình báo động đỏ nội viện". Các chuyên gia của bệnh viện thực hiện hội chẩn nhanh ngay trong phòng mổ, đưa ra phác đồ điều trị với hi vọng cứu sống bệnh nhân T.
Ca phẫu thuật phức tạp kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ được các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau phối hợp thực hiện. Các bác sĩ Gây mê hồi sức, tiến hành hồi sức ngưng tim ngưng thở, đặt CVP, đo huyết áp động mạch xâm lấn theo dõi dấu hiệu sinh tồn liên tục của sản phụ.
Bác sĩ Sản khoa thực hiện nhanh việc cầm máu phẫu thuật, thắt động mạch hạ vị và cắt tử cung toàn phần trong thời gian nhanh nhất.
Kết quả phẫu thuật cho thấy có nước ối, chất gây đi vào lòng mạch và gây thuyên tắc ối dẫn đến tình trạng sốc phản vệ cho sản phụ này.
Sau ca mổ, bệnh nhân T được hồi sức tích cực tại chỗ, sau đó chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Tại đây, bệnh nhân tiếp tục được chỉ định ổn định huyết động và điều chỉnh rối loạn đông máu.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn lần 2, quyết định tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân, với chế độ hạ thân nhiệt trong tình trạng bệnh nhân còn rối loạn đông máu nhẹ.
Video: Sản phụ mang tam thai hy hữu, đẻ 3 con cách 2 ngày
Chưa dừng lại ở đó, dù có dấu hiệu tỉnh lại nhưng đến ngày thứ 3 sau mổ (ngày 1/12/2017), sản phụ lại tiếp tục rơi vào tình trạng suy đa tạng, suy hô hấp, rối loạn đông máu, suy thận, suy gan… hôn mê.
Các chuyên gia hội chẩn nhận định, tình trạng sức khỏe sản phụ T. xấu có nguy cơ chết rất cao.
Tuy nhiên, “còn nước còn tát” bệnh nhân vẫn được cho thở máy nhiều ngày liên tiếp, chỉ định điều trị kháng sinh, trải qua 5 chu kì lọc máu, thay huyết tương và chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, tập vật lý trị liệu, phục hồi dinh dưỡng,…
Kỳ tích xảy ra, chỉ với “vài phần trăm” mong manh có thể hồi phục, tới nay sức khoẻ của chị T. đang dần hồi phục. Hiện chị T. được xuất viện trong tình trạng tinh thần tỉnh táo.
Chia sẻ về cơn “thập tử nhất sinh”, chị T. nói, đây là điều may mắn nhất trong cuộc đời.
Bình luận