Sau hơn 10 ngày lưu lại Nhật Bản để phục vụ điều tra, 2h ngày 12/3, anh Nguyễn Văn Hải (SN 1986, người huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) trở về nhà trong vòng tay gia đình.
Anh là người duy nhất trong 14 thủy thủ tàu chở hàng Guo Xing 1, bị chìm sau khi va vào tàu cá Nhật Bản tối 29/2 và được cứu thoát. Các thủy thủ khác vẫn đang mất tích.
Chỉ cho chúng tôi những thương tích ở hông, mạn sườn, cổ tay, anh Hải kể, khi tàu nghiêng, mặc dù bám vào lan can nhưng anh vẫn lăn tự do trên boong.
Tai nạn xảy ra khuya 29/2. Đang nghỉ ngơi thì nghe tiếng động rất lớn, anh Hải chạy ra buồng lái, phát hiện một tàu cá đang dính vào mạn phải tàu của mình khiến nó nghiêng dần.
Người thủy thủ vội vàng mặc áo phao rồi gọi điện cho lực lượng Cảnh sát Bảo vệ bờ biển ở Nhật Bản yêu cầu trợ giúp.
“Khi nước vào tàu nhiều hơn, tôi yêu cầu kích hoạt pháo dù, phát tín hiệu cấp cứu, sau đó phát pháo vô tuyến định vị khẩn cấp dành cho trường hợp bỏ tàu.
Tàu nghiêng và chúi mũi, hàng bị xô, tôi chạy lên mạn trái tàu. Anh em chạy về vị trí hạ bè nhưng có lẽ tàu nghiêng nhanh nên bè không hạ được.
Tàu chìm, tôi bị hút xuống độ sâu khoảng 15-20m. Sau khi nổi lên, tôi bật đèn ở áo phao và nắm được cái phuy. Lúc ấy, những cơn sóng cao chừng 2m ập tới vỗ vào mặt tôi.
Với kinh nghiệm gần 15 năm gắn bó với tàu thuyền và những chuyến đi biển đường dài, tôi bình tĩnh vận dụng bài học thoát hiểm của các nước bạn.
Mặc dù vậy, khi trôi trên biển trong đêm tối, tôi mang tâm lý tuyệt vọng, nghĩ mình sắp chết. Lúc ấy, tôi nghĩ tới mẹ, vợ con, thấy mình có lỗi với mọi người. Tôi ngẩng mặt lên trời và cầu xin cho mình vượt qua kiếp nạn này”, anh Hải kể.
Đôi mắt anh đỏ hoe khi nhớ lại khoảng thời gian trôi nổi trên mặt biển lạnh giá (nhiệt độ 0 độ C) xứ người, sự sống chỉ tính bằng hơi thở.
Sau đó, anh Hải nhìn thấy tàu cá Fukoku Maru No35 cách mình khoảng 100m, liền hô lên bằng tiếng Nhật. Đèn tìm kiếm của tàu cá soi về hướng anh và nhận được tín hiệu. Vậy là người thủy thủ được cứu sau khoảng 30 phút trên biển.
Rồi nỗi đau khổ lại ập đến khi anh mở mắt tỉnh dậy, hỏi có bao nhiêu thuyền viên được cứu, và câu trả lời là “chưa có ai”. Và cho đến nay, anh vẫn tiếp tục ngóng tin các bạn thủy thủ của mình.
Trước khi rời Nhật Bản, Nguyễn Văn Hải viết thư tay cảm ơn Chính phủ, Cảnh sát biển Nhật Bản, các y bác sĩ và đặc biệt là tàu cá cứu mình thoát nạn…
“Nếu không có sự cứu giúp của ngài thuyền trưởng cùng sự giúp đỡ của các thuyền viên, có lẽ tôi đã chết. Trước khi rời đất nước Nhật Bản, tôi cảm ơn các bạn rất nhiều. Cho tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới gia đình các bạn, sức khỏe bình an và hạnh phúc”, anh Hải chia sẻ nội dung bức thư tay mình từng viết.
Trở về trong vòng tay người thân, họ hàng, làng xóm, anh Hải mừng mừng tủi tủi không cầm được nước mắt. Người thủy thủ sút đến 5kg trong hơn 10 ngày qua.
Dù thoát nạn, tai nạn khiến 13 bạn thuyền mất tích ngoài khơi vẫn còn khiến anh choáng váng và buồn bã. Tuy tinh thần đang dần ổn định nhưng anh vẫn chưa muốn dùng điện thoại.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo (Nhật Bản), ngày 1/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản xác nhận vào lúc 22h35 ngày 29/02, tàu chở hàng Guo Xing 1 treo cờ Belize bị chìm sau khi đâm va vào tàu cá của Nhật Bản tại vị trí cách cảng cá Tomari, tỉnh Aomori 12km về phía Đông.
Ông Nguyễn An Tiến, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên tàu Guo Xing 1 có 14 thủy thủ, trong đó có 6 người mang quốc tịch Việt Nam, 7 người Trung Quốc và 1 người Philippines.
Trong số này, chỉ có một thủy thủ Việt Nam tên là Nguyễn Văn Hải (SN 20/11/1986 tại Hải Phòng) được một tàu khác đang hoạt động gần khu vực xảy ra tai nạn cứu thoát. Các thủy thủ còn lại trên tàu hàng này vẫn đang mất tích.
Video: Tàu khu trục Na Uy chìm sau va chạm với tàu chở hàng
Bình luận