• Zalo

Thụy Điển và sự thay đổi sau 200 năm trung lập

Tư liệuThứ Hai, 16/05/2022 11:55:26 +07:00Google News
(VTC News) -

Xung đột tại Ukraine đã làm dấy lên những lo ngại mới, và Thụy Điển, theo sau Phần Lan, quyết định sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO.

Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển cầm quyền trong cuộc họp ngày 15/5 công bố ủng hộ nước này gia nhập NATO. Theo Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson, chính sách trung lập, không gia nhập liên minh đã có tác dụng tốt cho Thụy Điển, nhưng không còn phù hợp trong tương lai.

So với Phần Lan, quyết định của Thụy Điển về việc có gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu hay không được cho là có phần khó khăn hơn.

Thụy Điển và sự thay đổi sau 200 năm trung lập - 1

Ban lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội cam kết sẽ ủng hộ kế hoạch gia nhập liên minh quân sự NATO của Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. (Ảnh: NewsWep)

Sự thay đổi sau 200 năm trung lập

Trung đoàn Gotland của quân đội Thụy Điển - được khôi phục vào năm 2018 trên hòn đảo mang ý nghĩa chiến lược có thể góp phần kiểm soát không và hải phận khu vực biển Baltic - đang trong quá trình tái cơ cấu với mục đích mở rộng quy mô binh sĩ từ 400 lên 4.000 người. Dù vậy, con số này vẫn còn rất nhỏ so với con số 25.000 binh sĩ từng phục vụ tại đây trong Chiến tranh Lạnh.

Bên cạnh đó, họ cũng xem xét lại hoạt động, luyện tập sử dụng tên lửa chống tăng hạng nhẹ (NLAW), loại vũ khí được cho là đã trở thành “biểu tượng” trong hoạt động phản kháng của Ukraine.

Trong một tính toán lớn về vị thế an ninh sau khi xung đột nổ ra, Thụy Điển dường như đang tìm cách trở thành một cường quốc quân sự. Cùng với Phần Lan, nước này quyết định sẽ gia nhập NATO, kết thúc hơn 200 năm trung lập và không liên minh.

Chỉ huy mới của trung đoàn Gotland, Đại tá Magnus Frykvall, có cái nhìn rõ ràng về nhiệm vụ xây dựng lại năng lực quốc phòng của Thụy Điển, cũng như tầm quan trọng của hòn đảo mà trung đoàn ông đang bảo vệ. Ông cho rằng tham gia NATO là một quyết định chính trị, nhưng cũng ủng hộ điều này.

“Hợp tác là một chuyện, liên minh lại là một chuyện khác. Một liên minh nghĩa là bạn có những sự đảm bảo”.

Trong báo cáo quốc hội, Thụy Điển cho rằng việc họ trở thành thành viên NATO, cùng với Phần Lan, sẽ có một tác động răn đe cho khu vực Bắc Âu, dù báo cáo cũng phân tích rằng cần cẩn trọng với các biện pháp đáp trả từ Nga có thể xảy ra trong giai đoạn chuyển đổi.

Một binh sĩ trong trung đoàn của Frykvall, Sara Karlsson, chuyên về pháo binh, nói “mỗi binh sĩ giờ đều cảm thấy chúng tôi đang tạo ra một sự khác biệt, một cảm giác trách nhiệm mới, tôi cảm thấy điều đó ở cả các đồng nghiệp”.

Thế giới có nhiều hiểm nguy và luôn có một cuộc chiến ở đâu đó, cô bình luận. “Nhưng chúng tôi cảm nhận được Ukraine không xa Gotland”.

Thụy Điển và sự thay đổi sau 200 năm trung lập - 2

Trung đoàn Gotland của quân đội Thụy Điển. (Ảnh: Forsvarsmakten.se)

“Trước và sau 24/2”

Chuyên gia ví sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014 là một “sự thức tỉnh âm thầm” với Thụy Điển, còn xung đột quân sự tại Ukraine từ tháng 2/2022 là “chuông báo cháy”.

“Chúng tôi đã mơ màng và giờ đã đến lúc tỉnh lại”, giám đốc nghiên cứu tại Cơ quan nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, Robert Dalsjo nói.

Đối với Phần Lan - quốc gia từng có hai cuộc chiến với Liên Xô, ý kiến của công chúng đã thay đổi mạnh mẽ trong 6 tháng qua. Sau xung đột Ukraine, 80% người Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO, so với chỉ 20% trước sự kiện.

Quốc hội Phần Lan dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua việc xin gia nhập NATO vào 16/5.

Còn ở Thụy Điển, những tranh luận xung quanh động thái này diễn ra chủ yếu bên trong đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền. Thủ tướng Magdalena Andersson cho đến ngày 8/3 vẫn còn loại trừ khả năng gia nhập NATO. Nhưng đến giữa tháng 4, chủ trương của bà đã thay đổi.

“Có một thời điểm trước và sau ngày 24/2, và bối cảnh an ninh đã hoàn toàn thay đổi. Xem xét tình hình, chúng tôi thực sự phải nghĩ về những điều tốt nhất cho Thụy Điển cũng như nền hòa bình của mình trong thời kỳ mới”, bà nói.

Công chúng Thụy Điển cũng thay đổi theo đó, hiện 52% ủng hộ việc Stockholm gia nhập NATO, đặc biệt là “nếu Phần Lan cũng tham gia”, tăng từ con số 27% trước xung đột Ukraine.

Cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt nói: “Chúng tôi và người Phần Lan đi cùng với nhau. Nếu ở ngoài một mình, chúng tôi sẽ bị bỏ lại ở những năm 1960”.

Tuy nhiên, không có nhiều nhà phân tích cho rằng cả hai nước sẽ nộp đơn tham gia chung, hay NATO sẽ nhanh chóng chấp nhận. Hiện cả Washington và London, một bên âm thầm, một bên rầm rộ - đã thể hiện song phương những đảm bảo an ninh cho Phần Lan và Thụy Điển nếu hồ sơ gia nhập của họ được phê duyệt.

Thụy Điển và sự thay đổi sau 200 năm trung lập - 3

Các đội quân ở khu vực Baltic. (Ảnh: AP)

“Bình thường mới, thế giới mới”

Đối với Thụy Điển và Phần Lan, “thời thế đã thay đổi”, theo Bjorn Fagersten từ Viện Đối ngoại Thụy Điển. “Đó là một bình thường mới, một thế giới mới”.

Sau khi Liên Xô tan rã, Stockholm quyết định chiến tranh đã trở thành dĩ vãng. Nước này loại bỏ gần như tất cả các lực lượng ở Gotland, giảm quy mô lục quân khoảng 90%, hải quân và không quân khoảng 70%.

Lần cuối cùng Gotland bị tấn công là vào năm 1808, khi Nga có cuộc chiến với Thụy Điển. Dù 1.800 quân Nga rời đi sau khoảng một tháng, nhưng Thụy Điển đã gánh chịu “thảm họa quốc gia lớn nhất trong lịch sử đất nước”, khi mất toàn bộ lãnh thổ là Phần Lan ngày nay. Chỉ 6 năm sau, 1814, Thụy Điển có cuộc chiến cuối cùng với Na Uy.

Nên Nga luôn có một sự hiện diện nhất định, dù lờ mờ, ở các nước Bắc Âu. Hạm đội Kaliningrad cùng với các lên lửa Iskander có khả năng hạt nhân cách khu vực chỉ khoảng 321 km.

Thụy Điển và sự thay đổi sau 200 năm trung lập - 4

(Ảnh: New York Times)

Không phải là bất ngờ

“Nghi ngại về Nga đã có từ lâu, khoảng 700 năm”, theo Niklas Granholm, đến từ Cơ quan nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển.

Thụy Điển vốn thể hiện với quốc tế là một nước trung lập, chủ trương gìn giữ hòa bình, phi vũ trang hạt nhân, bình đẳng giới và có chính sách “ngoại giao nữ quyền”. Cựu Thủ tướng Bildt nói đùa, người Thụy Điển “tự cho chúng tôi là tiếng nói giác ngộ của nhân loại”.

Tuy nhiên sự thay đổi của Thụy Điển không thực sự bất ngờ. Trước đó, dưới thời cựu Thủ tướng Olof Palme, Thụy Điển có mối quan hệ làm việc với Nga nhưng vẫn duy trì quan hệ quốc phòng song phương âm thầm, kín đáo với Mỹ, theo ông Bildt.

Đó là một mối quan hệ “liên minh bí mật” trong nhiều năm, dù Moskva sau đó cũng biết chuyện này. Ông Bildt nói, “người Nga biết đến chính sách này nhưng người Thụy Điển thì không”.

Và việc Thụy Điển đấu tranh cho giải giáp hạt nhân và hòa bình, trong khi cố gắng “xây cầu” đến Moskva không mâu thuẫn với việc đảm bảo khả năng phòng thủ cùng với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh, theo chuyên gia.

Thực tế, trong khi thúc đẩy phi vũ trang hạt nhân, Thụy Điển vẫn đồng thời là một trong những nước sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới tính trên đầu người. Nước này sở hữu những công ty quan trọng như Saab – làm ra máy bay chiến đấu, và Bofors – hiện là một phần của tập đoàn sản xuất vũ khí BAE Systems, Anh.

Thụy Điển cũng là nhà xuất khẩu vũ khí lớn. Năm 2020, ngành công nghiệp vũ khí nước này xuất khẩu số thiết bị trị giá 2 tỷ USD dù có các lệnh hạn chế bán cho một số nước. Và hiện Ukraine là một ngoại lệ lớn.

Thụy Điển và sự thay đổi sau 200 năm trung lập - 5

Máy bay của Saab. (Ảnh minh họa: Wiki)

Sau thời Liên Xô, cả Thụy Điển và Phần Lan đều nghiêng về phương Tây, gia nhập Liên minh châu Âu năm 1992 và chương trình Đối tác vì Hòa bình của NATO năm 1994, trong khi vẫn duy trì chính sách không liên minh quân sự. Cả hai cũng tham gia các cuộc tập trận của NATO.

Nhưng dù Nga xem cả hai nước gần như là một phần NATO, họ lúc này chưa có sự đảm bảo và hợp tác quân sự giống như những thành viên thực sự - những bên sẽ hưởng chính sách từ Điều 5 – cam kết về phòng thủ tập thể.

“Về cơ bản chúng tôi trả giá nhưng không có lợi ích từ Điều 5, và cũng không lừa được Nga. Trong khi đó chúng tôi gắn với NATO nhiều nhất có thể với tư cách nước không phải là thành viên”, ông Fagersten nói.

Những lo ngại

Quyết định xin gia nhập NATO cũng khiến nhiều người Thụy Điển “đau đầu”. Họ lo rằng việc làm thành viên của một liên minh hạt nhân sẽ hạn chế khả năng của Thụy Điển trong việc thúc đẩy phi vũ trang hạt nhân, kiểm soát vũ khí và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

“Đây không phải là cách xây dựng hòa bình và an ninh. Bạn phải cùng đối thủ đảm bảo an ninh – nếu đối thủ của bạn không cảm thấy an toàn, bạn cũng không an toàn”, Gabriella Irsten từ Viện Hòa bình và Trọng tài Thụy Điển bình luận.

Bà Irsten cho rằng việc từ bỏ chính sách không liên minh đã giúp Thụy Điển an toàn trong nhiều năm có thể là sai lầm. “Tôi cũng cảm thấy đó sẽ là một mất mát cho lịch sử của chúng tôi. Chúng tôi đã làm việc trong một thời gian rất dài với tầm nhìn làm thế nào để xây dựng hòa bình, và giờ điều đó bị ném vào thùng rác mà không có thảo luận thực sự về tất cả các lo ngại”.

Cả đảng Xanh và đảng Cánh tả Thụy Điển trước đó cũng phản đối việc gia nhập NATO vì những lý do tương tự. Thành viên đảng Xanh, Marta Stenevi cho rằng chiến sự tại Ukraine đúng là khiến Thụy Điển phải “đánh giá lại chính sách an ninh và quốc phòng”, nhưng kêu gọi nước này nâng cao năng lực phòng thủ, hợp tác chặt chẽ hơn với NATO thay vì gia nhập, “điều có thể dẫn đến những trở ngại nhất định”, như bước vào một cuộc chiến mà họ không chủ đích lựa chọn.  

Phương Anh(Nguồn: New York Times )
Bình luận
vtcnews.vn