Liên quan đến việc thuỷ điện Thượng Nhật nhiều lần tích "bom nước" trái phép, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trên cơ sở báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh này thì dự án thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) do Công ty Cổ phần thủy điện Miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư gây ảnh hưởng 46,76 ha rừng trồng.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện công ty Cổ phần thủy điện Miền Trung Việt Nam nộp đủ tiền trồng rừng thay thế (3.460.386.000 đồng) của 46,76 ha rừng này vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh theo Quyết định số 2155/QĐ-UBND ngày 6/9/2019 về việc phê duyệt Phương án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án thủy điện Thượng Nhật.
Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận đơn vị hoàn thành nộp tiền trồng rừng thay thế tại Thông báo số 183/TB-QBV&PTR ngày 3/10/2019, số tiền này Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bố trí trồng lại 46,76 ha rừng phòng hộ tại các Ban quản lý rừng phòng hộ của tỉnh.
Trước đó, trong hai ngày 17 và 18/11, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam; Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế về những vi phạm trong công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình thủy điện Thượng Nhật.
Đoàn kiểm tra Bộ Công Thương kết luận, chủ đầu tư thuỷ điện Thượng Nhật là Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Miền Trung Việt Nam vi phạm 2 quy định thuộc Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong đó, hành vi thứ nhất vi phạm điểm c, khoản 3, Điều 16: "Không thực hiện quan trắc, hoặc không xử lý, lưu trữ số liệu quan trắc".
Theo đoàn kiểm tra, chủ đầu tư bố trí các thiết bị quan trắc hồ và đập ở công trình thủy điện Thượng Nhật nhưng không thực hiện việc quan trắc cũng như không xử lý các số liệu quan trắc như quy định.
Hành vi thứ 2 là vi phạm điểm a, khoản 3, điều 16: "Không có quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, hoặc vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".
Theo đó, đoàn kiểm tra khẳng định trong đợt bão số 13 vừa qua, chủ đầu tư chưa tuân thủ quy trình vận hành phòng chống bão lũ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế.
"Yêu cầu mở hoàn toàn 5 cửa van nhưng chủ đầu tư 2 lần không mở hoặc mở ở trạng thái không hoàn toàn", ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương) nói.
Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương lập biên bản 2 vi phạm trên để đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, dựa trên các vi phạm về an toàn hồ đập, đoàn kiểm tra cho biết, sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ Công Thương thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực được cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thuỷ điện Miền Trung Việt Nam tại nhà máy thuỷ điện Thượng Nhật.
Sau khi làm việc đoàn công tác của Bộ Công Thương, lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam cho hay, luôn túc trực chỉ đạo khẩn trương khắc phục các, tồn tại trong quản lý, vận hành công trình thủy điện Thượng Nhật.
Về việc thủy điện Thượng Nhật chưa thực hiện quan trắc các hạng mục công trình, khí tượng thủy văn, ông Lê Văn Khoa – Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam cho rằng: "Thời gian qua, công ty đã ký hợp đồng thiết bị cơ điện, điện điều khiển trọn bộ với nhà thầu nước ngoài có bao gồm phần hạng mục thiết bị quan trắc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bão lũ nên chuyên gia nước ngoài chưa nhập cảnh qua Việt Nam để thực hiện lắp đặt kết nối hệ thống quan trắc các hạng mục công trình, quan trắc khí tượng thủy văn. Công ty đã làm việc với Nhà thầu thiết bị yêu cầu bố trí chuyên gia để thực hiện lắp đặt vận hành, dự kiến thời gian hoàn thành trước ngày 15/12. Công ty cam kết đến ngày 15/12 hoàn thành nội dung nêu trên".
Ông Khoa cam kết, công ty sẽ phối hợp chính quyền địa phương thống nhất vị trí lắp đặt hệ thống thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập triển khai thực hiện hoàn thành trước 10/12.
Về việc “thực hiện xử lý mỏm đá phía hạ lưu bở phải để đảm bảo chế độ thủy lực phía hạ lưu tràn, nâng cao khả năng thoát lũ”, ông Khoa cho biết, công ty triển khai các Đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá hiện trạng, lập Phương án xử lý kỹ thuật, khắc phục hạng mục vai phải hạ lưu đập.
Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay, nước lòng suối Thượng Nhật đang xã qua hệ thống 5 cửa van làm dâng mực nước hạ lưu, ảnh hưởng đến biên pháp thi công chưa thể thực hiện được, dự kiến sau khi được UBND tỉnh cho phép tích nước vận hành nhà máy, khi đó mực nước hạ lưu khô ráo, đảm bảo điều kiện thi công. Công ty cam kết sẽ triển khai thực hiện hoàn thành trước 30/3/2021.
Bên cạnh đó, công ty triển khai các đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá hiện trạng, tính toán thiết kế. Hiện tại, công ty đã và đang tập kết thiết bị, xe máy, vật tư, nguyên vật liệu cầu gia công, lắp đặt. Công ty cam kết sẽ triển khai thực hiện hoàn thành trước 10/12 đảm bảo công tác vận hành lâu dài, thông suốt.
Hiện tại, công ty triển khai di chuyển, lắp đặt hoàn thành máy phát điện dự phòng từ Nhà máy lên cao trình đập, công tác đấu nối hệ thống điện vận hành máy phát điện, dự kiến hoàn thành trước ngày 27/11. Công ty cam kết đến ngày 27/11 hoàn thành.
Ngoài ra, công ty triển khai lập quy chế phối hợp với địa phương trong công tác vận hành phát điện đã trình UBND huyện Nam Đông phê duyệt. Công ty triển khai lập Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trình UBND huyện Nam Đông phê duyệt, dự kiến thời gian hoàn thành trước 10/12.
Trong khi đó, chiều 27/11, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, vừa có quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nội dung quyết định nêu rõ, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực số 383/GP-ĐTĐL ngày 12/12/2019 do Cục Điều tiết điện lực cấp cho Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam đối với hoạt động phát điện Nhà máy thủy điện Thượng Nhật từ 27/11/2020
Bình luận