Trường học mở cửa, nhà hàng vẫn đón khách
Nhiều tuần gần đây, Thụy Điển bị các chuyên gia y tế chỉ trích vì không thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn đà lây lan của virus.
Các con phố vẫn đông người qua lại và đại đa số công dân Thụy Điển đều phớt lờ khuyến cáo về "giãn cách xã hội". Các quán bar và nhà hàng vẫn mở cửa để đón khách mùa dịch và chỉ yêu cầu khách hàng tự giữ khoảng cách với người khác.
Học sinh, sinh viên các trường trung học và đại học học trực tuyến tại nhà, nhưng học sinh trường mầm non, tiểu học vẫn đến trường như trước mùa dịch.
Ở các quán cafe tại thủ đô Stockholm, nhiều người tụ tập thành nhóm nhỏ ăn uống, trò chuyện thoải mái, tận hưởng ly cappuccino. Các sân chơi vẫn đầy ắp giới trẻ, cảnh tượng khó có thể thấy ở bất cứ quốc gia châu Âu nào hiện tại.
Các chuyến tàu và xe buýt vận chuyển hành khách đều đặn, người dân vẫn thoải mái mở tiệc trong công viên hoặc bãi biển.
Thụy Điển và quốc gia láng giềng Đan Mạch kết nối với nhau thông qua cây cầu Oresund nổi tiếng. Nhưng trong khi phần cầu Oresund ở Đan Mạch không bóng người qua lại sau lệnh phong tỏa toàn quốc, thì ở phần bên kia tại Thụy Điển, người dân vẫn đi lại, dù không còn đông đúc như trước.
Thụy Điển không áp dụng lệnh phong tỏa mà chỉ khuyến nghị người dân chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Thụy Điển phủ nhận chống dịch một mình một kiểu
"Mọi chuyện không hề diễn ra như thường lệ", Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren khẳng định trước lời chỉ trích về các chống dịchcủa quốc gia mình.
Trong cuộc họp báo ngắn với truyền thông quốc tế, bà Hallengren nhấn mạnh, quốc gia Bắc Âu đưa ra hàng loạt các biện pháp để ngăn chặn đà lây lan của virus và sẵn sàng làm nhiều hơn thế.
Theo bà, chính quyền đã khuyến cáo người trên 70 tuổi tránh tiếp xúc với người khác, đồng thời cấm các cuộc tụ tập trên 50 người và các chuyến thăm tới viện dưỡng lão.
Chính phủ đề nghị mọi người làm việc ở nhà và tự cách ly nếu có các triệu chứng mắc Covid-19 dù là nhỏ nhất.
Bộ trưởng Y tế Thụy Điển nói rằng, các khuyến nghị đã có tác dụng nhất định,sau đó dẫn ra thống kê số người di chuyển về trung tâm Stockholm giảm 70% và 1/3 người Stockholm đang làm việc tại nhà.
Nhưng theo AFP, trái ngược với phần lớn các thành phố ở châu Âu, Stockholm vẫn nhộn nhịp, khác xa khung cảnh "một thị trấn ma" như phần còn lại của châu Âu.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde thừa nhận rằng, gần đây bà nhận được nhiều câu hỏi từ các đối tác nước ngoài về phản ứng của Thụy Điển.
Bà Linde khẳng định, Chính phủ Thụy Điển có mục tiêu chống dịch như mọi quốc gia khác. Điểm khác biệt chính nằm ở chỗ, hầu hết các biện pháp của Thụy Điển không bị ràng buộc về mặt pháp lý.
Theo bà, điều này xuất phát từ truyền thống của Thụy Điển khi các Bộ thường tham vấn ý kiến từ các chuyên gia, còn người dân thường rất tin tưởng vào các chính trị gia và chính quyền.
"Các chính trị gia và chính quyền cũng rất tin tưởng việc mọi người tự đảm bảo trách nhiệm về hành vi của mình", bà Linde nói.
Phản ứng trái chiều từ người dân
"Mọi người phải chịu trách nhiệm với họ, với hàng xóm và cộng đồng địa phương mình. Điều này được áp dụng cả trong tình trạng bình thường và tình trạng khủng hoảng", bà Linde nói, đồng thời nhấn mạnh niềm tin của công chúng là yếu tố chính trong chiến lược phòng chống dịch bệnh của Thụy Điển.
Các tiếp cận này dường như nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với cách làm này của chính quyền.
Video: Bản tin Covid-19 ngày 4/4
Trong cuộc thăm dò do công ty phân tích Novus thực hiện hồi đầu tuần cho thấy, niềm tin của người dân Thụy Điển vào chính phủ đã tăng lên đáng kể trong tháng 3. 44% người được hỏi nói họ hết sức tin tưởng vào Thủ tướng Stefan Lofven, tăng mạnh so với mức 26% vào tháng 2.
Tuần trước, một nhóm 14 nhà khoa học trong một bài đăng trên tờ Dagens Nyheter yêu cầu Cơ quan Y tế công cộng minh bạch hơn. Họ đặt câu hỏi: Vì sao Thụy Điển lại chống dịch như hiện tại khi các quốc gia khác ở châu Âu đang áp dụng các biện pháp hết sức cứng rắn?
"Các quốc gia khác nhau có các điều kiện khác nhau, nhưng chúng tôi đấu tranh để xem xét tại sao bối cảnh Thụy Điển lại khác với người Anh", nhóm này chỉ rõ.
Dân chơi trò "cò quay Nga" với Covid-19?
Tuy nhiên, Marcus Carlsson, nhà toán học tại Đại học Lund cáo buộc chính quyền đang chơi trò "cò quay Nga" với người dân Thụy Điển.
"Cò quay Nga" là trò chơi mà người tham gia sẽ sử dụng 1 khẩu súng lục với 6 ổ đạn nhưng chỉ có 1 viên đạn bên trong. Lần lượt từng người chơi sẽ dùng khẩu súng này để tự bắn vào đầu mình và người còn sống sót sẽ là người thắng cuộc.
Hồi giữa tuần, nhà dịch tễ học Anders Tegnell tại Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển cho biết, nhiều tuần trước, Thụy Điển duy trì đường thẳng (không có trường hợp nào) về số ca nhiễm mới. Nhưng hiện tại, một đường cong khá dốc đã xuất hiện.
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Thụy Điển cũng bắt đầu thông báo về việc thiếu hụt các thiết bị y tế, dù mức độ không nghiêm trọng như ở Italy và Tây Ban Nha.
Trước tình trạng này, Stockholm đang lên kế hoạch mở bệnh viện dã chiến đầu tiên vào cuối tuần này khi các ca mắc Covid-19 tại thành phố này tăng mạnh.
Tính tới hết 3/4, Thụy Điển ghi nhận 6.078 ca mắc Covid-19 mới, 333 người thiệt mạng.
Bình luận