Chứng kiến cảnh ngập lũ tại các huyện vùng hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn trong trận lũ lịch sử vừa qua, một lần nữa các cơ quan chức năng đặt lại câu hỏi “Trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra lũ chồng lũ đối với người dân miền Trung?”
Lũ quá bất ngờ
Vào thời điểm 14h ngày 15/11/2013, chỉ có 3 hồ chứa thủy điện trên địa bàn Quảng Nam xả lũ nhưng hệ lụy đã xảy ra cự kỳ lớn.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban PCLB tỉnh Quảng Nam, mực nước hồ tại thủy điện Sông Tranh 2 là 165,2m/161m (cao trình ngưỡng tràn); lưu lượng nước về hồ 5242,87 m3/s, lưu lượng tự tràn qua ngưỡng tràn và qua các tổ máy là 2789,53 m3/s.
Hồ thủy điện A Vương ở mực nước hồ 379,35m/380m; lưu lượng nước về hồ 200 m3/s, phát điện 78 m3/s. Và Hồ thủy điện Đắk Mi 4 ở mức 258,28m/258m; lưu lượng nước về hồ 4360 m3/s, lưu lượng xả tràn là 3.900 m3/s. Việc xả nước cấp tập khiến người dân vùng hạ du chưa hết bàng hoàng vì lũ.
Người dân Quảng Nam trở tay không kịp trước sự xuất hiện bất ngờ của lũ |
Bên cạnh đó, theo số liệu của Trung tâm PCLB khu vực miền Trung-Tây Nguyên, từ 19h ngày 15/11 đến 19h ngày 16/11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 80-120mm.
Tỉnh Quảng Bình, Bình Định đến Khánh Hòa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, phổ biến 30-50mm. Ninh Thuận và Tây Nguyên có mưa phổ biến dưới 5mm, khiến lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Kon Tum và Gia Lai đã đạt đỉnh và ở mức BĐ3 và trên BĐ3 từ 0,2 - 3,65m; các sông ở Quảng Trị, hạ lưu sông Thu Bồn và từ Phú Yên đến Bắc Khánh Hòa đang lên trên mức BĐ 3 từ 0,25-1,0m.
Tuy nhiên, theo người dân vùng hạ du sông Vu Gia, Thu Bồn (Quảng Nam), lượng mưa không lớn bằng mọi năm, nhưng lũ về quá nhanh khiến người dân trở tay không kịp.
“Thằng thủy điện xả lũ mới gây ra thảm cảnh cho bà con tui. Hồi chưa có thuỷ điện nơi đầu nguồn, dù trời mưa lớn, lũ về nhưng nước lên rất chậm. Còn bây giờ chưa thấy mưa đã thấy lũ đổ về như trận lũ này quá khủng khiếp, khiến dân không trở tay kịp”, lão nông Nguyễn Văn Tiến ở Điện Bàn, Quảng Nam bức xúc.
“Tôi còn nhớ hôm đó, nhìn trời, dân ai cũng nghĩ lũ nhỏ vì đã qua tháng 10 âm lịch rồi. Nhưng đến tầm 21h đêm mặc dù trời mưa nhỏ nhưng nước lũ dâng cao ngập tràn khắp nơi khiến người dân nháo nhào chạy lũ giữa đêm. Đến lúc đó chính quyền địa phương mới thông báo các hồ chứa Đắk Mi 4 và A Vương xả lũ với lưu lượng lớn”, ông Nguyễn Văn Tiến nói tiếp.
Còn ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Ban PCLB huyện Đại Lộc cho biết: “Tác hại của việc xả lũ là rất lớn đối với người dân vùng hạ du. Vì xả lũ khác với lũ lụt bình thường, dòng chảy mạnh gây xói lở đất ở, đất sản xuất… Tuy nhiên, có một thực tế là khi thủy điện xả lũ thường xảy ra chuyện người dân trở tay không kịp.
Lý do, lũ xuống quá nhanh, mực nước hạ du đang ở BĐ 1, sau vài tiếng đã vượt ngưỡng BĐ 3. Việc này rất nguy hiểm người dân đang lúc lưu thông đi lại, sản xuất nông nghiệp… Trước khi xả lũ, các thủy điện có thông tin đến chính quyền.
Tuy nhiên, khi chính quyền thông báo lại thì không phải mọi người dân đều nghe được. Điều chúng tôi mong mỏi hiện nay là các thủy điện giảm mức phòng lũ xuống, hạ cao trình, công tác xả lũ phải tuân thủ quy trình xả liên hồ. Còn cứ xả ẩu như thế thì chỉ có chết dân hạ du chúng tôi thôi”.
Hàng vạn ngôi nhà cùng hàng ngàn ha hoa màu của người dân miền Trung bị nhấn chìm, hư hại do lũ |
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng: “Việc xây dựng thủy điện nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng mặt trái của thủy điện thì quá lớn. Mùa khô tích thủy điện tích nước nước làm Hội An bị xâm nhập mặn, về mùa mưa lũ thì làm xói lở, đồi dòng, uy hiếp nhân dân. Chưa nói việc thông báo xả lũ chỉ trước 2 tiếng đồng hồ là chúng tôi không kịp trở tay”.
Cần truy trách nhiệm đối với "mối lo" thủy điện
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam cho rằng: “Số thủy điện trên vùng núi cao tỉnh Quảng Nam đang là nỗi lo đối với người dân vùng hạ du, do vậy cần có biện pháp ứng phó và chống đỡ, nếu ko thực hiện được thì hậu quả sẽ khó lường”.
Theo người dân, việc thủy điện xả lũ gây ngập như chuyện 'biết rồi nói mãi' |
Còn theo GS.TS Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội cơ học Thủy khí Việt Nam, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Thủy lợi, Khoa xây dựng Thủy lợi-Thủy điện, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng thì cần xem lại công tác quy hoạch, quản lý đối với hệ thống thủy điện trên các sông tại miền Trung.
“Cần có đơn vị giám sát độc lập, có sự hỗ trợ của camera, máy móc thiết bị và nguồn lực con người nhằm kiểm soát quy trình xả nước tại các hồ chứa thủy điện. Để làm được điều này, ngoài cam kết còn cần phải lắp đặt hệ thống quan trắc thủy văn đầu nguồn các hồ chứa làm cơ sở truy trách nhiệm chứ không thể để như gần chục năm qua.
Không thể chấp nhận việc xả lũ gây chết người, hư hại tài sản của nhân dân. Việc quy hoạch và xây dựng thủy điện phải đảm bảo điều tiết nước, nước xả lũ không được gây lũ bất thường cho vùng hạ du. Tuy nhiên, rất tiếc là thực tế từ năm 2009 đến nay đều ngược lại. Các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến hiệu suất phát điện mà bỏ qua lợi ích cộng đồng khiến người dân bị thiệt hại”, GS.TS Nguyễn Thế Hùng nói.
GS.TS Nguyễn Thế Hùng cho rằng, người dân có quyền được đền bù những gì do thủy điện xả lũ gây ra. |
"Nếu không có một tổ chức độc lập như “trọng tài”, đứng ra giám sát chặt chẽ cũng như truy trách nhiệm đối với các doanh nghiệp thủy điện thì đây là mối lo không chỉ đối với việc xả lũ mà còn an nguy đến an toàn hồ đập khi không đánh giá cụ thể được lưu lượng nước về hồ cũng như xả lũ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bửu Lân
Bình luận