Các bác sĩ khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM mới đây tiếp nhận nữ bệnh nhân bị mụn nhẹ nhưng có ý định nhảy lầu để tự sát. Mỗi khi nốt mụn nổi lên, cô cảm giác tự ti, không muốn đi làm hay giao tiếp với ai. Bệnh nhân này thường xuyên đến khoa Thẩm mỹ da để than phiền về tình trạng mụn.
"Xuất hiện ý định tự sát là biểu hiện nặng của rối loạn mặc cảm ngoại hình. Chúng tôi hướng dẫn cô đi khám chuyên khoa tâm thần nhưng bệnh nhân không đồng ý", một bác sĩ cho biết.
Đây là một trong nhiều trường hợp bị rối loạn mặc cảm ngoại hình được các bác sĩ của bệnh viện Da liễu TP.HCM nghiên cứu. Theo các tác giả, những người tìm đến khoa Thẩm mỹ da để thực hiện các thủ thuật xâm lấn ngày càng nhiều trong thời gian gần đây.
Bên cạnh những người có vấn đề thẩm mỹ cần giải quyết, không ít trường hợp tỏ ra buồn rầu và mặc cảm về những khuyết điểm của ngoại hình. "Những người này bị lo lắng quá mức về ngoại hình và cường điệu hóa vấn đề. Đây là dấu hiệu điển hình của chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình", nhóm nghiên cứu kết luận.
Theo các bác sĩ, rối loạn mặc cảm ngoại hình là bệnh lý biểu hiện bởi tình trạng chú ý quá mức đến những thay đổi nhỏ trên cơ thể. Dữ liệu gần đây cho thấy tỷ lệ bệnh lý này khá cao ở nhóm người được can thiệp thẩm mỹ.
Bệnh lý này được phân loại vào nhóm rối loạn tâm thần dạng thể chất trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê rối loạn tâm thần. Với trường hợp nặng, bệnh nhân có thể sống tách biệt xã hội, chất lượng cuộc sống giảm, thậm chí có ý định tự tử.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy khoảng 2% dân số mắc chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình. Tỷ lệ bệnh nhân tìm đến can thiệp thẩm mỹ chiếm từ 3-53%. Tại Việt Nam, trong 173 bệnh nhân được khảo sát tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, 11 người có tình trạng rối loạn mặc cảm ngoại hình.
Các bệnh nhân được nghiên cứu là những người có vấn đề thẩm mỹ ở vùng mặt, cổ, rối loạn sắc tố da, mụn trứng cá và các bệnh lý khác. Những người này có trình độ học vấn từ cấp 3 trở lên và gia đình không có tiền sử mắc chứng tâm thần. Họ có khuyết điểm chung là mụn trứng cá, sẹo lồi, sạm da và lỗ chân lông to.
Qua khảo sát thói quen, hành vi lặp lại của các bệnh nhân rối loạn mặc cảm ngoại hình, nhóm nghiên cứu kết luận 3 đặc điểm tương đồng bao gồm thường xuyên soi gương (100%), tự so sánh khuyết điểm của mình với người khác (90,91%) và hỏi người khác về các khuyết điểm của mình (54,55%).
TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu, nhận định phần lớn bệnh nhân bị rối loạn mặc cảm ngoại hình không có trị liệu trước đó hoặc trị liệu không xâm lấn. Họ chủ yếu là nữ, trẻ tuổi.
"Bác sĩ da liễu cần nhận ra những biểu hiện của rối loạn mặc cảm ngoại hình nhằm hướng dẫn bệnh nhân đi khám chuyên khoa tâm thần để có những trị liệu phù hợp", tiến sĩ Hào nhận định.
Bình luận