• Zalo

Thương vụ tàu ngầm: EU mất niềm tin, hoài nghi tuyên bố ‘nước Mỹ đã trở lại’?

Thời sự quốc tếThứ Ba, 21/09/2021 08:29:17 +07:00Google News
(VTC News) -

Thương vụ Mỹ, Anh đóng tàu ngầm cho Australia đặt ra loạt câu hỏi đối với EU, liệu Washington đã thực sự trở lại như chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố.

Hôm 20/9, Ngoại trưởng các nước trong Liên minh châu Âu (EU) họp để thảo luận về việc Australia hủy đơn đặt hàng đóng tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD với Pháp để ký hợp đồng thay thế với Mỹ và Anh. Cuộc họp diễn ra bên lề cuộc họp thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York.

Quyết định của Australia khiến Pháp giận dữ, cho biết họ đang "mất lòng tin" với Washington. "Chúng tôi nghĩ rằng chủ nghĩa đơn phương, không thể đoán trước, tàn bạo và không tôn trọng đối tác vẫn tiếp diễn”, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho hay.

"Chúng ta là đồng minh, chúng ta nói chuyện và không che giấu các chiến lược. Hiện có một cuộc khủng hoảng lòng tin. Vì vậy, tất cả những điều đó cần được làm rõ và giải thích”, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh.

Thương vụ tàu ngầm: EU mất niềm tin, hoài nghi tuyên bố ‘nước Mỹ đã trở lại’? - 1

EU hoài nghi về tuyên bố "nước Mỹ đã trở lại" của chính quyền Tổng thống Joe Biden. (Ảnh: Reuters)

Mỹ đã tìm cách xoa dịu sự tức giận của Pháp - một đồng minh của NATO. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nói chuyện qua điện thoại trong vài ngày tới.

Hôm 20/9, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki bày tỏ mong đợi trong cuộc điện đàm tới đây với Tổng thống Pháp, ông Biden sẽ "tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với một trong những đối tác lâu đời nhất và thân thiết nhất của Washington về một loạt thách thức mà cộng đồng toàn cầu đang phải đối mặt".

Không rõ liệu tranh chấp hiện nay có ảnh hưởng đến vòng đàm phán thương mại EU - Australia tiếp theo, dự kiến ​​diễn ra vào ngày 12/10 hay không. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne tại New York hôm 20/9. Tại cuộc gặp, ông Josep Borrell đặt câu hỏi “về việc thiếu các cuộc tham vấn trước và lấy làm tiếc rằng mối quan hệ đối tác AUKUS không bao gồm các đối tác châu Âu - bên có sự hiện diện mạnh mẽ ở Thái Bình Dương".

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, ông cảm thấy khó hiểu về quyết định này của Mỹ.

"Tại sao? Bởi chính quyền Biden luôn nói ‘nước Mỹ đã trở lại’. Đây là thông điệp chính quyền mới của Mỹ và bây giờ chúng tôi đặt câu hỏi về điều này. Điều đó có nghĩa là gì, nước Mỹ liệu đã trở lại? hay đang ở đâu?”, ông Charles Michel nói.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, nếu Mỹ coi Trung Quốc là trọng tâm chính thì việc Washington hợp tác với Australia và Anh là điều khó hiểu. Ông cho rằng, quyết định này làm suy yếu liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Theo dự kiến, các quan chức hàng đầu của Mỹ và EU sẽ gặp nhau tại Pittsburgh, Pennsylvania vào cuối tháng này để tham dự Hội đồng thương mại và công nghệ Mỹ - EU mới được thành lập. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, một số thành viên EU đang đề xuất hoãn cuộc họp này.

Kông Anh(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn