Tết đến Xuân về là dịp để mọi người tất bật mua sắm chuẩn bị đón năm mới, cùng nhau sum họp, quây quần bên gia đình. Nhưng với những chiến sĩ CSGT thì ngược lại, họ vẫn ngày đêm túc trực ở khắp các tuyến phố để đảm bảo trật tự giao thông trên mỗi cung đường.
Công tác trong ngành CSGT đến nay đã gần 10 năm, Thượng úy Lương Văn Quý (SN 1988, cán bộ CSGT đội 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian cao điểm về giao thông, an ninh trật tự.
Anh Quý chia sẻ công việc thường ngày vốn đã bận rộn, chẳng có ngày nghỉ, nhưng vào những ngày Tết thì lực lượng CSGT còn vất vả hơn thế.
“Từ 27-30 Tết âm lịch, đơn vị tôi phải túc trực 100% quân số 24/24h và chỉ được nghỉ 1 ngày trong 3 ngày Tết đầu năm”, anh Quý nói.
Theo anh Quý, lịch làm việc của một CSGT thông đều như vắt chanh, sáng sớm ra khỏi nhà và mãi đến tối mịt mới về nghỉ ngơi. Vậy nên mọi công việc trong gia đình, con cái đều do vợ và bố mẹ anh Quý gánh vác.
Sau 5 năm lập gia đình, đến nay, vợ chồng anh Quý có 2 cô con gái. Anh còn nhớ vào dịp Tết năm ngoái, khi đang trực Tết ở đơn vị, bỗng anh nhận được cuộc điện thoại từ vợ, ở đầu dây bên kia là giọng cô con gái nhỏ 3 tuổi hồn nhiên hỏi: “Sao bố đi đâu mà lâu không về thế”.
“Lúc ấy tôi chỉ biết nói: “Bố đi công tác, mấy ngày nữa bố về cho con đi chơi nhé”, anh Quý kể lại.
Quản lý khu vực cửa ngõ phía Bắc của thành phố nên công việc anh và đồng đội có phần vất vả hơn trong dịp Tết. Anh Quý chia sẻ, vào dịp này, người dân bắt xe khách về quê ăn Tết ở Mỹ Đình, vì số lượng xe và người quá lớn nên có nhiều trường hợp không may bị “mắc kẹt” tại Thủ đô. Lúc này, đơn vị anh đã đồng hành và đưa họ về quê.
“Tôi nhớ chiều tối 30 Tết năm ngoái, phát hiện chị Hoa (quê ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc) lo lắng đến phát khóc khi không thể bắt được xe khách về quê. Chúng tôi đã phải động viên, an ủi và dùng xe chuyên dụng để chở chị về. Tới nơi, chị Hoa đã cảm ơn chúng tôi rối rít”, anh Quý tươi cười nhớ lại.
Đối với lực lượng CSGT nói chung và bản thân anh Quý, mỗi khi nhận được những lời cảm ơn, hay đơn giản chỉ là chai nước mát từ người dân trong khi làm nhiệm vụ cũng đủ để anh và đồng nghiệp có thêm động lực, giúp các anh thêm yêu nghề và tự hào vì công việc mình được giao.
“Khi đó, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi khoác lên mình bộ sắc phục, tự hào về công việc mình đang làm”, anh Quý tâm sự.
Đối với bất cứ ai, Tết cổ truyền là dịp để gia đình, vợ chồng sum họp chào đón năm mới. Nhưng anh Quý cũng như bao đồng đội của mình đều chấp nhận hy sinh niềm vui riêng để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ trật tự trị an cho người dân.
Bình luận