• Zalo

Thượng uý công an tát nhân viên bán hàng: 'Cần phải loại bỏ để nhường chỗ cho người khác làm việc'

Pháp luậtThứ Tư, 13/11/2019 11:42:00 +07:00Google News

Luật sư cho rằng cần có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với thượng úy công an tát nhân viên bán hàng, nếu không đủ phẩm chất thì phải loại bỏ khỏi ngành.

Vụ việc Thượng uý công an Nguyễn Xô Việt (công tác tại Công an thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) ném xúc xích vào mặt và tát nhân viên trạm dừng nghỉ Hải Đăng (trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) khiến dư luận phẫn nộ nhiều ngày qua.
Bình luận về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, sau vụ Đại úy Lê Thị Hiền (công tác tại Công an quận Đống Đa, Hà Nội) gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất, thì việc Thượng úy Nguyễn Xô Việt hành hung nhân viên bán hàng cũng khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí sốc.

Bởi họ không thể ngờ những người đòi hỏi mức độ chuẩn mực đạo đức cao trong xã hội lại có hành vi ứng xử hung hăng, thiếu văn hóa nơi đông người như vậy.

danh-nguoi-3

Hình ảnh Thượng uý Nguyễn Xô Việt đánh nhân viên trạm nghỉ được camera ghi lại.

Theo vị luật sư này, qua những sự việc trên, cơ quan quản lý cũng cần xem xét công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công an. Các cơ quan chức năng cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với những chiến sĩ vi phạm, thiếu phẩm chất của người cán bộ công an nhân dân.

dang van cuong

dang van cuong

Những trường hợp không đủ phẩm chất thì cần phải loại bỏ để nhường chỗ cho người khác làm việc.

Luật sư Đặng Văn Cường

"Có lẽ những vụ việc này không còn là những chuyện có tính chất bột phát của những cá nhân riêng lẻ mà đó có thể còn là một hiện tượng xấu, phản ánh phần nào một bộ phận cán bộ chiến sĩ công an nhân dân thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, tác phong, không đủ phẩm chất hoặc có những lỗ hổng trong công tác tuyển dụng, đào tạo.  

Vấn đề này gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành công an và niềm tin của nhân dân vào lực lượng công an nhân dân. Bởi vậy, cần phải có những hình thức xử lý kỷ luật và có thể áp dụng các chế tài pháp luật nghiêm khắc đối với những cá nhân vi phạm này, không để hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”...

Hiện nay, vấn đề tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy Nhà nước đồng nghĩa với việc thu hẹp đối tượng là công chức, viên chức nên với những trường hợp không đủ phẩm chất thì cần phải loại bỏ để nhường chỗ cho người khác làm việc", luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Phân tích dưới góc độ pháp lý vụ việc nam thượng úy công an ném xúc xích, tát nhân viên bán hàng, ông Cường cho rằng, cơ quan công an sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ hành vi, hậu quả đối với nạn nhân và xã hội để có biện pháp xử lý cho phù hợp.  

"Hành vi ứng xử như vậy là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, tác phong công an nhân dân và xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm, xâm hại đến sức khỏe của người khác, gây rối trật tự công cộng.  

Bởi vậy, hành vi này sẽ bị xem xét kỷ luật theo quy định của ngành công an và có thể bị xử phạt hành chính về hành vi làm nhục người khác, hành hung, gây mất an ninh trật tự nơi công cộng... Bất kể nguyên nhân là việc gì", luật sư Cường nói.  

Video: Thượng uý Nguyễn Xô Việt đánh nhân viên trạm nghỉ ở Thái Nguyên

Theo luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ để có hình thức xử lý cho phù hợp đối với Thượng úy Nguyễn Xô Việt. Cần đánh giá tác phong, thái độ ứng xử của người này đối với những người xung quanh trong thời gian gần đây.

Nếu hành vi là nóng nảy nhất thời thì phải rút kinh nghiệm sâu sắc và phải xin lỗi, bồi thường khắc phục thỏa đáng cho những người bị hại. Ngoài ra, Thượng úy Việt còn có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.  

Tuy nhiên, nếu hành vi trên thể hiện bản tính, là biểu hiện của thói quen lạm quyền, lộng quyền của một số cán bộ sa sút phẩm chất thì cần phải có hình thức xử lý thật nghiêm khắc để giữ gìn uy tín cán bộ cũng như phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên trước nhân dân.   

"Có thể áp dụng chế tài hành chính theo quy định tại điều 5, Nghị định 167 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Với hành vi ném hàng hóa (xúc xích) vào người khác thì sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2, điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.  

Còn hành vi tát, đánh người khác thì đây là hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác và cũng là hành vi gây rối trật tự công cộng. Những hành vi này sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cơ quan công an trên địa bàn trạm dừng nghỉ Hải Đăng có thể áp dụng các chế tài hành chính này đối với thượng úy Việt", luật sư Cường phân tích.  

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, trong trường hợp người bị hại có đơn đề nghị xử lý thượng úy công an về hành vi gây thương tích và hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì cơ quan công an cũng sẽ xem xét đến những yêu cầu này.

Trường hợp hai người bị hành hung không có yêu cầu thì vẫn có thể xem xét kỷ luật và xử phạt hành chính theo quy định pháp luật. 

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn