Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết điều này khi thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng thủ dân sự tại phiên họp chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 16/8.
Tờ trình nhấn mạnh, việc xây dựng đạo luật về phòng thủ dân sự nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.
Ý kiến khác nhau về quy định tình trạng khẩn cấp
Chính phủ trình xin ý kiến về vấn đề tình trạng khẩn cấp về phòng phủ dân sự với 2 phương án là quy định hoặc không quy định các biện pháp mang tính chất dân sự trong tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự (không quy định các biện pháp về quốc phòng, an ninh) trong dự thảo luật này.
Ý kiến ủng hộ phương án quy định cho rằng, điều này góp phần thiết lập đầy đủ cơ sở pháp lý xử lý các vấn đề phát sinh của thực tiễn, hoàn thiện, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, là phương án tối ưu nhằm bổ khuyết, khắc phục khoảng trống của pháp luật.
Tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự là mức độ cao nhất của thảm họa, sự cố về phòng thủ dân sự nên việc quy định sẽ tạo cơ sở luật định quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp trong tình huống xảy ra thảm họa, sự cố; bảo đảm các biện pháp hợp hiến, hợp pháp, áp dụng được ngay một cách thuận lợi khi xảy ra thảm họa, sự cố ở các cấp độ, trạng thái khác nhau (tiền khẩn cấp và khẩn cấp).
“Thực tế trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19 cho thấy, việc áp dụng các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh chưa đủ để điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh như giãn cách xã hội, cơ chế cách ly tập trung, xây dựng cơ sở y tế, chính sách đặc thù phục hồi kinh tế, an sinh sau thảm họa, sự cố”, Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương nói, đồng thời cho biết đa số thành viên Chính phủ lựa chọn phương án này.
Phương án 2 là không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự mà có thể áp dụng quy định hiện hành ở Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 và nhiều luật khác và tập trung thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp.
Tuy nhiên, theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, việc không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự có nhược điểm là chưa khắc phục được khoảng trống của hệ thống pháp luật, chưa giải quyết được những vướng mắc và yêu cầu từ thực tiễn.
”Đối với 13 loại thảm họa, sự cố quy định tại Điều 5 dự thảo Luật này thì một phần được thể hiện tại các luật chuyên ngành nhưng các luật đó chưa bao quát đầy đủ về tình trạng khẩn cấp và chưa có điều chỉnh hợp lý về tình trạng khẩn cấp“, Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương cho biết.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay, có ý kiến cho rằng, việc xây dựng luật này cần đặt trong tổng thể xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng thủ dân sự và các chiến lược quan trọng khác về quốc phòng, an ninh và chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội để có cơ sở vững chắc hơn
“Ưu tiên xây dựng luật về tình trạng khẩn cấp hoặc nếu các luật chuyên ngành còn thiếu, quy định chưa thống nhất thì nên xây dựng một luật sửa nhiều luật hoặc tổ chức thực hiện tốt các quy định đã có của luật chuyên ngành”, Thiếu tướng Lê Tấn Tới nói.
Phạm vi chưa rạch ròi
Góp ý vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là dự án luật khó và mới, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Tuy vậy, còn nhiều vấn đề cần đặt ra, nhất là phải xác định rạch ròi phạm vi điều chỉnh để đảm bảo thống nhất hệ thống pháp luật và tính khả thi sau khi ban hành.
Phân tích dự thảo được thiết kế theo hướng chỉ “lấp khoảng trống” những vấn đề luật chuyên ngành chưa có, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề nội dung phòng thủ dân sự được điều chỉnh ở nhiều luật thì tính đồng bộ, thống nhất sẽ như thế nào? Các luật chuyên ngành có đầy đủ 3 nội hàm “phòng, chống, khắc phục hậu quả” các thảm hoạ, sự cố hay chưa?
Liên quan tình trạng khẩn cấp, dự thảo chỉ thể hiện các biện pháp mang tính chất dân sự trong tình trạng khẩn cấp, còn các biện pháp về quốc phòng, an ninh vẫn được điều chỉnh ở Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp. Ông Vương Đình Huệ băn khoăn thực tế khó mà rạch ròi, dễ dẫn đến tình trạng phân tán, chồng chéo, dàn trải.
“Liệu có nên không quy định tình trạng khẩn cấp, sau này nâng Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp lên thành luật để tập trung 1 đầu mối? Hay đưa tất cả tình trạng khẩn cấp luôn vào luật này? Phạm vi của luật này chưa đủ rõ, cần bàn kỹ hơn rồi mới vào các điều khoản cụ thể”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần phân tích rõ hơn các ưu điểm, hạn chế của từng phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thiết kế theo hướng chỉ quy định hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, còn lại sẽ nghiên cứu xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp, trong đó cụ thể các trường hợp, thứ tự các bước, thẩm quyền ra quyết định đến các nội dung cụ thể.
Dự án Luật Phòng thủ dân sự sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới.
Bình luận