Ngăn chặn "chạy chức, chạy quyền"
Sáng 25/12, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định, năm 2019 và 4 năm qua, ngành tổ chức xây dựng Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực, hiệu quả vào những thành tựu chung của đất nước, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng.
Thường trực Ban Bí thư đặc biệt nhấn mạnh kết quả việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, gắn với xây dựng vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Theo Thường trực Ban Bí thư, việc thu gọn đầu mối hàng trăm nghìn biên chế, tiết kiệm cho ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng dù chỉ là bước đầu nhưng rất quan trọng, để khẳng định khi đã có chủ trương rõ, biện pháp rõ và với quyết tâm cao, nỗ lực lớn sẽ mang lại hiệu quả rõ nét, thiết thực.
Một kết quả khác cũng được Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh là ngành tổ chức xây dựng Đảng đổi mới quy trình cán bộ đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, chặt chẽ hơn. Đồng thời, chủ động trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí cán bộ nhằm chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới và Đại hội XIII.
“Đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Chúng ta đang đi đúng hướng và có hiệu quả, tác động tích cực đến công tác lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; tình trạng "chạy chức", "chạy quyền" bước đầu được kiềm chế, ngăn chặn”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Vượng, vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần lưu ý trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng, trong đó có việc chất lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ chưa được như mong muốn. Những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, việc đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế của hệ thống chính trị chưa thật sự quyết liệt, đồng bộ; có nơi, có lúc còn có biểu hiện chủ quan, nóng vội hoặc thụ động, trông chờ, ỷ lại, cầu toàn.
Công tác cán bộ quyết định sự thành bại
Về nhiệm vụ trong năm 2020 và thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư đặc biệt lưu ý, ngành tổ chức xây dựng Đảng cần chủ động, tích cực hơn nữa để triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các nội dung công tác tổ chức xây dựng Đảng, trọng tâm là tham mưu chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, trước hết là công tác nhân sự.
Cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt.
Ông Trần Quốc Vượng
“Cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt. Do vậy, chúng ta phải đặc biệt chú ý. Đây là thực tiễn và thời sự. Thành bại là do cán bộ.
Thành trì xã hội chủ nghĩa cả hệ thống Đông Âu như vậy ai cũng tưởng rằng không bao giờ đổ mà "cơ đồ đổ xuống biển sâu. Có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ, là người đứng đầu", ông Vượng nói.
Thường trực Ban Bí thư cho hay, ông thấy rất đau xót khi sang châu Âu 10 năm sau Liên Xô sụp đổ, nghe các phương tiện thông tin đại chúng ở đây nói về sự kiện này như một ngày hội.
Theo Thường trực Ban Bí thư, vấn đề thành hay bại chính là nằm ở công tác cán bộ, do đó, cần chú ý công tác nhân sự, nhất là nhân sự cho cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới.
“Đây là vấn đề quan trọng. Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Không để lọt "lợi ích nhóm" vào cấp uỷ
Để làm tốt vấn đề cán bộ, Thường trực Ban Bí thư lưu ý, công tác nhân sự nhiệm kỳ tới phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ông Vượng nhấn mạnh, cần chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi những thông tin giả, thông tin không chính thức, xấu độc, có dụng ý bịa đặt, xuyên tạc, gán ghép trên internet, mạng xã hội liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự.
Theo ông, hiện tại đã bắt đầu có những biểu hiện thông tin không đúng nên cần cảnh giác, ngăn chặn, không để bị cuốn theo dư luận.
“Những cái này làm cho chúng ta bị loãng ra, người tốt bị đánh giá thành người xấu và người xấu được đánh giá là người tốt”, Thường trực Ban Bí thư nói.
Ông cũng khẳng định kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm" hay bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ.
Từ đó, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu ngành tổ chức xây dựng Đảng làm tốt chức năng tham mưu về công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng "chạy chức, chạy quyền", nhất là trong việc chuẩn bị nhân sự cấp uỷ các cấp và đặc biệt là Ban Chấp hành T.Ư khoá XIII.
Cùng với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cần sớm tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bình luận