Mặc dù không còn ở thời hoàng kim nhưng cải lương vẫn giữ một vị trí quan trọng trong lòng khán giả, là món ăn tinh thần không thể thiếu với những người hoài niệm những giá trị nghệ thuật cũ, là niềm tự hào mà giới trẻ luôn nhớ về khi giới thiệu văn hóa Việt cho bạn bè năm châu.
Lớp nghệ sĩ gạo cội của làng cải lương Việt Nam cũng dần có tuổi, và không còn gì đau xót hơn khi chúng ta phải nói lời chào vĩnh biệt đến những cây đa, cây đề trong nghề. Ngày 23/12 năm ngoái, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ ra đi sau thời gian chống chọi bạo bệnh khiến khán giả không khỏi bàng hoàng, tiếc nuối.
Bước sang năm mới, chỉ trong vòng 2 tháng ngắn ngủi, khán giả tiếp tục phải từ biệt nghệ sĩ nghệ sĩ Vương Cảnh (mất ngày 17/2), nghệ sĩ Thanh Tú (mất ngày 23/2), và nghệ sĩ Ngọc Đáng (mất ngày 24/2). Cả 4 cố nghệ sĩ đều phải trải qua thời gian dài chống chọi với bạo bệnh để rồi ra đi mãi mãi trong sự thương tiếc của gia đình, đồng nghiệp và khán giả.
Lúc sinh thời, sự đóng góp của các cố nghệ sĩ vào nền văn nghệ nước nhà là không thể đong đếm được. Làm sao có thể quên được vở Thái hậu Dương Vân Nga của cố nghệ sĩ Ngọc Đáng, vở Ăn khế trả vàng của cố nghệ sĩ Vương Cảnh, vở Bên cầu dệt lụa của cố nghệ sĩ Thanh Tú hay vở Lan và Điệp của cố nghệ sĩ Thanh Kim Huệ.
Đây mới chỉ là một trong số những tác phẩm vô giá mà các nghệ sĩ đã dành tặng cho khán giả nói riêng và nghệ thuật cải lương nói chung.
Với nhiều nghệ sĩ trẻ, sự ra đi của các cây đa, cây đề như mất đi người cô, người chú, người thầy trên bước đường sự nghiệp. Những lời hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các bậc tiền bối không chỉ là kim chỉ nam mà còn là động lực để tiếp tục cống hiến cho nghề.
Rồi mai đây, sẽ có lứa nghệ sĩ trẻ tiếp bước các cô chú trên con đường nghệ thuật nhưng trong lòng công chúng, giọng hát của cô chú luôn có một vị trí đặc biệt và trang trọng không ai có thể thay thế được.
Bình luận