Thương nhân Myanmar bỏ cả nghìn tấn trái cây thối rữa ở cửa khẩu với Trung Quốc

Thời sự quốc tếThứ Năm, 06/01/2022 09:26:18 +07:00
(VTC News) -

Có ít nhất 200 xe tải chở trái cây mắc kẹt trên con đường nối từ thành phố Mandalay của Myanmar đến Thụy Lệ do quá trình thông quan chậm chạp.

Các tuyến đường chính nối giữa Myanmar-Trung Quốc tại thành phố Thụy Lệ (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) kẹt cứng hàng trăm xe tải chở hàng của thương nhân Myanmar chờ đợi để được qua trạm kiểm soát. Do phải chờ quá lâu, các thương nhân buộc phải bỏ lại những mặt hàng dễ hỏng như trái cây.  

Các nhà xuất khẩu Myanmar cho biết, các quy tắc chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh khiến việc xuất khẩu hàng dễ hỏng sang Trung Quốc “gần như là bất khả thi”.

Trước đại dịch, chúng tôi từng xuất khẩu hơn 500 xe trái cây sang Trung Quốc mỗi ngày, chủ yếu là trái cây nhiệt đới như dưa hấu, dưa lê, xoài,... Giờ đây, hàng ngày có không quá 10 xe tải chở hàng qua được biên giới”, ông Lee Htay, chủ công ty vận tải của Myanmar, nói.

Thương nhân Myanmar bỏ cả nghìn tấn trái cây thối rữa ở cửa khẩu với Trung Quốc - 1

Các thương nhân Myanmar buộc phải bỏ lại những mặt hàng dễ hỏng như trái cây tại cửa khẩu Trung Quốc. (Ảnh: Handout)  

Năm ngoái, Thụy Lệ phải đóng cửa 5 tháng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Hoạt động kinh doanh tại thành phố biên giới giữa Myanmar và Trung Quốc được nối lại từ ngày 26/11. Tuy nhiên, đến nay quá trình thông quan vẫn rất chậm chạp, ảnh hưởng xấu đến các nhà xuất khẩu Myanmar.

Theo ông Htay, có ít nhất 200 xe tải chở trái cây đang mắc kẹt trên con đường nối từ thành phố Mandalay của Myanmar đến Thụy Lệ. Do không thể chờ lâu hơn, nhiều tài xế quyết định bỏ lại hàng nghìn tấn trái cây ngay bên vệ đường.

Một số tài xế đã bỏ cuộc sau nhiều ngày chờ đợi và bỏ mặc đống hàng thối rữa. Họ quay về nước để vận chuyển những loại hàng hóa không dễ hỏng, như ngọc bích và gỗ", ông Htay cho biết thêm.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 không phải là vấn đề duy nhất ở biên giới Myanmar-Trung Quốc. Người dân Trung Quốc ở khu vực này còn phải chịu ảnh hưởng từ xung đột vũ trang ở Myanmar.

Tại Đức Hoành ở Vân Nam, cách thị trấn Pang Hseng của Myanmar 50 m, người dân thường xuyên phải chịu đựng xung đột giữa quân đội và các nhóm vũ trang dân tộc Myanmar. Các cư dân tại đây được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời và trú ẩn ngay khi nghe thấy tiếng súng. Tình trạng này không chỉ gây ra tổn thất tài sản và thương vong ở Đức Hoành mà còn ảnh hưởng đến việc kinh doanh. 

Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar, tổng khối lượng giao dịch giữa Myanmar-Trung Quốc tại Đức Hoành vào tháng 12 là khoảng 200 triệu nhân dân tệ (31 triệu USD), giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trần Trang(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp