Quan hệ Mỹ - Nga không hề có dấu hiệu “xuống thang” sau khi ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng. Hai bên sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ để chỉ trích lẫn nhau, tung ra các đòn đáp trả qua lại thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh tay dành cho nhau. Theo nhận định của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, vào thời điểm hiện nay, quan hệ Mỹ - Nga xấu hơn cả quan hệ Mỹ - Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh tại Geneva, Thuỵ Sĩ vào hôm 16/6. Cuộc gặp mặt trực tiếp lần đầu giữa nguyên thủ Mỹ - Nga được kỳ vọng sẽ giúp “cài đặt lại” quan hệ song phương, giúp “tan băng” giữa hai cường quốc quân sự này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cuộc gặp này sẽ chỉ là dịp để hai nước thăm dò chính sách lẫn nhau, khó có thể tạo đột biến.
Quan hệ rạn nứt
Chia sẻ với VTC News về căng thẳng Mỹ - Nga hiện nay, Đại tá Lê Thế Mẫu - nguyên Trưởng Phòng thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng cho rằng, nguyên nhân của mọi căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Nga xuất phát từ việc Matxcơva tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát, được hình thành sau khi Liên Xô tan rã.
“Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới do một siêu cường nắm quyền chi phối và áp đặt ý chí chính trị của họ cho phần còn lại của thế giới tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich năm 2007. Vì thế, giới lãnh đạo ở Mỹ coi Nga là quốc gia phá hoại trật tự thế giới. Trật tự này do Washington kiểm soát, không dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế mà là dựa trên luật lệ do Mỹ áp đặt”, Đại tá Lê Thế Mẫu cho biết.
Tổng thống Putin cho rằng, cách hành xử của Mỹ đối với Nga thể hiện thái độ trịch thượng và ngạo mạn theo kiểu áp đặt tối hậu thư đối với Nga và đã vượt ra khỏi mọi khuôn khổ ngoại giao văn minh giữa các quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc. Thậm chí, Tổng thống Biden còn coi Tổng thống Putin là “kẻ sát nhân”. Theo Đại tá Lê Thế Mẫu, đây là điều chưa từng có trong quan hệ Mỹ - Xô trước đây và Mỹ - Nga hiện nay.
Chuyên gia Lê Thế Mẫu cho rằng, dù bất kỳ ai ngồi ở Nhà Trắng, ông Donald Trump hay ông Joe Biden, quan hệ Mỹ - Nga vẫn ở trong trạng thái như vậy. Tuy nhiên, từ phía Nga, ông Putin đã nhiều lần đề nghị Washington không nên coi Nga là “kẻ thù” mà nên hợp tác cùng nhau vì lợi ích của cả hai nước. Quả bóng giờ đây nằm ở bên phần sân của Mỹ.
“Trong thông điệp liên bang ngày 21/4, ông Putin cho biết, Nga sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích đó trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Tổng thống Putin cũng đặt ra ‘lằn ranh đỏ’ trong quan hệ với các nước. Nếu ai đó vượt qua ‘lằn ranh đỏ’ này thì Nga sẽ đáp trả ngay tức khắc theo kiểu văn minh, chuyên nghiệp và cứng rắn”, ông Lê Thế Mẫu nói.
Đề cập đến sự khác biệt giữa chính quyền Biden với người tiền nhiệm - Donald Trump, trong quan hệ với Nga, Đại tá Lê Thế Mẫu cho rằng mục đích chiến lược toàn cầu của bất cứ tổng thống Mỹ nào, trong đó có cả ông Trump và ông Biden, là kiềm chế Nga, không để cho Nga phát triển thành cường quốc có thể đe dọa vị thế kiểm soát thế giới của Mỹ. Nếu có gì đó khác biệt giữa ông Trump và Biden thì đó là cách thức kiềm chế.
“Trong khi ông Trump thực hiện chủ trương ‘Nước Mỹ trước tiên’ đã cạnh tranh chiến lược và gây chia rẽ với các đồng minh trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đối tác trong EU, thì ông Biden lại thiên về củng cố liên kết các đồng minh và đối tác để hình thành mặt trận rộng rãi chống lại Nga.
Ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (New START), còn Tổng thống Biden đồng ý gia hạn hiệp ước này bởi trong tình thế hiện nay Mỹ cần củng cố sự ổn định chiến lược với Nga. Cả ông Trump và ông Biden đều ra sức ngăn chặn dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) chuyển tải khí đốt của Nga tới châu Âu, thậm chí ông Biden còn ngăn chặn quyết liệt hơn khi cho rằng dự án này đe dọa lợi ích của Mỹ”, ông Lê Thế Mẫu phân tích.
Quan hệ Mỹ - Nga hiện tích tụ quá nhiều mâu thuẫn và bất đồng trên một loạt vấn đề như vấn đề Crimea, việc thực hiện Thỏa thuận Minsk-2, mở rộng NATO, lá chắn tên lửa ở châu Âu, các hiệp ước tên lửa, Bắc Cực, Syria, ảnh hưởng không gian hậu Xô Viết… Tất cả những vấn đề này khiến cho những bất đồng trong quan hệ Matxcơva và Washington khó có thể giải quyết “một sớm, một chiều”, đòi hỏi cần phải có thời gian và nhất là hai nước phải có niềm tin ở nhau.
Thăm dò
Thượng đỉnh giữa ông Bien và ông Putin hôm 16/6 được xem là dịp để Mỹ và Nga gác lại những bất đồng, mở ra cơ hội “cài đặt lại” quan hệ song phương. Tuy nhiên, chuyên gia Hoàng Việt - nhà nghiên cứu quốc tế đến từ Đại học Luật TP.HCM cho rằng, khó có thể kỳ vọng vào cuộc gặp lần này giữa lãnh đạo Mỹ và Nga.
“Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Biden và ông Putin, sự dè dặt giữa hai bên vẫn còn. Do đó, không quá kỳ vọng vào kết quả hội nghị lần này, khó có thể tạo đột biến. Đây chỉ là bước đi đầu tiên để cả Mỹ và Nga thăm dò chính sách lẫn nhau”, chuyên gia Hoàng Việt cho hay.
Đồng quan điểm, Đại tá Lê Thế Mẫu nhận định, cả Washington và Matxcơva đều không kỳ vọng quan hệ hai nước sẽ trở nên nồng ấm hơn sau cuộc gặp thượng đỉnh Biden - Putin, có chăng chỉ là tác động, góp phần làm “tan băng” trong quan hệ song phương.
“Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ, mục đích của ông Biden trong cuộc gặp với ông Putin đó là tạo ra ‘sự ổn định chiến lược có thể kiểm soát’ trong quan hệ Mỹ - Nga. Nội hàm ‘sự ổn định chiến lược có thể kiểm soát được’ theo quan niệm của Mỹ có nghĩa là Nga phải chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ kiểm soát, Nga phải trả lại Crimea cho Ukraine, Nga không được ủng hộ dân quân Miền Đông Ukraine... Yêu cầu này của Mỹ không khác gì tối hậu thư đối với Nga và đương nhiên ông Putin sẽ không bao giờ chấp nhận”, chuyên gia Lê Thế Mẫu phân tích.
Theo chuyên gia, điều mà cả Mỹ và Nga làm được trong tình thế hiện nay là nguyên thủ hai nước cùng ngồi lại để trình bày quan điểm chính thức về bản chất những mâu thuẫn và bất đồng khác xa về căn bản. Từ đó có thể tìm ra những lĩnh vực có thể hợp tác.
“Dù chủ trương của Washington kiềm chế Nga vẫn không thay đổi, nhưng Mỹ vẫn rất cần hợp tác với Nga để hóa giải những thách thức và nguy cơ có tính toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào, dù mạnh tới đâu, cũng không thể hóa giải được. Ví dụ, vấn đề chống biến đổi khí hậu, phi hạt nhân hóa Iran và Triều Tiên, cuộc chiến ở Afghanistan, vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân…”, Đại tá Lê Thế Mẫu nói.
Chuyên gia Hoàng Việt cũng cho rằng, việc hai bên nhận thấy cần phải hợp tác trong các vấn đề cùng chung lợi ích chính là lý do mà ông Biden và ông Putin cần phải ngồi lại với nhau. Điều này không chỉ có lợi đối với Mỹ hay Nga mà là diễn biến rất tích cực đối với quốc tế.
“Mặc dù quan hệ Mỹ - Nga vẫn ở trạng thái căng thẳng sau khi ông Biden lên nắm quyền song quan điểm của chính quyền Mỹ đối với các đối thủ là rất rõ ràng. Điều này được thể hiện qua cuộc gặp thượng đỉnh giữa quan chức Mỹ - Trung tại Alaska. Theo đó, Mỹ sẽ hợp tác trong các vấn đề cùng chung lợi ích, cạnh tranh khi cần cạnh tranh và đối kháng ở những vấn đề cần phải đối kháng.
Mặc dù chính quyền Biden duy trì quan hệ căng thẳng với Nga trên rất nhiều mặt trận trong thời gian qua, song ông Biden vẫn phải cần Nga trong một số trường hợp, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu. Mỹ và Nga vẫn sẵn sàng căng thẳng nhưng không muốn đẩy căng thẳng đó lên đến độ tột đỉnh, vẫn ‘để cửa’ cho việc tìm kiếm cơ hội hợp tác trong đó. Đó là lý do để thời giới hy vọng vào sự hợp tác giữa Nga và Mỹ, hướng đến một thế giới ổn định và hoà bình”, chuyên gia Hoàng Việt nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, cuộc gặp thượng đỉnh Biden - Putin tới đây, Mỹ và Nga sẽ tập trung vào các vấn đề mà hai bên cần hợp tác trong lĩnh vực kiểm soát vũ trang và an ninh, hóa giải các thách thức toàn cầu quan trọng nhất như nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên và Iran, chống đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
“Cuộc gặp thượng đỉnh Biden - Putin có rất nhiều vấn đề đặt ra, Một trong những vấn đề đó là liên quan đến sự kiện Belarus điều hướng máy bay. Tất cả các nước châu Âu đã lên tiếng trừng phạt Belarus mạnh mẽ. Nhiều ý kiến cho rằng, Tổng thống Belarus Lukashenko có mối quan hệ chặt chẽ với Nga, trong khi Matxcơva muốn giữ những nước Đông Âu cũ này nằm trong tầm ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây muốn thúc đẩy các quốc gia này đi theo hướng dân chủ hơn. Đây là những va chạm lẫn nhau, khó có thể hoá giải được”, ông Hoàng Việt cho hay.
Nguyên nhân của mọi căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Nga xuất phát từ việc Matxcơva tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát, được hình thành sau khi Liên Xô tan rã.
Đại tá Lê Thế Mẫu
Nhận định về triển vọng quan hệ Mỹ - Nga sau thượng đỉnh Biden - Putin, chuyên gia Hoàng Việt cho biết, thời gian qua đã có nhiều chỉ dấu báo hiệu chính sách của Mỹ đối với Nga dưới thời ông Biden sẽ cứng rắn hơn rất nhiều so với ông Trump. Trước khi đắc cử, ông Biden bày tỏ thái độ quyết liệt đối với Nga. Từ khi tiếp quản Nhà Trắng cho đến nay, chính sách chính quyền Biden đối với Nga cũng rất cứng rắn, coi Matxcơva là đối thủ quan trọng của Washington.
“Thời gian qua, chính sách cũng như trong một số hướng dẫn chiến lược an ninh Mỹ cũng đã chỉ ra Nga là đối thủ, và Washington phải cứng rắn với Matxcơva. Điều đó cũng có thể đưa ra nhận định rằng, Mỹ không dễ gì ‘xuống nước’ với Nga trong thời gian tới. Biểu hiện cụ thể là mới đây, Mỹ tuyên bố tiếp tục không tham gia Hiệp ước Bầu trở Mở. Trong khi đó, Nga cho rằng, đó là sai lầm lớn của Mỹ”, ông Hoàng Việt nhận định.
Trung Quốc hưởng lợi?
Nói về nhân tố Trung Quốc trong quan hệ Mỹ - Nga hiện nay, chuyên gia Hoàng Việt cho rằng quan hệ giữa Washington - Matxcơva luôn có bóng dáng của Trung Quốc. Washington coi Bắc Kinh là đối thủ lớn nhất của nước này. Do đó, Mỹ tìm mọi cách đưa Trung Quốc đi theo quỹ đạo mà trong đó luật pháp, trật tự thế giới được Mỹ và phương Tây thiết lập.
Trong khi đó, Trung Quốc muốn thay đổi quỹ đạo và trật tự này theo hướng có lợi cho mình. Cả Nga và Trung Quốc đều mong muốn ngăn chặn, kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ. Chính vì thế, căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Nga và Mỹ - Trung thời gian qua càng khiến cho quan hệ giữa Matxcơva và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn.
“Mặc dù là chính sách của Mỹ đối với Nga song vẫn có bóng dáng Trung Quốc trong đó. Bởi vì, một mặt, Mỹ cũng coi Nga là đối thủ như Trung Quốc. Mặt khác, Washington cũng phải tìm cách để ngăn chặn lại ảnh hưởng của các quốc gia đang muốn thách thức vị trí của Mỹ”, chuyên gia Hoàng Việt phân tích.
Theo chuyên gia, việc Nga - Trung tăng cường quan hệ hợp tác, ủng hộ nhau trong nỗ lực đối phó với Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Mối quan hệ, động tĩnh của 3 quốc gia này đều tác động đến Việt Nam do nước ta nằm trong vòng ảnh hưởng của Mỹ, Nga và Trung Quốc. Mỗi cường quốc đều có thế mạnh, đều tác động đến Việt Nam.
“Vai trò của Nga vẫn mạnh về quân sự, hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực này. Nga có truyền thống cung cấp vũ khí cho Việt Nam. Nhiều vũ khí của ta được mua từ Nga như tàu ngầm lớp Kilo, máy bay chiến đấu dòng MIG… Hơn nữa, Nga cũng là đối tác quan trọng của Việt Nam trong khai thác dầu khí ở Biển Đông, Nhiều mỏ dầu, Việt Nam cũng đã hợp tác cùng Nga để khai thác.
Trong khi đó, Trung Quốc lại là quốc gia có sự phát triển mạnh về kinh tế. Nước này hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng trên trường quốc tế. Nước này có nhiều điểm chung với Việt Nam, quốc gia láng giềng, chỉnh thể tương tự nhau, cũng như truyền thống văn hoá, lịch sử…
Còn đối với Mỹ, Việt Nam là quốc gia xuất siêu rất lớn, thặng dư thương mại của nước ta trong quan hệ với Mỹ trong năm 2020 là trên 100 tỷ USD. Điều đó cho thấy Việt Nam có lợi rất lớn khi có quan hệ kinh tế với Mỹ. Washington cũng đã giúp đỡ ta trong một số lĩnh vực như nâng cao năng lực cảnh sát biển. Mới đây, Mỹ tặng lại cho Việt Nam một số tàu tuần duyên lớp Hamilton”, chuyên gia Hoàng Việt phân tích.
Trước những tương tác từ mối quan hệ giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc đối với khu vực, Việt Nam cần khéo léo, tranh thủ sự ủng hộ, tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ với cả 3 cường quốc này.
Việt Nam có những lợi thế nhất định trong thực hiện chính sách cân bằng, tự chủ trong đối ngoại và hợp tác với các nước lớn. Theo đó, vị trí địa chính trị, vai trò năng động trong ASEAN cũng như vị thế ngày càng tăng ở khu vực và trên trường quốc tế… là yếu tố khiến cho cả Mỹ, Nga và Trung Quốc muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
“Việt Nam nằm ở vị trí quan trọng, tâm điểm của Đông Nam Á, có đường bờ biển kéo dài… Vì thế, các quốc gia khác muốn đẩy mạnh phát triển vào khu vực này sẽ chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển. Với Trung Quốc, nước này muốn tiến sâu vào Đông Nam Á thì Việt Nam sẽ là cửa ngõ.
Đối với Mỹ, nước này muốn phát triển ở khu vực này thì quân cảng của Việt Nam như cảng Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng, cung cấp hậu cần cho tàu chiến, tàu sân bay Mỹ. Nga cũng vậy, nước này cũng muốn trở lại ảnh hưởng vị thế của một cường quốc toàn cầu như Liên Xô trước đây”, chuyên gia Hoàng Việt nhấn mạnh.
Theo Đại tá Lê Thế Mẫu, Việt Nam là đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện với Nga. Việt Nam cũng là đối tác toàn diện với Mỹ. Do đó, nếu quan hệ Mỹ - Nga được cải thiện theo hướng tốt lên, sẽ có lợi cho Việt Nam. Còn nếu quan hệ này tiếp tục xấu hơn nữa, sẽ bất lợi không chỉ đối với Việt Nam và còn đối với cả thế giới.
“Trong trường hợp Mỹ quyết định áp đặt các biện pháp cấm vận đối với bất cứ quốc gia nào mua vũ khí của Nga đương nhiên có liên quan tới Việt Nam vì từ trước tới nay và cả trong tương lai, Nga vẫn là nguồn nhập khẩu vũ khí chủ yếu của Việt Nam. Do đó, Việt Nam hy vọng Mỹ - Nga tìm được tiếng nói chung trong việc xây dựng thế ổn định chiến lược, góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”, Đại tá Lê Thế Mẫu nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia Hoàng Việt nhận định, căng thẳng giữa Mỹ và Nga leo thang cũng sẽ ít nhiều tác động đến Việt Nam. Về thách thức, trong trường hợp Mỹ áp đặt lệnh cấm vận kinh tế với Nga, trong đó có một số tập đoàn Việt Nam làm việc với đối tác Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Về cơ hội, Mỹ và Nga đều là những cường quốc về quân sự, không có những tham vọng về lãnh thổ với Việt Nam, do đó nước ta cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác đối với hai nước này. Bên cạnh đó, Mỹ và Nga là những quốc gia đi đầu về công nghệ về khai thác mỏ trên biển, hợp tác với hai nước sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc khai thác dầu khí trên biển.
Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) đã hoạt động từ lâu. Gần đây, Việt Nam cũng đã mời các công ty từ Mỹ như ExxonMobil tham gia dự án khai thác dầu khí trên biển Việt Nam. Đấy là những biểu hiện cho thấy Việt Nam tiếp tục duy trì quan hệ hoà bình, thúc đẩy hợp tác với các nước, tránh rơi vào các cuộc đối đầu giữa các cường quốc”, ông Hoàng Việt cho hay.
Nói về vai trò của Nga đối với việc duy trì hòa bình và ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương, vị chuyên gia này cũng cho rằng, Việt Nam luôn mong chờ sự phát triển của Nga, vai trò đóng góp vào trật tự thế giới của Nga. Việt Nam hy vọng rằng, Nga và các cường quốc khác tăng cường phát triển kinh tế, tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như hướng đến việc phát triển, duy trì hòa bình thế giới.
Về lý thuyết, Chính phủ Nga có những lợi ích chính trị và kinh tế, tỏ rõ không ủng bên nào và trung lập trong vấn đề Biển Đông. Đã có nhiều người lo ngại quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ngày càng phát triển sẽ ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, trên thực tế có những mặt tích cực để Việt Nam tin tưởng sự ủng hộ của Nga đối với nước ta trong vấn đề Biển Đông vẫn rất lớn. Trong bối cảnh mối quan hệ đan xen, đánh giá tổng thể, khách quan thì Nga vẫn là quốc gia tạo ra các điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
“Thứ nhất, trong tất cả các hội thảo lớn, giới khoa học Nga đều ủng hộ Việt Nam và lên án những lập trường của phía Trung Quốc. Thứ hai, giới quân sự Nga cho rằng, khí tài quân sự như tàu ngầm Kilo mà Việt Nam nhận từ nước này hiện đại, có những cải tiến về kỹ thuật hơn so với những tàu mà Nga bàn giao cho Trung Quốc. Ngoài ra, khi Trung Quốc gây sức ép trong vấn đề khi khai thác dầu ở Biển Đông, công ty của nhiều quốc gia đã phải thoái lui song các công ty của Nga vẫn rất mạnh mẽ”, chuyên gia Hoàng Việt phân tích.
Bình luận