Trong cuộc phỏng vấn tại Paris hôm 21/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, danh sách các lĩnh vực mà Trung Quốc từ chối tiếp cận đầu tư đang được thu hẹp, cho rằng Bắc Kinh ngày càng mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư và “tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng đầu tư song phương”.
“Chúng tôi rất tự tin về việc ký kết thỏa thuận đầu tư với châu Âu”, ông Vương Nghị nói và cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán “đang tiến triển tốt”.
“Tại hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc vừa qua, các nhà lãnh đạo hai bên đồng ý rằng các cuộc đàm phán sẽ được tiếp tục diễn ra đến cuối năm nay, hướng đến một thỏa thuận chất lượng cao được ký kết vào năm 2020”, ông Vương Nghị nói.
Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng “tham gia các cuộc thảo luận về thỏa thuận thương mại tự do giữa Trung Quốc và EU”, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc và EU là đối tác kinh tế và thương mại lớn nhất của nhau.
Phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thê giới Mỹ và Trung Quốc kéo dài hơn 15 tháng qua, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bắc Kinh và Washington đang tích cực đàm phán theo các cấp độ để chuẩn bị cho việc kỳ kết thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu tiên giữa hai nước tại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Chile từ ngày 16-17/11.
Cũng trong cuộc phỏng vấn hôm 21/10, ông Vương Nghị cho hay, số lượng lớn các hợp đồng (từ 30 đến 40 hợp đồng) sẽ được ký kết giữa Trung Quốc và Pháp vào thời điểm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm Trung Quốc từ ngày 4-6/11.
Hai nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc “phải hợp tác để chuyển tải thông điệp chung về ủng hộ chủ nghĩa đa phương cũng như ủng hộ mạnh mẽ đối với tổ chức Liên Hợp Quốc trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy”, Ngoại trưởng Trung Quốc nói.
Ngoài ra, ông Vương Nghị cũng bày tỏ “Chúng ta cũng phải gửi thông điệp rằng hai nước chúng ta tôn trọng các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế và cùng nhau bảo vệ công lý và công bằng trên thế giới”.
Bình luận