Ngày 23/12, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phát đi thông báo kêu gọi người dân không dùng thuốc Tamiflu bừa bãi. Hiện thuốc Tamiflu 75mg tồn kho tại công ty phân phối là 1.720 viên, trong đó 1.000 viên vừa được điều động cho Bệnh viện Nhi Trung ương. Thời gian tời các lô hàng nhập thuốc này sẽ về Việt Nam.
Tuy nhiên từ thời điểm này cho đến khi thuốc về là hơn tuần nữa, nhiều người chịu cảnh giá thuốc "nhảy múa" chóng mặt. Theo ghi nhận của VTC News sáng 24/12 nhiều người đi tìm mua khắp nơi nhưng không có, các bệnh viện hết sạch. Một số hiệu thuốc còn hàng thì giá đẩy lên đến gần 200.000 đồng/viên, trong khi trước dây chỉ 45.000 đồng/viên.
Tại một cửa hàng trên phố Phủ Doãn, đối diện Bệnh viện Việt Đức, khi hỏi đến loại thuốc Tamiflu, nhân viên ở đây lập tức lấy "hàng" cho khách xem và "chào giá" là 1,7 triệu đồng/vỉ. Trong vai người chú đi mua thuốc cho cháu, khi PV thắc mắc vì sao giá thuốc "leo thang" như vậy, khi vài ngày trước mua với giá gần 500.000 đồng/vỉ, thì nhân viên ở cửa hàng cho biết đang mùa cúm A, các bệnh viện đều khan hiếm thuốc nên giá tất nhiên tăng cao.
"Nếu không mua sớm chắc đến tối không còn thuốc để mua đâu. Giá thuốc này tăng nhiều ngày nay rồi và hiệu thuốc nhà tôi bán rẻ hơn so với các cửa hàng bên cạnh, không tin thì anh hỏi thử xem", người này nói.
Tại một cửa hàng khác trên phố Phủ Doãn (Hoàn Kiếm, Hà Nội), giá thuốc Tamiflu ở mỗi cửa hàng lại khác nhau, nhưng hầu hết ở gần 2 triệu đồng/vỉ. Không chỉ các hiệu thuốc ở khu vực gần bệnh viện lớn, một hiệu thuốc trên phố Trần Xuân Soạn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng hét giá 1,9 triệu đồng/vỉ.
Có tiền cũng khó mua được Tamiflu
Hai ngày nay, chị Bùi Thanh có con hai tháng bị mắc cúm A, trong đơn bác sĩ kê thuốc Tamiflu nhưng tìm mua tại các cửa hàng gần nhà không có. Chị đành lên khắp các diễn đàn mạng xã hội tìm mua. "Con em hai tháng tuổi bị nhiễm virus cúm A, tình hình nguy hiểm nên bác sĩ chỉ định dùng Tamiflu. Hiện bệnh viện không có, tìm đến cửa hàng cũng chưa mua được", chị viết.
Cùng tình cảnh, có con mắc cúm gần một tuần nay, anh Thế Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội) hoang mang khi thấy giá giá thuốc Tamiflu nhảy vọt từng ngày. "Cách đây vài ngày, con tôi sốt cao liên tục nên tôi đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra thì bác sĩ chẩn đoán cháu bị mắc cúm A. Trong đơn thuốc bác sĩ kê để điều trị cúm cho cháu có thuốc Tamiflu.
Ngày đầu tiên tôi mua thuốc Tamiflu ở một hiệu thuốc gần nhà mua với giá 50.000 đồng/viên, tính ra là 500.000 đồng/vỉ (10 viên). Sau khi cháu dùng hết thuốc, tôi lại chạy ra cửa hàng đó hỏi mua thêm thì thực sự sốc khi giá thuốc nhảy lên gấp đôi, 100.000 đồng/viên và một vỉ là 1 triệu đồng. Họ nói số lượng thuốc còn rất ít nên giá của tất cả các cửa hàng đang tăng cao.
Lúc đó tôi không tin nên đến mấy hiệu thuốc ở mấy khu phố gần các bệnh viện lớn hỏi mua, tuy nhiên tôi còn giật mình hơn khi giá thuốc thời điểm đó là 150.000 đồng/viên và 1,5 triệu đồng/vỉ" - anh Dũng kể lại.
Giống như anh Dũng, chị Thanh Hà (Tây Hồ, Hà Nội)đi nhiều hiệu thuốc hỏi đều không có Tamiflu cho con uống. Được chỉ dẫn đến đường Đê La Thành là "chợ thuốc" ở Hà Nội, chị chấp nhận mua với giá gấp 5 lần.
Tình trang khan hiếm thuốc trị cúm Tamiflu diễn ra suốt hơn hai tuần qua. Cúm A vào mùa, người dân mua thuốc vô tội vạ khiến giá thuốc đẩy cao.
Chỉ dùng Tamiflu theo chỉ định của bác sĩ
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75 mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp đặc biệt hoặc biến chứng và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu người không bị cúm mà vẫn cho uống Tamiflu sẽ rất nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Tamiflu là thuốc có thành phần hóa học, người không cúm uống vào sẽ gặp những tác dụng phụ không mong muốn như: buồn nôn, buồn nôn, ảnh hưởng thần kinh.
“Nếu dùng nhiều lần sẽ xảy ra tình trạng virus kháng thuốc. Ví dụ một người dù không cúm vẫn uống Tamiflu có thể 2,3 năm nữa họ an toàn, nhưng tới năm thứ 4,5 virus cúm lại quay lại khiến người này bị nhiễm bệnh. Lúc đó, virus có khả năng kháng thuốc, uống Tamiflu cũng chẳng còn tác dụng gì”, bác sĩ Dũng cảnh báo.
Chung quan điểm, PGS. TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, trong điều trị cúm, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75 mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với trường hợp có các biến chứng như viêm phổi, và khi có chỉ định của bác sĩ, chứ không nên tự ý mua thuốc về chữa.
Các chuyên gia khuyến cáo, người bình thường, khỏe mạnh không mắc bệnh gì, khi có những triệu chứng nhẹ nghi do cúm như sốt, ho, sổ mũi, đau đầu, mỏi cơ… thì không nên quá lo lắng hay tự ý đi mua thuốc về uống, dễ xảy ra tình trạng tốn kém mà không mang lại tác dụng. Lúc này, người dân nên chủ yếu điều trị triệu chứng tại nhà là chủ yếu.
Trong trường hợp sốt quá cao, các dấu hiệu chuyển biến nặng hay nhóm người già, trẻ nhỏ, người có tiền sử mắc kèm một số bệnh lý có biểu hiện hiện cúm thì nên đến bệnh viện thăm khám, điều trị theo đơn của các bác sĩ.
Trong điều trị cúm mùa, quan trọng nhất vẫn là khâu phòng bệnh. Do đó, vào thời điểm giao mùa, người dân cần đảm bảo giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân tốt, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay chân với xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối…
Ngoài ra, nhóm người dễ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế, trẻ từ 6-8 tháng tuổi, người có bệnh mãn tính, người già trên 65 tuổi… nên đi tiêm phòng cúm để phòng ngừa.
Bình luận