Thông tin về thuế phí đánh lên xăng dầu được ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) chia sẻ trong buổi họp báo ngày 11/10, sau nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ thuế phí trên giá bán xăng dầu hiện quá cao, do tình trạng thuế chồng thuế...
Theo ông Thi, mỗi lít xăng qua cửa khẩu về Việt Nam phải chịu các khoản: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (3.000 đồng một lít), trích quỹ bình ổn giá (300 đồng một lít) và cuối cùng là thuế VAT 10% (tính trên giá sau khi đã cộng các khoản ở trên).
Với cơ cấu này, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế tính toán, tỷ trọng thuế trong giá mỗi lít xăng RON 92 hiện là 41,5%, thấp hơn so với các nước trong khu vực (Campuchia hiện là 56%, Hàn Quốc là 70%...).
So sánh với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng ôtô nhập khẩu, ông Thi khẳng định không có chuyện thuế chồng thuế trong tính giá xăng dầu. "Ôtô nhập khẩu về Việt Nam cũng vậy, chịu thuế nhập khẩu rồi đánh tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt, rồi mới tính giá trị gia tăng… Đây cũng là cách tính mà nhiều quốc gia áp dụng", vị này lý giải.
"Luật quy định thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo giá nhà nhập khẩu bán ra, gồm cả khoản phụ thu, khoản thu khác nếu có. Tính như vậy là để công bằng với doanh nghiệp trong nước và nhập khẩu", ông Thi nói thêm.
Bổ sung quan điểm của lãnh đạo Bộ Tài chính sau đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí khẳng định bộ phận chuyên viên tham mưu cho Bộ trưởng tính thuế "không thể sai": "Nếu tính nhầm thì các đồng chí này mất việc ngay", Thứ trưởng khẳng định
Trên thực tế, từ 1/7, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, dầu đã thay đổi theo quy định tại Nghị định 100 hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế sửa đổi.
Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này được tính trên mức giá ra (bao gồm cả các chi phí) của doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu, thay vì chỉ tính trên giá nhập khẩu như trước đó. Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường thì cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Điều này đồng nghĩa với việc thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) được tính theo giá đầu ra (tính trên tổng các loại thuế phí khác, gồm cả mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu), trong khi cách tính cũ là theo giá đầu vào của hàng hóa.
Tính toán của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho thấy, việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng sẽ khiến giá “vênh” với cách tính cũ gần 200 đồng một lít. Chính người tiêu dùng phải gánh số tiền này.
Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước vừa trải qua đợt điều chỉnh tăng lần thứ 4 liên tiếp với mức 170 đồng mỗi lít từ chiều 5/10. Hiện mỗi lít xăng RON 92 có giá bán lẻ phổ biến khoảng 16.400 đồng.
Bình luận