• Zalo

Thuế sữa cao hơn thuế bia rượu, giá xăng 'bất động' rồi tăng vọt

Kinh tếThứ Tư, 06/04/2016 07:21:00 +07:00Google News

Giá xăng tiếp tục tăng mạnh trong khi khoản tiền hàng ngàn tỷ đồng do chênh lệch thuế xăng dầu cần phải trả lại cho người dân đến nay vẫn "bặt vô âm tín"

Giá xăng tiếp tục tăng mạnh trong khi khoản tiền hàng ngàn tỷ đồng do chênh lệch thuế xăng dầu cần phải trả lại cho người dân đến nay vẫn "bặt vô âm tín", chưa kể Lọc dầu Dung Quất vẫn đang tiếp tục "cầu cứu" lên Chính phủ.

In tiền mệnh giá 100 đồng để kỷ niệm ngày thành lập ngân hàng Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập ngân hàng Việt Nam (6/5/1951- 6/5/2016), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phát hành đồng tiền lưu niệm nhằm đánh dấu bước phát triển vượt bậc của ngành ngân hàng trong thời kỳ đổi mới, đồng thời tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, lịch sử dân tộc và đồng tiền Việt Nam với đông đảo người dân và bạn bè quốc tế.
Tờ tiền lưu niệm mệnh giá 100 đồng sẽ được phát hành vào thời gian tới
Tờ tiền lưu niệm mệnh giá 100 đồng sẽ được phát hành vào thời gian tới 
Đồng tiền lưu niệm được thiết kế theo phong cách hiện đại, có tính biểu tượng, biểu trưng cao, chuyển tải những giá trị đặc sắc, thể hiện sự đổi mới, phát triển của ngành ngân hàng trong việc ứng dụng công nghệ mới.

Tiền có mệnh giá 100 đồng - đây là mệnh giá tượng trưng, không có giá trị thanh toán trong lưu thông, với chất liệu cotton chất lượng cao, có các kỹ thuật bảo an tinh vi như bóng chìm, dây bảo hiểm, mực đổi màu…

Mặt tờ tiền có các họa tiết như hình ảnh NHNN, Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng), sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Họa tiết trên trống đồng Ngọc Lũ, hình mây, rồng được sử dụng làm nền trên cả mặt trước và mặt sau đồng tiền lưu niệm.

Tuy nhiên, theo đại diện của NHNN, đồng tiền lưu niệm mới phát hành mệnh giá 100 đồng có chữ kí của Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ được tặng cho khách mời tại lễ kỉ niệm 65 năm của ngành NH và người dân bình thường sẽ không có cơ hội sở hữu đồng tiền này.

Thuế sữa cao hơn cả thuế bia rượu


Tại cuộc toạ đàm chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và sức khoẻ cộng đồng, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia và thuốc lá một mặt giúp tăng thu ngân sách, có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay khi ngân sách Nhà nước đang bội chi và đang trong tình trạng phải vay nợ mới để trả nợ cũ.

Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay lại đang tồn tại sự mất cân đối khi thuế đối với các sản phẩm gây hại đến người tiêu dùng như rượu bia, thuốc lá chưa đủ cao, trong khi các sản phẩm thiết yếu và phục vụ cho những đối tượng rất nhạy cảm như là sữa cho người già, trẻ em, người ốm lại bị đánh thuế cao ngất ngưởng.
Thuế
Thuế đối với sản phẩm sữa vẫn cao hơn nhiều so với thuế đối với các sản phẩm rượu bia, thuốc lá
“Việc tăng thuế với rượu bia và thuốc lá là cần thiết để tăng giá thành của các sản phẩm cần được hạn chế tiêu dùng này, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật liên quan. Tôi ủng hộ việc tăng thuế và tăng hơn nữa, Thuỵ Điển đánh thuế bia, rượu rất cao, muốn mua bia rượu phải xuất trình chứng minh thư”, ông Doanh nhấn mạnh.

Được biết cùng ngày, các tổ chức phi Chính phủ cũng đã gửi văn bản đến Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ trong việc điều chỉnh giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia và thuốc lá.

Thậm chí, còn kiến nghị tiếp tục nghiên cứu sớm tăng thuế thuốc lá, rượu bia để phù hợp với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới và Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới mà Việt Nam cam kết.

Với những thay đổi về giá tính thuế trong Nghị định 108, dự kiến giá bán lẻ của sản phẩm thuốc lá, rượu bia sẽ tăng thêm từ 2%-7%, điều này sẽ trực tiếp làm tăng thu ngân sách và có tác động theo hướng giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và rượu bia hiện nay.

Giá xăng lại tăng mạnh hơn 500 đồng/lít

Từ 17h hôm nay 5/4, giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 đã được tăng 518 đồng lên mức tối đa là 14.940 đồng/lít, xăng E5 cũng được điều chỉnh tăng 551 đồng lên mức giá bán tối đa 14.442 đồng/lít, các mặt hàng dầu giữ nguyên giá.

Theo Liên bộ Công Thương - Tài chính, trong 15 ngày qua, các mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới đã tăng giá mạnh, khiến giá cơ sở tăng lên mức 15.740 đồng một lít, cao hơn so với chu kỳ tính giá trước đó hơn 270 đồng.

Đây là lần tăng thứ hai liên tiếp của giá bán lẻ xăng dầu, sau lần điều chỉnh ngày 21/3/2016.

Tại lần điều chỉnh hồi giữa tháng 3, giá bán lẻ xăng RON 92 đã tăng 670 đồng và được doanh nghiệp bán ra ở mức phổ biến 14.420 đồng một lít, xăng E5 là 13.891 đồng, các mặt hàng dầu dao động trong khoảng 7.225-9.873 đồng một lít.

Như vậy sau hai lần điều chỉnh tăng gần nhất, giá xăng RON 92 đã tăng tổng cộng 1.221 đồng trên mỗi một lít xăng.
Trước đó, nhiều dự đoán được đưa ra là giá xăng có thể sẽ "bất động" trong lần điều chỉnh lần này. Một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cũng cho biết, mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở tương đương với mức xả quỹ Bình ổn giá nên doanh nghiệp đang lỗ không đáng kể. Nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính yêu cầu giữ nguyên mức xả quỹ giá xăng dầu có thể giữ nguyên, không điều chỉnh.

Đến 15h cùng ngày hôm nay, vốn là thời điểm mà các doanh nghiệp thường được yêu cầu bắt đầu điều chỉnh giá xăng thì vẫn chưa có động tĩnh gì từ phía Liên bộ. Sau đó, tới 17h, công văn yêu cầu điều chỉnh tăng giá xăng lần này mới đến được các doanh nghiệp đầu mối.

Theo thông tin trên báo Dân Việt, thời điểm điều chỉnh giá xăng lần này chậm hơn so với thường lệ nhiều khả năng có liên quan tới những bất cập trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua liên tiếp được dư luận phản ánh.

Đặc biệt là trong tình hình “lỗ hổng” chính sách về thuế xăng dầu đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng còn doanh nghiệp xăng dầu nghiễm nhiên thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.


Cũng chính vì những bất cập này mà Bộ Tài chính đang đề nghị cùng Bộ Công Thương “sửa gấp” Nghị định 83 về cơ chế kinh doanh xăng dầu. Trong đó, đáng lưu ý, nội dung về thuế nhập khẩu xăng dầu gây tranh cãi trong thời gian qua cũng được đề nghị sửa đổi.

Lọc dầu Dung Quất tiếp tục "kêu cứu"

Mới đây, PVN đã tiếp tục kêu cứu lên liên Bộ Công thương – Tài chính về tình trạng khó khăn của Lọc dầu Dung Quất. Đi kèm với đó là đề nghị được giảm mức thuế nhập khẩu của Naphtha, nguyên liệu đầu vào để sản xuất xăng xuống mức 0%.

Nguyên nhân được phía PVN đưa ra là do Dung Quất được thiết kế để chế biến dầu thô từ mỏ Bạch Hổ, nhưng tới hiện tại, sản lượng khai thác đã suy giảm cũng như chất lượng thay đổi nhiều so với thời điểm đầu. Chính sự thay đổi chất lượng này đã khiến Dung Quất không thể hoạt động hết công suất.

Tiêu biểu là công suất của một số phân xưởng chế biến xăng như CCR, ISOME đang thấp hơn công suất thiết kế do sản lượng Naphtha đã suy giảm so với thiết kế ban đầu của Dung Quất.

Tình trạng trên dẫn tới việc Dung Quất phải mua một số loại dầu thô của bên khác hoặc nhập khẩu để chế biến, qua đó ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của nhà máy này.

Hồi cuối tháng 2/2016, PVN cũng từng đề nghị liên Bộ Công thương – Tài chính về việc giảm thuế cho dầu diesel và xăng Jet A1 (dành cho máy bay) nhằm cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN – Hàn Quốc. Nếu không, Dung Quất có khả năng ngừng hoạt động do tình hình kinh doanh khó khăn.

Về cơ bản, Bộ Tài chính đã “bật đèn xanh” thông qua đề xuất trên và nhiều khả năng các ưu đãi mới được Dung Quất đòi hỏi cũng sẽ được chấp thuận.

Trên thực tế,  Dung Quất đang được hưởng rất nhiều ưu đãi, có thể kể đến như giữ lại giá trị ưu đãi tương đương thuế suất thuế nhập khẩu từ 3% - 7% đối với các sản phẩm xăng dầu. Nếu không có khoản tiền này, từ khi ra đời cho tới nay Dung Quất chưa bao giờ làm ăn có lãi.

Video: Những kiểu lách giá đối với sản phẩm sữa nhập ngoại ở Việt Nam


Tiệp Tiệp (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn