• Zalo

Thuê phà 100 tấn chở bài thi qua sông Hậu

Giáo dụcThứ Năm, 04/07/2013 10:38:00 +07:00Google News

Trước khi có cầu Cần Thơ, có năm cụm thi Cần Thơ phải thuê riêng một chuyến phà 100 tấn chở xe bài thi qua sông Hậu

Trước khi có cầu Cần Thơ, có năm cụm thi Cần Thơ phải thuê riêng một chuyến phà 100 tấn chở xe bài thi qua sông Hậu, khi xe này trên đường vận chuyển bài thi về TP.HCM bàn giao cho các trường ĐH.

Trưa 5/7/2005, khi tiếng trống tùng tùng báo hiệu kết thúc môn thi cuối cùng của đợt thi đại học thứ nhất, ông Phạm Phương Tâm (hiện là giám đốc trung tâm liên kết đào đại học Cần Thơ) và ông Phạm Huy Củng (hiện là phó giám đốc trung tâm liên kết đào tạo đại học Cần Thơ) nhận nhiệm vụ áp tải bài thi từ nơi này về TP.HCM bàn giao cho các trường theo phân công của hội đồng tuyển sinh.

Thuê phà 100 tấn chở bài thi
 Cán bộ trường đại học Cần Thơ bàn giao bài thi cho các trường đại học tại TP.HCM (trong khuôn viên cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT phía Nam). Nhân viên an ninh (đầu tiên bên trái) luôn có mặt trong lúc bàn giao bài thi.
“Không dừng lại với bất kỳ lý do gì”

Lúc này 9 cán bộ chịu trách nhiệm áp tải bài thi gồm ông Tâm, ông Củng, hai cán bộ Phòng an ninh - chính trị - nội bộ (PA83) công an TP Cần Thơ, hai bảo vệ và một tài xế có mặt tại kho chứa bài thi đặt ở một nơi không nhiều người biết trong trường.

“Phòng này có hai ổ khóa - TS Đỗ Văn Xê (phó hiệu trưởng trường đại học Cần Thơ) nói - Hai bộ phận này phải có mặt, đồng thời mở cửa mới được chứ một trong hai bên mở sẽ không được. Phòng này luôn được canh gác 24/24 giờ để đảm bảo an toàn tuyệt đối”.

Sau khi kiểm kê bài thi, phân loại, niêm phong theo từng trường, bài thi của thí sinh sẽ được bỏ vào trong các thùng sắt (có nơi dùng thùng nhôm) có kích thước bằng cái rương đựng quần áo.

Là “hàng bí mật”, chỉ những người tham gia áp tải mới được “đụng” vào thùng bài thi. Do vậy chín cán bộ áp tải sẽ cùng nhau khiêng vác, sắp xếp hơn 20 thùng bài thi lên xe chứ không được thuê khuân vác bên ngoài.

Xe chở bài thi nhiều năm nay của cụm thi Cần Thơ, theo TS Đỗ Văn Xê, là xe tốt nhất của trường do Chính phủ Nhật trao tặng.

Sắp xếp các thùng bài thi xong, mỗi cán bộ sẽ nhận một hộp cơm, một chai nước lọc để ăn uống trên xe chứ không được dừng lại trên đường. Do xe chạy suốt, ông Tâm kể có những câu chuyện vui như trước khi lên xe anh em nhắc nhở nhau đi vệ sinh, hỏi thăm ai có vấn đề gì về đường ruột không để chuẩn bị tinh thần.

“Các bên phải theo quy định: trực chỉ suốt trên đường, không dừng lại với bất kỳ lý do gì cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ” - TS Đỗ Văn Xê cho biết.

Xe lăn bánh, đói, mệt nhưng chưa ai mở hộp cơm ra vì lo lắng. Đến phà Cần Thơ, thí sinh thi xong trở về quê cùng phụ huynh, xe khách nối hàng cả cây số chờ đợi qua phà.

Ông Tâm lập tức gọi điện cho giám đốc bến phà thông báo là có xe ưu tiên chở bài thi đi. Rồi một xe cảnh sát giao thông được công an TP Cần Thơ điều đến làm nhiệm vụ mở đường cho xe qua phà và ưu tiên cho đi chuyến sớm nhất.
Hơn 10 năm tham gia áp tải bài thi về TP.HCM, ông Tâm nhớ lại khi chưa có cầu Cần Thơ, có năm để đảm bảo an toàn tuyệt đối, cụm thi Cần Thơ đã thuê riêng chuyến phà 100 tấn đưa xe chở bài thi vượt sông Hậu. Vì sao phải thuê phà riêng?

Ông Châu Tấn Lực, nguyên phó hiệu trưởng trường đại học Cần Thơ, nhớ lại: “Năm đó phà kẹt dữ dội lắm, chờ đợi dữ lắm mới qua sông được. Sợ trễ thời gian và để đảm bảo an toàn, trường thuê hẳn một chuyến phà riêng để chở xe bài thi qua sông”. Đề cập kinh phí thuê riêng chuyến phà chở xe bài thi, ông Lực bảo “không bao nhiêu vì bến phà hỗ trợ trường rất nhiều”.

“Sau này biện pháp an ninh nghiêm ngặt, ngăn ngừa được những tình huống xấu trên đường nên không thuê riêng phà nữa mà chỉ xin đi ưu tiên cho tiết kiệm chi phí” - ông Phạm Phương Tâm nói.

Sợ nhất: hư xe dọc đường
TS Đỗ Văn Xê cho biết trước kỳ thi, ban giám hiệu trường làm công văn gửi cho ban giám đốc bến phà Cần Thơ xin được ưu tiên cho các trường từ TP.HCM đến Cần Thơ làm công tác tuyển sinh và ưu tiên xe vận chuyển đề, bài thi.

Từ công văn này, ông Phan Văn Dự - nguyên giám đốc bến phà Cần Thơ cho hay bến phà sẽ lưu lại danh sách, biển số xe các trường làm nhiệm vụ tuyển sinh như chở cán bộ, vận chuyển đề thi, bài thi... để giải quyết ưu tiên qua phà trước khi được yêu cầu.

 

Các bên phải theo quy định: trực chỉ suốt trên đường, không dừng lại với bất kỳ lý do gì cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ

TS Đỗ Văn Xê
 
Qua được phà, nhưng trên đường đi đoạn từ Vĩnh Long đến Long An có những chỗ dằn, xóc văng thùng bài thi lên. Anh em phải giằng các thùng bài thi vì sợ rách phiếu niêm phong bàn giao các trường không nhận - ông Củng kể: "Sợ nhất là tai nạn giao thông trên đường đi vì đường hẹp, xe chạy liên tục. Dù chạy tốc độ an toàn nhưng vẫn cứ lo lắng vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chỉ một tai nạn nhỏ nhưng hậu quả sẽ khủng khiếp khi liên quan đến “sinh mạng” của hàng ngàn thí sinh".
Từng nhiều năm tham gia áp tải bài thi, thiếu tá Nguyễn Ngọc Hiền - cán bộ PA83 công an TP Cần Thơ cảm nhận: “Trách nhiệm của người áp tải rất nặng nề. Sợ nhất là hư xe dọc đường, những sự cố ngoài tầm kiểm soát như cháy nổ”.

Thiếu tá Hiền cũng cho biết có năm xe chở bài thi bị va quẹt nhẹ trên đường nhưng may mắn là không bị ảnh hưởng gì. Xe vẫn chạy được đến cơ quan Bộ GD-ĐT tại TP.HCM để bàn giao bài thi cho các trường đúng giờ.

Trung tá Phạm Vũ Toàn, phó trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ (PA83) công an TP Cần Thơ, cho biết trong kế hoạch bảo vệ kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hằng năm, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm cả việc áp tải, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đề thi, bài thi.

“Sau khi thí sinh thi xong, lực lượng an ninh sẽ đảm bảo an toàn cho bài thi từ điểm thi đến nơi lưu giữ và bàn giao về cho các trường - ông Toàn nói - Quá trình áp tải bài thi về TP.HCM, PA83 sẽ bố trí nhân viên an ninh đi theo giám sát trong suốt quá trình vận chuyển. Cán bộ an ninh áp tải có giấy ủy nhiệm áp tải hàng đặc biệt của ngành công an. Trường hợp có sự cố sẽ liên hệ với công an địa phương để nhờ hỗ trợ”.

Cũng theo ông Toàn, bài thi được vận chuyển luôn ở trong chế độ “bí mật quốc gia” nên không ai được bắt giữ, khám xét trong bất kỳ tình huống nào.
Nhưng có lẽ độc đáo nhất là chuyện ở cụm thi Quy Nhơn. Bài thi ở đây được chuyển ra Hà Nội bằng máy bay, hạng ghế thương gia, còn bài thi chuyển vào TP.HCM lại đi bằng xe... đông lạnh!

Theo Tuổi Trẻ

Bình luận
vtcnews.vn