• Zalo

Thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn quy hoạch ngành thép

Kinh tếThứ Năm, 22/12/2016 17:08:00 +07:00Google News

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh vừa chấp thuận kiến nghị của Vụ Công Nghiệp nặng về việc thuê công ty tư vấn nước ngoài để đánh giá dự thảo quy hoạch ngành thép Việt Nam.

Theo đó, người đứng đầu ngành công thương đã chấp thuận phê duyệt nhiệm vụ và đề cương đánh giá Dự thảo quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, căn cứ trên kiến nghị của Vụ Công Nghiệp nặng.

thep_ca_na

 Sản xuất thép ở Việt Nam hiện nay được cho là còn manh mún, chưa có tính hệ thống, chưa gắn liền với nhu cầu đa dạng của nền kinh tế.

Chủ trì là Vụ Công nghiệp nặng. Đơn vị thực hiện là công ty tư vấn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Trong đó, nhiệm vụ của đơn vị tư vấn nước ngoài là làm rõ xu hướng phát triển ngành thép thế giới và khu vực. Đồng thời, đánh giá khả năng cạnh tranh của ngành thép Việt Nam so với khu vực và trên thế giới cũng như việc lựa chọn nhà thầu, công nghệ và những đánh giá tác động về môi trường.

Theo lãnh đạo Bộ Công thương, việc thuê một công ty tư vấn nước ngoài, độc lập cũng là cách để đánh giá, nhìn nhận khách quan, cầu thị trong việc xây dựng quy hoạch của ngành.

“Không đánh đổi môi trường lấy dự án. Quy chế giám sát tới đây sẽ rất chặt chẽ. Không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước, mà các tổ chức xã hội, truyền thông, dư luận, người dân cũng sẽ cùng tham gia giám sát các dự án này” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Hiện, dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 mới đi được 1/5 quãng đường.

Hồi giữa tháng 11, Bộ Công thương tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị có liên quan về dự thảo lần một. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp từ các bộ ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân, hiệp hội, ngày 13/12, cơ quan này ban hành dự thảo lần hai và tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên và các địa phương trên phạm vi toàn quốc.

So với dự thảo lần thứ nhất, dự thảo lần hai có sự thay đổi đáng kể, đã loại bỏ 12 dự án có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, chưa triển khai hoặc do địa phương đề xuất.

Theo kế hoạch, ngay trong tháng 12, Bộ Công thương sẽ tổ chức “trưng cầu” ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, môi trường, nước, khí hậu, du lịch… Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, cơ quan này sẽ hoàn thiện dự thảo lần ba để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Trong những năm qua, ngành thép Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng, năng lực sản xuất ngày càng tăng, sử dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu về môi trường. Năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước tiêu thụ nhiều thép nhất trong các nước Đông Nam Á. Hệ thống sản xuất và phân phối cơ bản đáp ứng được nhu cầu thép xây dựng cả nước (khoảng 6 triệu tấn thép xây dựng trong tổng cầu khoảng 20 triệu tấn thép). Một số doanh nghiệp trong nước đã vươn lên trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, đầu tư có chiều sâu cơ sở sản xuất phôi thép… tạo ra cơ sở quan trọng để ngành thép Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển ngành thép hiện nay còn nhiều hạn chế cần tập trung giải quyết như: Chất lượng quy hoạch chưa cao, các dự án còn manh mún, chưa có tính hệ thống, chưa gắn liền với nhu cầu đa dạng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng kế hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch chưa được triển khai quyết liệt, chưa cân đối được các nguồn lực, dẫn đến việc thực hiện quy hoạch không hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.

Hiện ngành thép Việt Nam mới chỉ sản xuất được phôi thép xây dựng với công suất 6 triệu tấn là nguyên liệu đầu vào cho ngành cán thép xây dựng. Trong khi, năm 2015, cả nước thiếu hụt tới 15 triệu tấn thép thô. Chính vì thế, nhập siêu thép của Việt Nam đã lên tới 6-7 tỷ USD, ảnh hưởng đến cán cân thương mại và sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn