Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt - từ 35% khiến ngay cả những chiếc xe mang quốc tịch Việt Nam như VinFast với ưu đãi “không chi phí khấu hao, không chi phí tài chính vào giá thành sản phẩm và không lấy lãi” vẫn bị đội giá lên nhiều so với giá xuất xưởng.
Mua ô tô với mức giá Mỹ là điều... “không tưởng”
Làng xe Việt tuần qua được phiên sôi nổi khi thương hiệu ô tô VinFast chính thức giới thiệu các mẫu xe đầu tiên và đưa ra biểu giá cho 3 sản phẩm ô tô mang quốc tịch Việt Nam. Bên cạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của thị trường khi nhà sản xuất công bố: trong giai đoạn đầu, giá bán các dòng xe VinFast Lux (sedan và SUV) và VinFast Fadil sẽ bằng đúng giá thành sản phẩm cộng với chi phí bán hàng; thì biểu giá của VinFast vẫn bị nhận một số ý kiến chê... đắt nếu so với nguyên mẫu của Fadil là Opel Karl Rocks nếu bán tại châu Âu hoặc Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính đều cho rằng, để mua ô tô với “mức giá Mỹ” tại Việt Nam là điều không thể, bởi phương tiện giao thông này đang phải “cõng” nhiều loại thuế phí, trong đó có thuế thu nhập đặc biệt khiến giá xe đều bị đẩy lên rất nhiều.
Cụ thể, với chiếc VinFast Fadil có động cơ 1.4 lít, mức thuế tiêu thụ đặc biệt nộp cho nhà nước là khoảng 87 triệu đồng. Nếu tính trên mức giá ưu đãi đặc biệt mà hãng này đang bán ra (336 triệu đồng), thì số tiền sau khi trừ thuế là 249 triệu đồng – và hãng sẽ phải bù thêm để trang trải cho phần chi phí sản xuất ra chiếc xe. Bên cạnh đó, giả sử nếu VinFast Fadil được bán ở Mỹ với giá 13.000 USD (khoảng 300 triệu đồng), và Mỹ áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 35% cho Fadil như ở Việt Nam, thì giá chiếc xe sẽ phải là khoảng 410 triệu đồng - chứ không phải 370 triệu (đã bao gồm VAT) như ở Việt Nam. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với hai chiếc xe khác của VinFast là Lux A2.0 và Lux SA2.0.
Theo các chuyên gia, nếu so sánh giá của xe hơi bán tại Việt Nam nói chung và xe VinFast nói riêng với dòng xe tương tự ở các nước, cần so sánh mức giá không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thuế tiêu thụ đặc biệt được tính từ 35%-150% tuỳ theo dung tích động cơ. Số tiền này sẽ nộp ngân sách Nhà nước, hãng xe chỉ là trung gian thu hộ. Và dù là VinFast hay bất cứ hãng xe nào cũng phải chấp nhận tính số tiền này vào giá bán. Do đó, xe xuất xưởng ở Mỹ nhập về Việt Nam sẽ có giá bán vượt xa giá bán chính nó tại thị trường Mỹ.
Thuế chồng phí “thổi” giá ô tô ở Việt Nam
Cách tính thuế chồng thuế cùng những tác động của 10 loại phí khiến ô tô là một trong những mặt hàng đang chịu nhiều loại thuế, phí nhất tại Việt Nam; giá xe cao hơn hầu hết các nước trong khu vực và gấp 3 lần tại Mỹ.
Một chiếc ô tô ở Việt Nam phải chịu ít nhất 3 loại thuế lớn theo thứ tự là thuế nhập khẩu (nếu ngoài ASEAN); thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Nguyên tắc đánh thuế ô tô là thuế chồng thuế, tức thuế mới sẽ tính dựa trên giá xe đã cộng các thuế cũ.
Bên cạnh đó, để có thể lưu thông trên đường, chủ sở hữu xe cần hoàn thành hơn 10 loại phí khác nữa. Cụ thể phí trước bạ 10%-15% tùy thuộc vào tỉnh, TP nơi đang sống; phí cấp biển số; phí đăng kiểm; phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật; phí sử dụng đường bộ.
Ngoài ra còn có các loại phí như phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí bảo hiểm vật chất (không bắt buộc), phí thử nghiệm khí thải, phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng...
“Từ giá xuất xưởng đến giá lăn bánh có quá nhiều thuế chồng phí, khiến ô tô tại Việt Nam khó mà rẻ được”, một chuyên gia tài chính cho biết.
Đây là lí do vì sao cùng một loại xe giá ở Việt Nam lại cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần giá xe ở nhiều nước khác. Ví dụ ở Mỹ không đánh thuế thu nhập đặc biệt, thuế nhập khẩu nguyên chiếc chỉ khoảng 6% và tổng các loại thuế đánh vào ô tô sẽ ở dưới mức 9.000 đô la. Ở Thái Lan và Indonesia có chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe hơi nhỏ nên đánh thuế tiêu thụ thấp, chỉ ở mức 3% -10%.
Bình luận