• Zalo

Thực phẩm đẹp nhờ nhuộm hóa chất, những thông tin rợn người

Thị trườngThứ Sáu, 25/03/2016 11:48:00 +07:00Google News

Người tiêu dùng càng trở nên hoang mang hơn bao giờ khi những loại thực phẩm khoái khẩu nhất giờ đây đều "ngon" nhờ hóa chất, "đẹp" nhờ phẩm màu.

(VTC News) - Từ vụ ruốc "nhuộm" phẩm đỏ mới xuất hiện gần đây, người tiêu dùng trở nên hoang mang hơn bao giờ khi những loại thực phẩm khoái khẩu nhất giờ đây đều "ngon" nhờ hóa chất, "đẹp" nhờ phẩm màu.

Sầu riêng nhúng thuốc nhuộm vàng
Trên mạng xã hội đã từng xuất hiện cảnh tượng được cho là những quả sầu riêng được ngâm nhúng ở trong các thùng hóa chất màu vàng, với lời chú thích rằng hiện nay các công ty xuất khẩu trái cây của Thái Lan đều đang sử dụng một loại hóa chất độc hại để "nhuộm" chín các loại quả như sầu riêng, mít, chuối, xoài, táo...
Theo như thông tin cảnh báo, những loại quả này sau khi thu hoạch dù còn xanh nhưng chỉ cần nhúng qua một loại dung dịch màu vàng thì toàn bộ cơm (ruột) bên trong và vỏ bên ngoài đều chuyển sang màu vàng.
Hình ảnh sầu riêng được nhúng vào hóa chất màu vàng để tạo màu
Loại chất này còn có khả năng đánh lừa vị giác và tạo cảm giác ngon miệng cho người sử dụng, đồng thời nó có tác hại rất lớn tới sức khỏe, gây ung thư, ảnh hưởng về thần kinh...
Theo thông tin tìm hiểu được, do cung không kịp phục vụ cầu nên sẽ chỉ có khoảng 50% số lượng sầu riêng là đã chín cây, một nửa còn lại là quả non... sẽ được gửi đến "nhà máy" để chế biến.
Các thương gia sẽ dùng một loại thuốc màu vàng, pha vào trong một thùng nhựa và ngâm sầu riêng trong đó một ngày. Do thịt quả chưa chín có màu trắng nên khi được ngâm sẽ hấp thu toàn bộ màu vàng của loại thuốc này, từ đó trong không khác là mấy so với thịt của quả chín cây.
Sau khi vớt ra, người ta sẽ đem những quả sầu riêng này đi phơi khô, sau đó bôi một loại "kem" màu cam lên cuống của nó và cuối cùng là gắn mác, đóng thùng xuất khẩu.
Vào năm 2013, 8 người đàn ông Thái Lan đã bị bắt tại một công ty chuyên thu mua sầu riêng ở Lai Cậy, Tiền Giang, Việt Nam do sử dụng hóa chất để kích quả chín nhanh.
Theo điều tra, chủ cơ sở này là một doanh nhân Trung Quốc, chuyên thuê nhân công là người Thái và sử dụng chất hóa học được lấy từ Trung Quốc để ngâm tẩm sầu riêng. Sau đó, những quả này sẽ được xuất sang Trung Quốc, Indonesia và nhập ngược lại vào nội địa để tiêu thụ.

Clip: Kinh hoàng thực phẩm chay lúc nhúc giòi



Đặc sản tôm khô bóc nõn đẹp nhờ thuốc nhuộm
Trên thị trường, giá bán mỗi kg tôm khô bóc nõn có thể lên tới tiền triệu nếu là loại tôm khô đặc biệt, có chất lượng ngon nhất. Như loại tôm khô đất Cà Mau bóc nõn được bán tại các chợ trên địa bàn TP HCM, mỗi kg có giá là 1,1 triệu đồng.
Những loại tôm khô bóc nõn khác như tôm đất móng chim, tôm bạc…được bán với giá thấp hơn cũng phải vào khoảng 750.000 - 900.000đ/kg.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của một số tiểu thương bán thực phẩm khô, giá các loại tôm khô chênh lệch nhau nhiều như vậy không hẳn là chất lượng tôm, mà là phần nhiều là do mẫu mã, hình thức sản phẩm. 
Người này cho biết, khách hàng thường chọn những con tôm to, không gãy, màu đẹp để biếu hoặc làm quà. Vì thế, những loại tôm to có màu đỏ được bán nhiều hơn cả. Còn những loại tôm trắng thì tâm lý người ua cho đó là loại tôm kém chất lượng nên không mua.
Do đó, có khá nhiều loại tôm được nhuộm màu để giả danh tôm đất Cà Mau xuất hiện trên thị trường, thường là các loại tôm to giá mềm có màu gạch đỏ.
Những loại tôm khô bóc nõn mang mác đặc sản Cà Mau có màu đỏ bất thường là đã được nhuộm màu
Những loại tôm khô bóc nõn mang mác đặc sản Cà Mau có màu đỏ bất thường là đã được nhuộm màu 
Theo kinh nghiệm của những người tiêu dùng thông thái, các loại tôm khô nhuộm màu thường chỉ cần ngâm rửa là sẽ phai màu đỏ ra nước, không như tôm nguyên chất, nếu có nước chỉ  ra màu trắng ngà.
Theo tiết lộ của các tiểu thương, việc tạo màu cho tôm thường được các thương lái thực hiện còn đâu họ chỉ là người nhập về bán. Việc phân biệt tôm có chất tạo màu không quá khó khăn cho người bán nhưng với người tiêu dùng thì rất khó phân biệt.
Do vậy đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra về tôm khô bóc nõn đất Cà Mau, nếu người tiêu dùng muốn mua ăn thì không nên mua những loại tôm có màu đỏ gạch bất thường, vì chắc chắn đó là tôm đã được nhuộm màu.
Chim quay vàng giòn nhờ "bột tạo màu"
Tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm – Hà Nội) - một địa chỉ cung cấp thịt chim non lớn nhất nhì của thành phố, người ta có thể dễ dàng "mục sở thị" cách tẩm ướp chất tạo màu thực phẩm để cho "ra lò" những mẻ thịt chim màu vàng bóng cực kỳ bắt mắt.
Những khu chế biến thịt chim quay nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, nơi ẩm thấp, tường mọc rong rêu và bám khói đen sì. Các dụng cụ nồi, niêu, xoong, chảo, chậu… được bày chềnh ềnh dưới lối đi. Dụng cụ nào cũng cáu đen vì lâu ngày không được kỳ cọ. 
Một người làm trong khu chế biến này còn tiết lộ rằng: "Muốn chim non có màu đẹp, bắt mắt lại có mùi thơm thì phải dùng đến “bột tạo màu”.
Thứ bột “phù phép” chim non thành “chim màu” này được cho biết tên là bột hoa hiên, giá siêu rẻ chỉ 6.000 đồng/gói. Sau khi mua bột về, chủ hộ kinh doanh có thể pha ra thành 2 can, mỗi can đổ đầy 5 lít nước cùng với bột tạo màu. 
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, loại bột này không có nhãn mác hay bao bì sản phẩm, cũng như không có nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt, nó rất lâu bay màu. Một lái buôn sành sỏi lý giải: “Bột này mua hiếm lắm, nếu không quen lấy tại đầu mối thì không thể mua được!”.
"Làm màu" thịt heo, thịt trâu thành thịt bò
Ở khu phố Phú Mỹ, thị trấn Phú Long đã từng một phen rúng động khi cơ quan chức năng phát hiện ra một cơ sở chế biến thị heo đang đang sơ chế và lưu trữ hơn 200kg thịt heo có da chuyển sang màu vàng. 
Những miếng thịt tái nhợt, có mùi hôi, trên bề mặt da có dịch nhớt, nằm ngổn ngang dưới nền nhà dơ bẩn và cả trong tủ đông. 
Chủ cơ sở khai nhận đã mua heo ở địa phương về giết mổ, sau đó dùng đèn khò làm cho da ngả màu vàng để giả làm thịt heo rừng, sau đó phân phối cho nhiều quán nhậu trong huyện với giá cao. 
Đáng chú ý, thịt heo hôi tại cơ sở ông Tuấn còn được chuyển lên các xã vùng cao như: Đa Mi, Đông Giang, Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ… của huyện Hàm Thuận Bắc.
Thịt bò được "làm" từ thịt lợn được nhuộm màu
Chưa hết, trước đó cũng từng có trường hợp một cơ sở chế biến "làm màu" thịt trâu thành thịt bò để bán cho người tiêu dùng. 
Những miếng thịt trâu để tủ lạnh sẽ được rã đông rồi đem nhúng vào hóa chất tẩy màu để có được màu giống như thịt bò.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã lập biên bản và thu giữ gần 3 tấn thịt nguyên liệu và thành phẩm gồm 74 thùng thịt trâu nguyên liệu với trọng lượng 1,3 tấn đang rã đông, 1 tấn thịt đã rã đông và tẩm ướp thành thịt bò, gần 500kg thịt đã rã đông chuẩn bị tẩm ướp hóa chất và 2 bao hóa chất bột màu trắng nặng gần 50kg.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, thịt trâu được ngâm hóa chất cho "trắng" để "nhái" thành thịt bò sẽ được đem đi tiêu thụ tại các chợ trong thành phố, sau đó bán cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP.HCM.
Ngâm thuốc nhuộm để tạo màu vàng cho măng
Tại TP HCM, các cơ quan chức năng quản lý thị trường cũng từng phát hiện gần 10 tấn măng tươi, trong đó có 300 kg măng đang được ngâm trong các thùng hóa chất. 
Chủ của cơ sở "nhuộm măng" này cho biết, măng tươi được thu mua về sau đó luộc chín, rồi cho vào các thùng phuy ngâm dung dịch nước hòa với hóa chất. Nếu muốn cho măng có màu vàng tươi thì chỉ cần cho chất tạo màu hòa lẫn với nước để ngâm trong vòng 5 tiếng đồng hồ. 
Còn muốn măng có màu trắng sáng thì cho vào các thùng hóa chất tẩy trắng. Sau đó toàn bộ số măng đã "ngấm" đủ thuốc nhuộm, thuốc tẩy này sẽ được mang đi bỏ mối cho các tiểu thương tại các chợ trên địa bàn TP.HCM. 
Chất tạo màu và tẩy trắng được cơ sở này tiết lộ có giá 26.000 đồng/kg, bán nhiều ở chợ Kim Biên. Với một muỗng canh hóa chất tạo màu vàng hòa vào nước ngâm khoảng 1 tấn măng tươi, 1 muỗng hóa chất tẩy trắng ngâm được 200 kg măng.
Theo một thành viên đoàn kiểm tra cho biết thủ thuật của các lò này là chế biến (tẩy trắng, nhuộm vàng măng) bao nhiêu bán bấy nhiêu. Trong mỗi kho đều chứa hàng tấn, thậm chí cả chục tấn măng tươi đang châm muối, tùy theo lượng khách mua, tùy lượng hàng bán ra mỗi ngày các lò này cho tẩy trắng, nhuộm vàng lượng hàng đủ bán. Số còn lại vẫn là măng… sạch.
Theo PC49, chất tẩy trắng và tạo màu mà các cơ sở chế biến măng đang dùng là những loại hóa chất dùng trong dệt nhuộm công nghiệp. Đây là những hóa chất bị cấm dùng trong việc chế biến thực phẩm vì rất nguy hiểm cho người dùng.
Gà nhúng thuốc nhuộm vải, ngâm "bột sắt"
Gà cũng là một loại thực phẩm rất dễ bị "nhuộm" với hóa chất để có được da mỡ màu vàng tươi ngon, bắt mắt người tiêu dùng.
Tại TP HCM, cũng đã nhiều lần các đội kiểm tra liên ngành thị xã phát hiện ra có nhiều cơ sở dùng hóa chất pha với nước có màu vàng để nhúng gà cho đẹp mã.
Qua lấy mẫu xét nghiệm, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 xác định, chất nhuộm gà màu vàng là thuốc nhuộm thường dùng trong ngành dệt may.
Ngoài ra còn có một loại chất nhuộm mà dân buôn gà hay truyền tai nhau, đó là “bột sắt”.
Theo đó, trước khi mang đi bán, gà làm sẵn được nhuộm qua một loại màu là “bột sắt”. Loại bột này chỉ cần đổ vào nửa thìa cà phê là có thể nhuộm vàng được trên 100 con gà. 
Khi nhuộm xong thì nước màu sẽ ngấm sâu vào da gà, có rửa cũng không bị phai nên người tiêu dùng gần như không thể phát hiện.
Qua tìm hiểu được biết, “bột sắt” là loại màu công nghiệp chứa chất 2,4 diaminoazobenzene hydrochloride. Chất này được dùng trong công nghiệp sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, sản xuất cao su (chất chống ôxy hóa cao su), mực in... và tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm.
Chất bột màu này là dạng độc tố, khi tích lũy trong cơ thể người có khả năng gây tổn hại cho gan và thận, gây ung thư da, ung thư bàng quang.
Loại này được dùng chủ yếu trong công nghiệp nhuộm, giá nhập từ Trung Quốc khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg, hoá chất này gây độc hại cho gan và thận, có thể gây chết người ở liều lượng cao. 
Ngoài ra, nhiều người còn dùng acid orange – một loại phẩm màu công nghiệp được dùng trong sản xuất nhang và nhuộm vải, để nhuộm cho da gà, măng… có màu vàng tươi hấp dẫn. Loại phẩm này có giá từ 30.000 – 40.000 đồng/kg trong khi phẩm màu vàng dùng cho thực phẩm giá cao hơn rất nhiều lần.

Ruốc nhuộm đỏ bằng chất nhuộm vải công nghiệp

Ngày 23/3, trên mạng xã hội Facebook của tài khoản có tên My Lê chia sẻ một số hình ảnh ngư dân ở gành Đỏ (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đang nhuộm màu cho các giỏ ruốc (con tép biển hay còn gọi là con moi) ngay trên bãi biển. Những hình ảnh trên nhanh chóng được lan truyền rất nhanh, khiến cư dân mạng xôn xao.

Clip: Hãi hùng thực phẩm chức năng Trung Quốc ‘ăn mòn’ miếng xốp


Theo tìm hiểu thực hư sự việc của PV, người dân nơi đây dùng một loại bột màu đỏ hòa với nước để tẩm ruốc thành màu đỏ tươi rất đẹp là chuyện có thật và đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Người dân nơi đây cũng cho biết thêm, tùy theo công ty yêu cầu mà dân dùng phẩm màu đỏ pha với nước biển rồi đổ vào những giỏ ruốc. Sau khi được tẩm loại phẩm màu đỏ này, đem phơi khô ruốc có màu rất đẹp, bán giá cao”.

Những gói phẩm màu để nhuộm có giá chỉ 17.000 đồng/lạng, quy trình nhuộm cũng rất dễ, chỉ cần hòa phẩm màu vào thùng nước biển rồi nhúng ruốc vào, sau đó phơi khô, ruốc lên màu đỏ rất đẹp.

Theo lời một người dân ở đây nói: "Loại phẩm màu này ăn từ xưa tới giờ có ai bệnh gì đâu? Nhà tôi cũng ăn ruốc nhuộm, không có hại gì đâu”.

Để minh chứng, người này còn lấy một lọ nhựa chứa phẩm màu đỏ đã pha nước nhưng đã khô, chỉ còn sền sệt, sờ tay dính lại màu đỏ như màu sơn.

Trong khi đó một chủ quán bán ruốc và nước mắm trên QL1A, ở khu vực gành Đỏ cho biết: “Làm gì có ruốc màu đỏ vậy. Đó là phẩm màu dùng sơn nhà, họ mua tại các cửa hàng vật liệu xây dựng. Ăn độc lắm, mua nó về ngâm nước là ra màu đỏ ngay”.

Hiện nay, các chuyên gia nghiên cứu thực phẩm đang dự đoán hoá chất màu đỏ mà người dân Phú Yên nhuộm ruốc là chất Rhodamine B - một loại chất dùng trong công nghiệp nhuộm vải thường bền màu, giá rất rẻ chỉ dưới 20.000 đồng/100g nên người dân thường dùng để sử dụng nhuộm hạt dưa, tương ớt, vịt gà quay...

Khi người dân ăn phải nếu gan kém có thể gây dị ứng tức thì, nổi mẩn da, xung huyết. Còn tích tụ lâu ngày có thể gây tổn thương gan, thậm và làm nguy cơ ung thư tăng cao.
Tiệp Tiệp(tổng hợp)


Bình luận
vtcnews.vn