• Zalo

Thực phẩm biến đổi gen có ảnh hưởng tới sức khoẻ?

Sức khỏeThứ Ba, 03/02/2015 09:38:00 +07:00Google News

Hiện nay thực phẩm biến đổi gen ngày càng trở nên phổ biến tuy nhiên nhiều người còn e dè, lo ngại về các loại thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen.

(VTC News)- Thực phẩm biến đổi gen ngày càng trở nên phổ biến tuy nhiên nhiều người còn e dè liệu nó có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không?


Thực phẩm biến đổi gen là gì?

Cụm từ “Thực phẩm biến đổi gen” được dùng để chỉ các loại thực phẩm có thành phần từ cây trồng chuyển gen - hay còn gọi là cây trồng Genetically Modified (GM), cây trồng biến đổi gen (CNSH).

Nhờ công nghệ sinh học mà việc biến đổi gen nhằm tạo ra những loại cây trồng tăng khả năng chống cỏ dại, chống sâu bệnh hay tăng hàm lượng dưỡng chất.

Một số thực phẩm biến đổi gen phổ biến như là: gạo vàng - loại gạo có beta-carotene (tiền tố vitamin A), cà chua - nhằm bảo quản được lâu hơn, ngô – năng suất cao và không bị sâu bệnh ăn hại,…

Cà chua biến đổi gen không bị thối nhanh như các loại cà chua thông thường (nguồn: gmo-awareness.com) 

Theo GS.TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam: Hiện nay, trên thế giới chỉ có 11 nước đã tạo ra cây trồng biến đổi gen, Việt Nam còn cách xa quy trình này, bởi quá trình nghiên cứu hầu như mới chỉ dừng trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Việt Nam cũng đã ở hành lang pháp lý, du nhập công nghệ thực phẩm biến đổi gen từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong hơn 10 năm qua, việc xây dựng quy chế chính sách đã được Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Bộ Công Thương… xây dựng cơ sở văn bản cho 7 giống ngô biến đổi gen, trong thời gian tới, bắt đầu đưa vào sản xuất.


Thực phẩm biến đổi gen có thực sự an toàn?

Theo kết quả nghiên cứu của hàng loạt các tổ chức quốc tế, thực phẩm được sản xuất bởi công nghệ sinh học hay còn gọi là thực phẩm biến đổi gen đang có sẵn trên thị trường và an toàn cho con người. 

Các chuyên gia cho rằng các thực phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen (GMO) chắc chắn được đánh giá là an toàn nếu không chúng sẽ không thể được công nhận và đăng ký bởi các cơ quan quốc tế.

Giống như bất kỳ thực phẩm truyền thống nào khác, thực phẩm biến đổi gen (GM) cũng chứa nhiều chất khác nhau với hàm lượng khác nhau. Thông thường người ta hay tin vào các thực phẩm truyền thống vốn đã được sử dụng bao đời nay.

Tuy nhiên, sự tin tưởng này chỉ đơn giản dựa trên kinh nghiệm chứ chưa hẳn đã có cơ sở khoa học. Trong khi đó, đối với thực phẩm GM, việc chứng minh tính an toàn là một yêu cầu bắt buộc.

WHO và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã đánh giá bằng chứng về sự an toàn và lợi ích của thực phẩm và họ ủng hộ việc sử dụng có trách nghiệm đối với những tác động tích cực hiện nay và tương lai trong việc giải quyết mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng và bền vững.

Theo cuộc điều tra của Quỹ và Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế (IFIC) năm 2012, 69% người tiêu dùng của Hoa Kỳ tin tưởng vào sự an toàn của nguồn cung ứng thực phẩm ở quốc gia này.

Tuy nhiên để thực phẩm biến đổi gen đi vào đời sống người Việt cần có một báo cáo nghiên cứu nhằm đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn nào có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người được thực hiện toàn diện trên 6 yếu tố.

Bao gồm ảnh hưởng sức khỏe một cách trực tiếp (độc tính); khuynh hướng gây phản ứng dị ứng (dị ứng); các thành phần cụ thể chứa chất dinh dưỡng hoặc chất độc hại; sự ổn định của gen chèn; sự ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng liên quan đến biến đổi gen và bất kỳ tác dụng không mong muốn từ kết quả củasự chèn gen.

Trong các cuộc thảo luận lý thuyết với nhiều khía cạnh khác nhau, có ba vấn đề chính được tranh luận nhiều nhất là khuynh hướng gây ra phản ứng dị ứng (dị ứng), chuyển gen và lai xa.

Bên cạnh đó, cũng cần có bằng chứng đáng tin cậy rằng GMO không có bất kỳ mối nguy hại khác biệt nào đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. 

Thực phẩm biến đổi gen đã xuất hiện ở Việt Nam như thế nào?

Mấy năm qua, nhiều loại như bông, ngô, đu đủ và một vài loại cây lâm nghiệp đã áp dụng công nghệ cây trồng biến đổi gien. Riêng cây ngô đã có các công ty như Monsanto Thái-lan với ba giống ngô chuyển gien là MON89034, NK603, và MON89034 x NK603.

Công ty Syngenta Việt Nam với hai giống ngô chuyển gien là BT11 và GA21... được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép khảo nghiệm.

Giống ngô ngọt được sản xuất bằng công nghệ sinh học có khả năng kháng sâu bệnh (nguồn: freekaliningrad.ru) 
Thực tế làm thử ở một số nơi như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đác Lắc, đánh giá bước đầu của các nhà khoa học nông nghiệp là: Các giống ngô biến đổi gen cho năng suất cao hơn 30% so với giống ngô thường; khả năng chống chịu sâu bệnh, thuốc diệt cỏ cũng cao hơn so với các giống ngô truyền thống.

Nhờ năng suất tăng cao, ngày càng có nhiều hộ dân trồng các giống ngô biến đổi gien. Loại ngô này được bán tràn lan ở các khu chợ với tên gọi “Ngô lai giống Mỹ”, “ngô siêu ngọt”…


Vòng quanh các khu chợ đầu mối ở Hà Nội như chợ đầu mối nông sản thực phẩm Xuân Đỉnh, chợ đầu mối phía Nam (Tân Mai, Hoàng Mai), chợ Long Biên,… thấy ngập tràn các sản phẩm nông sản, ngô biến đổi gien với đa dạng chủng loại và mẫu mã khác nhau.

Phần lớn người tiêu dùng đều khá bất ngờ về việc tồn tại của các loại thực phẩm nguồn gốc biến đổi gen được bày bán ở các khu chợ, siêu thị. Họ lại càng hoang mang hơn khi có thông tin nhiều loại sản phẩm ngũ cốc, rau, củ quả, thịt hộp, sữa nhập ngoại,... là thực phẩm biến đổi gen.

Tuy nhiên, từ các nhà khoa học cho đến người dân đều băn khoăn, nghi ngại về chất lượng cây trồng biến đổi gien, liệu chúng có ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sức khỏe con người.

Thực tế, việc khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen của nước ta chỉ ở phạm vi hẹp, thời gian chưa dài. Theo đó công nghệ biến đổi gen ở ta còn hạn chế; việc nghiên cứu, kiểm chứng ảnh hưởng tiềm ẩn của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường và sức khỏe con người chưa làm được bao nhiêu.

» Top thực phẩm dễ gây 'nghiện'
» Lợi ích chữa bệnh tuyệt vời từ bắp cải
» 5 thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng bạn chưa biết chế biến đúng


Thuý Ngọc TH

Bình luận
vtcnews.vn