• Zalo

Thực hư vụ 1 phiếu 33 lỗi vi phạm giao thông, phạt 90 triệu đồng

Pháp luậtThứ Năm, 18/12/2014 02:36:00 +07:00Google News

Trước thông tin 1 phiếu vi phạm giao thông với 33 lỗi, phạt 90 triệu gây xôn xao dư luận, Trưởng phòng CSGT Công an TP.HCM lên tiếng.

(VTC News) - Trước thông tin 1 phiếu vi phạm giao thông với 33 lỗi, phạt 90 triệu gây xôn xao dư luận, Trưởng phòng CSGT Công an TP.HCM lên tiếng. 

Chiều 17/12, thượng tá Trần Thanh Trà – Trưởng Phòng CSGT Đường bộ & Đường sắt CA TP.HCM (PC67) cho biết vụ việc 1 phiếu vi phạm giao thông với 33 lỗi, phạt 90 triệu đồng đăng tải trên mạng. là không đúng sự thật.

'Choáng' vì bị phạt 90 triệu đồng

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin đăng ngày 27/11/2014 trên trang mạng vitalk.vn. Một người có nickname Mai Em đăng một topic với tiêu đề “Em choáng với biên bản phạt nguội giao thông 90 triệu đồng”.

Nội dung của topic này cho biết, Mai Em là người tham gia giao thông, thường xuyên qua hầm chui Sài Gòn. Mới đây, người này bị bất ngờ và “choáng” vì nhận 1 biên bản phạt nguội tổng hợp trong gần 1 năm với tổng số tiền gần 90 triệu đồng, gồm 33 lỗi.

“Lỗi cũ nhất là ngày 2/12/2013, gần tròn một năm (chỉ còn một tuần nữa là hết hiệu lực xử phạt hành chính). Vấn đề đặt ra và mọi người quan tâm là tại sao biên bản này lại tổng hợp cả năm trời, sau mới gửi cho người vi phạm? Nếu như hàng tháng gửi thì người lái xe này đã biết mà sửa lỗi, không mắc quá nhiều lỗi như thế này!”, Mai Em phân bua.

Người có nickname như trên cũng cảnh báo những bác tài hay đậu xe uống cà phê Trung Nguyên trên đường Nguyễn Văn Chiêm thì nên gửi vào bãi xe, đừng tin lời mấy ông giữ xe mà ôm cả đống lỗi phạt nguội. Đồng thời, người này cũng thắc mắc: Nếu tình huống này là tài xế thì người đóng phạt là tài xế hay là chủ xe? Vậy đối với trường hợp xe cho thuê thì xử lý thế nào?…

sự thật 1 phiếu 33 lỗi vi phạm phạt 90 triệu đồng
  1 phiếu phạt 33 lỗi đăng trên mạng gây xôn xao dư luận

Căn cứ vào biên bản phạt đăng trên trang vitalk.vn, nội dung ghi rõ cơ quan chủ quản ra quyết định xử phạt là: Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (Công an TPHCM), biên bản số 32094/TB-PC67-Đ6, ngày 29/10/2014; gửi đến chủ phương tiện…; BKS 51A-4… (P.12, Q.Tân Bình).

Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt phối hợp với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn đã sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện và ghi nhận 33 lần vi phạm hành chính.

Lỗi vi phạm cũ nhất ngày 2/12/2013, lỗi mới nhất ngày 25/10/2014, trong 33 lỗi vi phạm thì có đến 28 lỗi “điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km/h đến 20km/h”, địa điểm vi phạm Đường hầm sông Sài Gòn (từ quận 1 sang quận 2 và ngược lại); và 5 lỗi “Đỗ xe hơi có biển cấm đỗ xe” trên đường Nguyễn Văn Chiêm.

Cuối biên bản viết: “Yêu cầu người điều khiển phương tiện (hoặc chủ phương tiện hoặc đại diện tổ chức vi phạm) đúng 9h ngày ../12/2014 có mặt tại trụ sở Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông, số 52-54 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1 để giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định pháp luật.

Nếu quá thời hạn trên, người được yêu cầu (người điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện hoặc người đại diện) không đến để giải quyết vụ việc vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. (Đã ký tên và đóng dấu)”.

Trưởng phòng CSGT lên tiếng

Phóng viên VTC News đã có buổi làm việc với Phòng PC67, đáp lại vấn đề trên, thượng tá Trần Thanh Trà khẳng định, “không hề có chuyện đó xảy ra”.

 

Thông thường với 1 lỗi vi phạm lặp đi lặp lại thì chỉ phạt 1 lần mà thôi. Những lần khác chỉ cảnh cáo, nhắc nhở.

thượng tá Trần Thanh Trà
 
Thượng tá Trà giải thích, đối với vấn đề phạt nguội hay còn gọi phạt ghi hình camera, có thể ghi hình xe vi phạm 20 lần, 30 lần, thậm chí 40 lần cho 1 lỗi, với những trường hợp đó, chúng tôi buộc phải ghi cụ thể lỗi vi phạm vào biên bản, sau đó thông báo đến người vi phạm.

Mục đích chủ yếu xử lý để giảm tai nạn giao thông cho nên nếu CSGT không phân tích kỹ lỗi khiến người tham gia giao thông chủ quan, rồi lại tiếp tục vi phạm lần sau.

“Thông thường với 1 lỗi vi phạm lặp đi lặp lại thì chỉ phạt 1 lần mà thôi. Những lần khác chỉ cảnh cáo, nhắc nhở. Trừ trường hợp đã gửi thông báo mà người vi phạm cố tình không đến làm việc thì cơ quan chức năng mới cưỡng chế thi hành” – thượng tá Trà nhấn mạnh.

Có trường hợp CSGT đã gửi thông báo đến địa phương để công an phường thông báo đến người vi phạm nhưng công an phường bận việc vì nhiều lý do bất khả kháng nào đó, biên bản không đến tay người vi phạm thì người vi phạm cầm giấy đó đến đội CSGT có địa chỉ ghi trong biên bản phạt để xử lý. Thông thường với những hành vi vi phạm 10 lần/lỗi thì chỉ phạt lỗi lần sau cùng, đồng thời buộc người vi phạm viết cam kết không tái diễn.

Nói về trường hợp 1 phiếu vi phạm giao thông với 33 lỗi, phạt 90 triệu đồng, Thượng tá Trà khẳng định: “Tôi đã liên hệ Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông thuộc PC67 xác định không có phạt trường hợp nào như thế” .

1 phiếu 33 lỗi vi phạm giao thông phạt 90 triệu đồng
  Thượng tá Trần Thanh Trà - Trưởng Phòng CSGT Đường bộ & Đường sắt (PC67) CA.TPHCM. Ảnh: Sỹ Hưng

“Hiện nay, phạt nguội phần nào phát huy mặt tích cực, ngăn ngừa được tình trạng tiêu cực, mãi lộ; hạn chế CSGT không đối đầu với người dân, giảm thiểu những hệ quả không lường trước” – thượng tá Trà nói.

Theo Trưởng phòng PC67, về lâu dài, chúng ta cũng phải giống như các nước tiên tiến, không thấy CSGT trên đường nhưng vẫn xử lý được vi phạm.

Đó là việc bố trí camera ghi hình tại những điểm nóng về tình hình giao thông. Nếu căn cứ vào ghi hình thì người vi phạm không thể cự cãi với CSGT, không sinh ra tiêu cực đôi bên, tạo ý thức cho người tham gia lưu thông không chủ quan.

Nói về trường hợp xe thuê, xe mượn thì xử phạt ai? Thượng tá Trà chỉ rõ: Xe mượn hay thuê thì chủ xe phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm phối hợp lực lượng chức năng mà ở đây là CSGT, mời chủ xe lên làm việc để xác định ai là người điều khiển xe vi phạm.

Thượng tá Trần Thanh Trà:  “Tính đến thời điểm này, lực lượng cán bộ chiến sỹ CSGT chuyên ghi hình xử lý phạt nguội làm việc tốt, chưa thấy điều gì bất thường xảy ra, có thể nói đây là đội ngũ chuyên nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình làm việc vẫn có những thắc mắc, khiếu nại thì người dân trực tiếp đến Phòng PC67 gặp lãnh đạo để giải quyết rốt ráo vấn đề”.

“Tóm lại cả hai vấn đề phạt nóng hay phạt nguội đều không nhắm đến cái chính là phạt tiền người vi phạm, mà chủ yếu là nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông để chấp hành tốt, hạn chế tai nạn giao thông xảy ra” – thượng tá Trà kết luận.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng:  Nếu đúng như biên bản ghi dồn 1 lần, 33 lỗi, phạt 90 triệu thì không hợp lý. Theo tôi, cần phải cảnh báo khi bị mắc lỗi 1, 2 lần, chúng ta nên ngăn ngừa là chính, xử phạt sau. Nhìn vào bảng phạt cho thấy có nhiều lần phạt cùng 1 chỗ. Cách làm như thế không ổn, nhưng chắc cũng có thể họ quên, hoặc có thể gửi giấy báo đến tận nhà nhưng không tới được. Phạt hành chính phải theo quy trình nhắc nhở, cảnh báo, tuyên truyền. Tuy nhiên, tại TP.HCM việc triển khai lực lượng phạt nguội cũng rất ít người dân biết đến. 

Một trường hợp vi phạm giao thông nhưng CSGT mặc sắc phục thì không phạt trực tiếp, trong khi đó lực lượng phạt nguội lại ghi hình, xử lý. Điều đó chứng tỏ chưa có sự thống nhất trong lực lượng CSGT. Nếu vi phạm như vậy thì trường hợp nào phạt nguội, trường hợp nào phạt nóng? Nếu như vậy có thể, lực lượng CSGT lưu động không phạt trực tiếp mà lại “nhường sân” cho phạt nguội, quy chế đã có phối hợp rõ chưa? Nếu chưa có thì nó có thể phát sinh tiêu cực?  

Ngoài những vấn đề cần làm rõ của việc phạt nguội với phạt nóng,  xét thực tiễn, phạt nguội mang ý nghĩa rất hay, có tính tự giác cao, tiên tiến, bản thân ai đã bị phạt nguội 1 lần thì sau phải rút kinh nghiệm. Ví dụ địa bàn này có CSGT bảo kê nên người vi phạm không bị phạt, lúc này lực lượng CSGT ghi hình phạt nguội thì không có sự thông cảm hay quen biết gì ở đây.

Phan Cường

Bình luận
vtcnews.vn