Theo thông tin một số trang mạng đăng tải, Công ty TNHH khai thác khoáng sản Thanh Sơn đã hoạt động trái phép từ năm 2015 cho tới nay. Từ việc khai thác trái phép, DN đã trốn thuế, làm đường sá hư hỏng. Ngoài ra, hoạt động khai thác trái phép của DN này đã làm đất đá bị theo kênh sạt xuống đất ruộng của bà con, làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và đời sống của người dân trong khu vực.
Lãnh đạo Công ty nói gì?
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thả, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Sơn khẳng định đây là những thông tin chưa chính xác. Cụ thể, theo ông Thả, doanh nghiệp được phép hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xóm Lạn, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ theo Quyết định 261/QĐ-UBND từ ngày 7/2/2012 – 7/2/2015 (36 tháng).
Trong 3 năm hoạt động khai thác, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Từ ngày 10/1/2015, trong thời hạn của Luật quy định, doanh nghiệp đã gửi đơn đề nghị gia hạn và cấp phép khai thác khoáng sản. Đúng thời điểm này, Bộ TN-MT yêu cầu đánh giá, nâng cấp trữ lượng, trên cơ sở đó để quy hoạch khoáng sản và phân cấp khu vực nhỏ lẻ giao cho UBND và các tỉnh quản lý và cấp phép.
Từ tháng 2/2015 – 1/2017, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Sơn vẫn hoạt động bình thường mặc dù đã hết hạn khai thác. Ông Thả cho biết: “Chúng tôi thực hiện theo khoản 3, Điều 25, Nghị định 15 Luật Khoáng sản được ban hành vào năm 2012”.
Ông Thả trích dẫn: “Trường hợp Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đã hết hạn nhưng hồ sơ đề nghị gia hạn đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét thì tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được tiếp tục khai thác khoáng sản theo giấy phép đến thời điểm được gia hạn hoặc đến khi có văn bản trả lời giấy phép không được gia hạn”.
Tuy nhiên, từ tháng 1/2017, Nghị định 15 được thay thế bằng Nghị định 158/2016/NĐ-CP, theo đó, tại mục 3, Điều 39 cho biết: “Trường hợp Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đã hết hạn nhưng hồ sơ đề nghị gia hạn đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét thì tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải tạm dừng khai thác và có trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài sản, công trình khai thác, công trình an toàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cho đến khi được gia hạn hoặc có văn bản trả lời không được gia hạn”.
Ông Nguyễn Xuân Thả cho biết: “Chính vì vậy, từ tháng 1/2017, chúng tôi đã không còn hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng NĐ 158. Như vậy, nói chúng tôi khai thác trái phép là không chính xác”.
Ngoài ra, Công ty TNHH Thanh Sơn được UBND tỉnh Phú Thọ cho phép tiêu thụ hàng tồn đã khai thác trước thời điểm 1/1/2017. Tức là, khoảng sản đã khai thác trước ngày 1/1/2017, DN được phép kinh doanh, trao đổi, mua bán.
“Kể từ tháng 1/2017, chúng tôi đã không còn hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng, chúng tôi vẫn tiến hành bán lượng khoáng sản trước đó theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, nói chúng tôi khai thác trái phép là không đúng”.
Vấn đề khiếu nại của người dân về việc làm hỏng hoa mầu, đất đá trôi xuống ruộng lúa, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Sơn cho biết, vào tháng 10/2017, các tỉnh miền núi phía Bắc phải hứng chịu hậu quả của trận lụt lịch sử, nước, đất đá từ trong lòng núi chảy xuống ruộng đất của người dân, gây ra một số ảnh hưởng tới tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân trong khu vực.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ban lãnh đạo công ty đã đến bù thiện hại trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND xã Khả Cứu, cùng với các hộ dân bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi đã đền bù thiệt hại cho người dân, các hộ dân cũng không còn khiếu nại gì nữa, nên thông tin người dân địa phương khiếu nại là không có căn cứ. Cái này, UBND xã là cơ quan quản lý nhà nước là nắm rõ nhất”, ông Thả nói.
Về vấn đề trốn thuế, ông Thả khẳng định, nếu DN trốn thuế thì chắc chắn không thể trình đơn xin cấp phép khai thác khoáng sản lên địa phương: “Chúng tôi làm việc theo đúng pháp luật, nếu không đóng thuế, chắc chắn đơn xin phép khai thác khoáng sản sẽ bị trả về ngay”.
Ngày 31/1/2018, Bộ trưởng Bộ TN-MT đã có quyết định số 353/QĐ-BTNMT về việc khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ của tỉnh Phú Thọ. Trong đó, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã chấp thuận thông qua mỏ tact Đôlomite xóm Lạn là Công ty TNHH Thanh Sơn phù hợp với tài liệu địa chất.
Cơ quan quản lý nhà nước nói gì?
Ngay sau khi thông tin về Công ty TNHH Thanh Sơn khai thác trái phép, trốn thuế và những khiếu nại của người dân được lan truyền trên mạng xã hội, lãnh đạo địa phương đã thành lập tổ kiểm tra để xác minh thông tin và làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan.
Trong tổ kiểm tra có, Công an Huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), đại diện của CSĐTTP về Kinh tế – Môi trường cùng lãnh đạo xã Khả Cửu (Thanh Sơn, Phú Thọ). Theo biên bản làm việc, tại thời điểm kiểm tra, Công ty Thanh Sơn không có hoạt động gì liên quan tới việc khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, tổ công tác cũng yêu cầu DN phải chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không được tự ý khai thác khoáng sản khi chưa đủ các thủ tục pháp lý liên quan tới hoạt động của công ty.
Về phía lãnh đạo xã, ông Hà Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Khả Cửu, Thanh Sơn tái khẳng định, Công ty TNHH Khai thác khoảng sản Thanh Sơn không vi phạm như thông tin lan truyền trên mạng.
Cụ thể, về vấn đề khai thác trái phép khoáng sản khi chưa được cấp phép, ông Cầu cho biết thông tin này chưa chính xác: “DN cũng đã xuất trình những giấy tờ cần thiết cũng như thực hiện đúng 2 Nghị định 15 và Nghị định 158”.
Về vấn đề khiếu nại của người dân trong khu vực, ông Cầu nói, người dân trong khu vực không hề có bất kỳ khiếu nại gì tới doanh nghiệp. “Trước đó, vào đợt lũ năm ngoái, một số hộ dân cũng có khiếu nại về việc đất đá rơi xuống ruộng lúa của người dân, nhưng, doanh nghiệp này cũng đã đền bù thiệt hại. Chính vì vậy, đã không còn khiếu nại gì nữa”.
UBND xã Khả Cứu cũng đã có văn bản Báo cáo tới UBND huyện Thanh Sơn về việc khai thác, chế biến khoáng sản của Công Ty TNHH khai thác khoáng sản Thanh Sơn.
Theo Báo cáo, trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản, doanh nghiệp đã phối hợp với địa phương trong việc báo vệ an ninh trật tư, bảo vệ môi trường, hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của việc khai thác, chế biến khoáng sản đến sản xuất và đời sống của người dân xung quanh.
Sau khi hết thời hạn cấp phép, từ tháng 2/2015 tới nay, DN vẫn duy trì các hoạt động: Vận chuyển khoáng sản đã khai thác, tận thu khoáng sản ở các khu bãi đã khai thác từ trước trước đó, san lấp mặt bằng, đào rãnh thoát nước mùa mưa để tránh vùi lấp đất đá vào ruộng và đường dân sinh.
Ông Nguyễn Hữu Tám, Trưởng phòng TN-MT huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) tiếp tục khẳng định: “Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Thanh Sơn không vi phạm như những gì thông tin trên mạng lan truyền. Doanh nghiệp cũng chấp hành đúng mọi quy định của pháp luật và chưa để xảy ra điều tiếng gì trong khu vực huyện. Trong thời gian tới, UBND huyện Thanh Sơn sẽ có văn bản chính thức về việc này", ông Tám nói.
Bình luận