• Zalo

Thực hư nghi vấn nồi cơm điện Sunhouse là hàng Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt

Kinh tếThứ Tư, 26/06/2019 11:57:00 +07:00Google News

Mới đây, hình ảnh một nồi cơm điện của Sunhouse có ghi xuất xứ Trung Quốc khiến dư luận nghi vấn thương hiệu này là hàng Trung“đội lốt" hàng Việt Nam.

Theo đó, cộng đồng mạng đang bàn tán về hình ảnh một nồi cơm điện nắp liền SHD-8602, tem của siêu thị ghi thương hiệu Sunhouse, xuất xứ Trung Quốc, trong khi trên nồi lại dán tem chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Thông tin này lập tức khiến người tiêu dùng nghi ngại nồi cơm điện Sunhouse cũng là hàng Trung Quốc được gắn mác hàng Việt. Nghi ngờ này dấy lên trong bối cảnh dư luận đang "sục sôi" trước thông tin sản phẩm của Asanzo đang bị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ về nghi vấn bán hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam.

antd_vn-noi_com

 Hình ảnh khiến sản phẩm nồi cơm điện Sunhouse bị nghi ngờ là hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam. (Ảnh: an ninh Thủ Đô).

Liên quan đến nghi vấn này, Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse đã chính thức lên tiếng. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, hình ảnh nồi cơm điện đăng trên mạng xã hội có xuất xứ Việt Nam (Made in Việt Nam), không phải xuất xứ Trung Quốc như bảng giá đính kèm bên dưới.

Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse khẳng định, chiếc nồi cơm điện này 100% là của Việt Nam, được sản xuất tại nhà máy Sunhouse Việt Nam (Công ty TNHH sản xuất đồ gia dụng Sunhouse thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse). 

Ông Phú cũng cho biết, đây là sự nhầm lẫn của siêu thị và ông đã yêu cầu phía siêu thị phải sửa lại nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm này.

Theo thông tin trên website của một số đơn vị bán lẻ như Điện máy Xanh, Nguyễn Kim, siêu thị điện máy Pico (Hà Nội)... thì chiếc nồi cơm điện này có “xuất xứ Việt Nam”.

Trả lời trên báo chí, bà Trịnh Thị Vân – Cán bộ phụ trách truyền thông Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse cho biết, hiện Tập đoàn Sunhouse có hơn 500 mặt hàng gia dụng, trong đó tỷ lệ đồ điện gia dụng (nồi cơm điện, ấm siêu tốc, máy xay sinh tố…) chiếm hơn 50% hàng xuất xứ từ Trung Quốc.

"Khi đặt hàng tại Trung Quốc, các xưởng sản xuất đều được chúng tôi kiểm định rất rõ ràng. Riêng mặt hàng gia dụng (nồi, xoong, chảo...) phần nhiều sản xuất trong nước, tỷ lệ lên tới hơn 90% hàng tự sản xuất… Còn như máy xay sinh tố 100% là hàng của Trung Quốc", bà Vân nói.

Nhận định về việc hàng hoá sử dụng nhiều linh kiện Trung Quốc rồi dán mác hàng Việt, ông Phú cho biết: “Đó là sai. Nếu không đạt tỷ lệ nội địa hóa không thể dán mác hàng Việt. Đặc biệt, nếu các linh kiện đã dán nhãn “Made in China” hay bất kể nước nào đó, phải để nguyên, không thể bóc đi rồi dán mác “Made in Vietnam” đè lên. Một sản phẩm được lắp ráp linh kiện từ nhiều nước thì mác trên linh kiện vẫn phải để thế, còn nếu lắp ráp xong đủ tỷ lệ nội địa hóa mới được dán thêm nhãn hàng Việt”.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn