Nhiều người tưởng cá trắm chữa bách bệnh
Họ nuốt sống trực tiếp hoặc pha túi mật với nước, rượu hoặc mật ong. Tuy nhiên, cục An toàn thực phẩm khẳng định: “Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người sử dụng”.
Trong dân gian, người ta truyền nhau rằng mật cá trắm còn có tác dụng bổ dương, tăng cường sinh lý. Chính vì lẽ đó, nhiều người đã không ngại mua về bắt chồng, con nuốt sống mật cá. Có người không nuốt sống thì uống với rượu hoặc hoà vào rượu để uống, xem như một loại “tiên dược”.
Trường hợp anh N.Q ở Thanh Xuân, Hà Nội, do yếu sinh lý nên đã nghe theo lời người bà con tìm mật cá trắm để uống. Do thể trạng kém, mới uống mật cá trắm được chừng mấy giờ đồng hồ đã thấy đau bụng dữ dội, buồn nôn, gia đình sợ quá phải đưa vào cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai.
Tăng cường sinh lý đâu không thấy, chỉ thấy các bác sĩ kết luận là anh bị nhiễm độc nặng, phải điều trị mất mấy tháng liền mới hoàn toàn bình phục.
Thịt cá trắm là một loại thực phẩm bổ dưỡng, có tác dụng chữa nhiều bệnh nhưng mật cá trắm thì có thể gây chết người. Cả hai loại mật cá trắm đen và cá trắm trắng đều rất độc.
Dịp Tết vừa rồi, đối với gia đình bệnh nhi Hùng, 14 tuổi ở Bắc Ninh sẽ không bao giờ quên. Đây là cái Tết không vui vẻ, hay bình an mà là một dấu mốc cho sự sự bất cẩn, một thói quen đã trở nên tùy tiện trong việc trị bệnh để rồi thay vì cứu người suýt nữa lại “mất mạng” người.
Mồng 4 Tết, quá ngấy với thịt mỡ, bánh chưng… mẹ Hùng đi chợ mua về một con cá trắm 4 kg để làm lẩu đãi cả nhà. Tiện thể nghe người ta nói, nếu người nào yếu đường tiêu hóa hay bị bệnh liên quan đến đường ruột, nuốt mật cá trắm sống là sẽ trị được bệnh.
Vậy là, mẹ Hùng “sống chết” bảo toàn mật không để bị vỡ khi làm cá để cho Hùng uống. Sau khi lấy được mật cá ra, bà đã chọc túi mật rồi hứng vào một cái cốc nước đã pha sẵn đường cho để cho con uống.
Uống xong, chỉ 3 tiếng sau, Hùng lập tức có biểu hiện ngộ độc như đau bụng quằn quại, nôn thốc tháo, tiêu chảy… Hùng được cha mẹ đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc của Hùng vượt quá khả năng điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh do các xét nghiệm cho thấy men gan tăng gần 200 lần so với chỉ số cho phép, vàng da, người mất nước, mệt lả… nên họ đã phải chuyển Hùng lên bệnh viện tuyến trên là Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Tại đây, sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi Hùng đã đỡ hơn khi men gan giảm đáng kể, mặc dù chưa về chỉ số “chuẩn” như ban đầu. Nhưng đó cũng là dấu hiệu tích cực, cho thấy Hùng đã qua cơn nguy kịch.
Một nữ bệnh nhân nhập viện Bạch Mai không biết nghe ai “mách”, đã đi xin về một chiếc mật của cá trắm đen nặng 7 kg để uống. Uống xong, chừng 2 tiếng sau, khỏi đau lưng đâu chưa thấy, chỉ thấy cũng rơi vào tình trạng hệt như bệnh nhi Hùng kể trên. Chỉ khác là chị bị thêm suy thận, phù, ứ nước trong cơ thể.
Trắm nào cũng độc
Cá trắm chia thành hai loài. Cá trắm đen (mylopharyngodon piceus) có mình và vây màu xám đen, ăn tôm cá nhỏ và cá trắm trắng (ctenopharyngodon idellus) có mình và vây màu xám nhạt, gần như trắng, ăn rong, cỏ.
Theo Cục An toàn thực phẩm: Độc tố chính trong mật cá trắm là một Alcol steroid có 27 C gọi là 5α Cyprinol và gây tổn thương chủ yếu là viêm gan, thận. Nguyên nhân tử vong do phù phổi cấp, phù não do vô niệu, ứ nước; tổn thương vi thể như cầu thận tổn thương nhẹ, các mao mạch giãn rộng, chứa đầy nước không có hồng cầu; màng đáy và vỏ Bowmann phù nề, ống thận tổn thương nặng nề ở mức độ khác nhau.
Đặc biệt ở vùng ống lượn liên bào ống thận mất riềm bàn chải, sưng đục, thoái hoá. Gan bị xung huyết các tĩnh mạch giữa múi, các xoang tĩnh mạch giãn rộng, đầy hồng cầu.
Nguyên sinh chất tế bào gan sưng đục hoặc thoái hoá, hạt có nhân đông, khoảng cửa xung huyết không có phì đại, xơ hóa. Mức độ gây ảnh hưởng của mật của cá trắm tới sức khỏe phụ thuộc vào liều lượng đưa vào cơ thể.
Mật của cá trắm từ 3 kg trở lên thì chắc chắn gây ngộ độc, gây viêm thận cấp và có thể dẫn đến tử vong sau 2 ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Cục này khẳng định: Đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến tử vong. Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, chúng tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.
Còn dưới góc độ y học cổ truyền, nhiều lương y cũng khẳng định không có chuyện mật cá trắm chữa bách bệnh, giúp các quý ông “yêu” khỏe hay chống suy nhược cơ thể, giúp da dẻ chị em hồng hào, mịn màng hơn.
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng Khoa Y học cổ truyền BV Quân y 108, khuyến cáo người uống mật cá trắm pha rượu có thể mất mạng.
“Không biết căn cứ vào đâu, người ta truyền nhau kinh nghiệm chết người này. Tự cổ chí kim, không hề có sách thuốc nào nói đến việc uống mật cá trắm tươi để cải thiện sức khỏe, nâng cao sinh lực” - ông băn khoăn.
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh trong y học cổ truyền, mật cá trắm chỉ được nhắc đến với công dụng tả nhiệt, làm sáng mắt, chữa mắt sưng đỏ đau, đau họng, lở loét do nhiệt. Cách sử dụng chủ yếu là dùng ngoài (bôi ngoài da, nhỏ, ngậm) với mật đã được sấy khô và thường kết hợp với nhiều thành phần khác.
Bình luận