(VTC News) - Nhiều lãnh đạo của các ngân hàng lớn tại Việt Nam đều cho biết, còn quá sớm để khẳng định lãi suất cho vay trong năm nay giảm mạnh.
Giảm lãi suất cho vay: Đương nhiên, nhưng chưa thể sớm!
Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) khẳng định, nếu nhiều ngân hàng khác cũng giảm lãi suất cho vay trong năm nay thì chắc chắn ngân hàng của họ cũng sẽ giảm lãi suất cho vay theo xu thế của thị trường, nhưng ông Toại từ chối tiết lộ về thời điểm mức lãi suất cho vay có thể “hạ nhiệt” hơn so với bây giờ.
Vị Phó Tổng giám đốc này nói vui: “Tôi không phải thầy bói nên chưa thể dự đoán được lãi suất cho vay sẽ hạ nhiệt như thế nào, vào khoảng thời gian nào trong năm. Điều đó còn tuỳ thuộc vào thị trường và vào các chính sách của Ngân hàng Nhà nước”.
Ngoài ra, ông Toại cho rằng việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp giảm bớt rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng tiết lộ rằng hiện tại, lượng tiền gửi tiết kiệm từ dân cư sau Tết vào ngân hàng của họ vẫn bình thường, chưa có dấu hiệu tăng so với trước đó.
Ông Tom Nguyen, Giám đốc Pháp chế, Vietnam, Cambodia & Laos - Ngân hàng Standard Chartered (Ảnh: KV) |
Trong khi đó, ông Tom Nguyen, Giám đốc Pháp chế, Vietnam, Cambodia & Laos - Ngân hàng Standard Chartered lại cho rằng nếu nói các ngân hàng ở Việt Nam hiện đang chưa chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp thì cũng đúng một phần.
“Khi nhiều công ty cùng gặp khó khăn, các ngân hàng sẽ lựa chọn khách hàng. Họ sẽ chọn những công ty nào cần nguồn tiền lớn, nhưng rủi ro thấp hơn để cho vay. Khi đó, tỷ giá lãi suất cho vay vẫn cao trong khi các công ty gặp khó khăn không nhận được nguồn tiền từ ngân hàng dẫn tới phá sản. Lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn sẽ giữ ở mức cao do nhu cầu cao thì ắt hẳn lãi suất phải tăng cao”, ông Tom Nguyễn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Tom Nguyễn có nói tới sự kiểm soát và vai trò của Ngân hàng Nhà nước đối với việc các ngân hàng cho các công ty bất động sản vay tiền để duy trì quả “bong bóng” bất động sản khi đưa ra luật mới đó là tỷ giá lãi suất cho vay cao nhất chỉ 20%, đồng thời có những chính sách hạn chế cho vay ở lĩnh vực bất động sản.
Trước đó, rộ tin lãi suất cho vay trong năm nay có xu hướng giảm mạnh. Theo đó, tại các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, lãi suất cho vay dao động từ 18% - 21% (tùy quy mô doanh nghiệp), tại các ngân hàng nhỏ, mức lãi suất phổ biến từ 19% - 23%.
Tuy nhiên, khi được hỏi, nhiều lãnh đạo của các ngân hàng lớn tại Việt Nam đều cho biết, còn quá sớm để khẳng định như vậy hoặc “giảm là điều đương nhiên, nhưng chưa thể sớm”.
Doanh nghiệp liệu có bớt khó khăn?
Đương nhiên, khi lãi suất cho vay giảm, nhiều doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, theo như lời ông Tom Nguyễn, chỉ những doanh nghiệp được ngân hàng “bơm” tiền cho mới có cơ hội vượt qua khó khăn, còn những khách hàng bị ngân hàng “bỏ rơi” trong quá trình chọn lọc thì lại đứng trước nguy cơ phá sản.
Lãi suất cho vay dù có giảm, nhiều doanh nghiệp vẫn đứng trước nguy cơ phá sản do bị các ngân hàng bỏ rơi (Ảnh chỉ có tính minh hoạ: K.V) |
Tổng Giám đốc một Công ty cổ phần chuyên cung cấp thiết bị xây dựng tại Hà Nội cho hay, tính tới thời điểm hiện tại, mức lãi suất cho vay mà họ phải gánh vẫn chưa hề sụt giảm so với trước Tết. Trong khi đó lãnh đạo nhiều doanh nghiệp khác cho biết, họ đang chờ những động thái mới nhất từ phía Ngân hàng Nhà nước để vượt qua khó khăn.
Trước thông tin lãi suất cho vay có thể giảm mạnh trong năm nay, không ít doanh nghiệp đã tạm ngừng việc vay vốn, chờ thời cơ tới.
Phó Giám đốc Công ty xe máy Sỹ Hùng – Việt Nhật Motor cho biết: “Khi hỏi tại một số ngân hàng, mức lãi suất cho vay đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như chúng tôi lên tới khoảng 22% nên hiện tại lãnh đạo công ty quyết định không vay ngân hàng nữa”.
Một khi Ngân hàng Nhà nước kiên quyết với lộ trình hợp nhất ngân hàng yếu, có những chính sách hạn chế cho vay ở lĩnh vực bất động sản và các ngân hàng đồng lòng giảm lãi suất thì có lẽ những doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn hơn cả.
Ông Lưu Tường Bách, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ đầu tư Sông Ngân, Phó Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ VIPC thừa nhận: “Khi Chính phủ thay đổi chính sách tiền tệ và ban hành các quy định thắt chặt nhằm chống lạm phát thì các nhà đầu tư bất động sản sẽ gặp rất nhiều khó khăn do phần vốn tự có không nhiều, lệ thuộc nhiều vào vốn bên ngoài”.
M.Q
Bình luận