• Zalo

Thực hư cán bộ phường thu lại một nửa tiền đền bù của dân

Thời sựThứ Ba, 06/12/2016 14:39:00 +07:00Google News

Cán bộ phường Đông Cương khẳng định, người dân hoàn toàn tự nguyện nộp tiền vào ngân sách nhà nước, không hề ép buộc hay gây khó khăn.

Dân tự nguyện đóng góp

Liên quan đến phản ánh nhiều hộ dân trú tại phố 7 và phố 8, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) sau khi nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng đã bị cán bộ phường đến thu lại khoảng 50% số tiền, trao đổi với PV ngày 5/12, ông Lê Đình Mão - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch UBND phường Đông Cương (hiện là Bí thư kiêm Chủ tịch phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) đã phủ nhận toàn bộ thông tin trên.

Can bo xin lai tien den bu cua dan: Dan tu nguyen

Bà Lũy một trong những hộ dân nhận tiền đền bù. Ảnh: VNN

Theo ông Mão, trên địa bàn phường Đông Cương có 33 hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp thuộc diện đền bù khi Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Tuấn Minh lấy đất triển khai dự án Văn phòng thương mại.

Trong số đó có 20 hộ dân đã có đầy đủ giấy tờ chứng nhận, còn lại 13 hộ là đất khai hoang, chưa phải đất trích lục.

Khi biết tin thuộc diện đền bù, các hộ dân trên có đề nghị UBND phường tạo điều kiện để họ được nhận hỗ trợ tiền từ phía chủ đầu tư. Do không đủ căn cứ, điều kiện xác nhận là đất công, nên số đất 13 hộ dân kia sở hữu được chứng nhận là đất tư.

“Qua mấy chục năm sản xuất, nhà nước chưa thu một đồng lệ phí nào cả. Do vậy người dân có viết giấy tự nguyện nộp lại 1 khoản lệ phí cho phường để sử dụng vào việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương.

Chúng tôi không yêu cầu đóng lại 50% hay bao nhiêu cả. Dân tự nguyện đóng góp, họ nộp bao nhiêu thì phường thu bấy nhiêu, không ép buộc hay gây khó dễ gì cả.

Tôi 16 năm công tác tại phường, trong đó có hơn 8 năm làm chủ tịch, chưa xảy ra bất cứ điều tiếng gì cả”, ông Mão khẳng định.

Cùng ngày, thông tin thêm với Đất Việt, ông Lê Hồng Trường – Trưởng khu phố 7 (phường Đông Cương) cũng bày tỏ bức xúc trước thông tin cán bộ ép dân nộp lại tiền đền đất đai.

Theo ông Trường, khu phố và phường chỉ làm những gì có lợi cho người dân và vì quyền lợi của người dân, hoàn toàn không có chuyện như phản ánh trên 1 số báo chí.

“Tôi là trưởng khu phố nhưng không hiểu báo chí về viết kiểu gì. Người dân giờ đang rất hoang mang.

Dù phường đã giải quyết có lợi cho dân nhiều rồi nhưng 1 số người lớn tuổi bị 1 số thành phần không tốt đi kích động, xúi giục vấn đề này, vấn đề kia.

Các bậc trung niên và người có hiểu biết đều ủng hộ chủ trương này. Chúng tôi làm việc có lợi cho dân, cho nhà thầu và cho ủy ban. Và người dân tự nguyện đóng góp 1 phần kinh phí.

Lần trước khi người dân nhận tiền, chúng tôi đã có thông báo rõ ràng, trong 13 hộ dân, nếu hộ nào khó khăn quá thì cứ viết đơn xin miễn nộp lại, phường sẽ giải quyết. Nhưng không ai viết cả và đều tự nguyện nộp vào ngân sách phường”, ông Trường khẳng định.

Trả lại hết tiền cho dân

Về phương án xử lý, ông Lê Đình Mão cho biết, sáng 4/12, UBND phường Đông Cương đã tổ chức cuộc đối thoại với 13 hộ dân nhận đền bù, có sự tham gia của tất cả các thành phần từ phường đến thành phố, cùng với công an và báo chí tỉnh.

“Tất cả các hộ tham gia đều có ý kiến hết, thoải mái sòng phẳng. Dân nói chúng tôi tự nguyện đóng, không hề có chuyện bị chính quyền ép buộc và việc này đã được họp bàn thống nhất. Họ vẫn mong muốn đóng góp cho phường và không nhận lại số tiền đã nộp trước.

Nhưng do có dư luận không tốt nên chúng tôi quyết định trả lại dân toàn bộ số tiền 185 triệu thu được. Nếu người dân có nguyện vọng gì thì trực tiếp đóng góp tại địa phương cư trú.

Hôm qua nếu tôi là người né tránh thì đã nói chuyển công tác và từ chối tham dự cuộc họp. Nhưng tôi vẫn quay lại để cùng với anh em giải quyết đúng sai. Mình làm việc gì mà để lại dư luận thì không hay và cảm thấy áy náy lương tâm”, ông Mão khẳng định.

Từ sự việc trên, ông Mão thừa nhận, có thể cán bộ chỉ muốn làm điều tốt nhất cho dân nhưng phương pháp thực hiện có thể chưa được hợp lý. Vì vậy, cũng cần phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý để tránh những sự cố tương tự có thể xảy ra.

“Qua việc này thì cũng phải ý thức sâu sắc hơn về mặt công tác quản lý. Trong quản lý nhà nước thì càng chặt bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.  Đây là một bài học, không thể không rút ra bài học kinh nghiệm. Tôi cũng có thông báo rộng rãi đến anh em cán bộ phường để mọi người hiểu.

Tôi nghĩ việc này chưa đến mức độ gì cả. Quan điểm là sai đâu sửa đó, tôi không né tránh bất cứ vấn đề gì”, ông Mão nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm với Đất Việt, ông Lê Hồng Trường cho biết, những ngày qua dư luận địa phương đang rất hoang mang trước sự việc báo chí đưa. Vì vậy hiện nay công tác ổn định tình hình, đời sống nhân dân đang được chú trọng đẩy mạnh.

“Mục đích cán bộ làm giúp dân là chính tuy nhiên bây giờ bị mang tiếng. Tôi là cán bộ trẻ về phường công tác không vì chức danh hay chế độ gì cả. Vì tấm lòng với quê hương nên học xong đại học mới về. Mức lương hơn 1 triệu sao đủ sống. Tuy nhiên việc cần làm vẫn phải làm. Tôi là người trực tiếp tuyên truyền trên loa mất hôm nay để trấn an nhân dân”, ông Trường nói.

"Sai đâu xử đó" 

Cũng liên quan đến việc này, chiều 5/12, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết đã nắm được phản ánh trên. 

Ông Xứng cho biết đã giao UBND TP Thanh Hóa làm rõ sự việc và báo cáo UBND tỉnh. 

“TP Thanh Hóa vẫn chưa báo cáo gì cả. Quan điểm là sai đâu xử lý đó, theo đúng quy định của pháp luật”, ông Xứng nhấn mạnh.

Video: Đồng Nai: Cán bộ nâng khống phần ăn của học viên

(Nguồn: Báo Đất Việt)
Bình luận
vtcnews.vn