Đại sứ nhấn mạnh chuyến thăm lịch sử này sẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện hai nước lên tầm cao mới.
Đánh giá ý nghĩa của chuyến thăm, Đại sứ Thạch Dư nêu rõ đây là chuyến thăm Campuchia lần thứ hai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư, sau chuyến thăm đầu tiên từ ngày 6-8/12/2011.
Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia, cho thấy Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển quan hệ láng giềng, hữu nghị giữa hai nước, nhất là sau khi quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc trưởng Norodom Sihanouk thiết lập vào ngày 24/6/1967.
Đặc biệt, chuyến thăm nhằm khẳng định Việt Nam luôn quán triệt phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” trong quan hệ Việt Nam-Campuchia, vốn đã được lãnh đạo hai bên nhất trí từ năm 2005, nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới, phù hợp với thời kỳ mới trong sự phát triển quan hệ hai nước.
Đại sứ nhắc lại chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp theo chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới Campuchia. Trong khi đó, những năm gần đây, Quốc vương Norodom Sihamoni đã nhiều lần thăm chính thức Việt Nam.
Năm nay, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin đã thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Qua các chuyến thăm, lãnh đạo cấp cao hai bên đều quyết tâm cùng nhau tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước ngày càng phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Điểm lại những thành tựu hợp tác Việt Nam-Campuchia, Đại sứ Thạch Dư chỉ rõ quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia vốn có từ lâu, không ngừng được bồi đắp trong suốt 5 thập kỷ qua kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, quan hệ hai nước đã không ngừng phát triển.
Hợp tác thương mại, đầu tư đang phát triển nhanh chóng và Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Campuchia với kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm 2016 đạt gần 3 tỷ USD; với có khoảng 190 dự án đầu tư được cấp phép với số vốn đăng ký khoảng gần 2,9 tỷ USD.
Tuy nhiên, Đại sứ Thạch Dư cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, hai bên cần phải nỗ lực để biến những tiềm năng trên thành hiện thực.
Ngoài ra, hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa cũng cần được hai bên tiếp tục quan tâm thúc đẩy. Hợp tác trên lĩnh vực an ninh-quốc phòng giữa hai nước cũng đạt được những thành tựu có ý nghĩa và cần được tăng cường.
Hai bên tiếp tục cam kết thực hiện chính sách không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để đe dọa an ninh của nước kia.
Trên cơ sở các hiệp định, hiệp ước và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đang tích cực phối hợp triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền.
Đến nay, hai bên đã hoàn thành hơn 84% khối lượng công việc và quyết tâm cùng nhau sớm hoàn thành công tác này nhằm xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Hai bên tiếp tục tạo điều kiện và dành sự đối xử bình đẳng cho kiều dân của nhau như đối với ngoại kiều khác ở mỗi nước, để họ ổn định cuộc sống và đóng góp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Đánh giá triển vọng quan hệ hai nước, Đại sứ Thạch Dư nhấn mạnh để quan hệ giáng giềng, hữu nghị Việt Nam-Campuchia tiếp tục phát triển tốt đẹp, hai nước cần tiếp tục thường xuyên tiến hành trao đổi các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương, nhằm củng cố thêm sự tin cậy giữa các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Hai bên cần tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện, đáp ứng tình hình mới vì lợi ích của nhân dân hai nước, nhất là đưa các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa-xã hội, du lịch, an ninh-quốc phòng… giữa hai nước ngang tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp đang có giữa hai bên.
Trước tình hình mới của khu vực và quốc tế, hai nước cần tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế để có thể cùng nhau vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức chung. Trong đó, ưu tiên cho việc phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn như Tam giác phát triển Campuchia- Lào-Việt Nam (CLV), Hợp tác 4 nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayaoadi-Chaophaya-Mekong, ASEAN, ASEM, Liên hợp quốc, nhằm nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Thạch Dư cho rằng việc tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ của mỗi nước hiểu đúng đắn về mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia cũng là nhân tố quan trọng góp phần củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác bền vững lâu dài giữa hai nước.
Bình luận