Theo BHXH Thừa Thiên - Huế, đến ngày 31/9/2022, toàn tỉnh có 99 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ KCB BHYT với khoảng 6.000 lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp.
Ông Nguyễn Xuân Tiếu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, tiện ích này có được từ việc BHXH tỉnh phối hợp với công an và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện đề án 06 của Chính phủ. Trong đó, có việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm, triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT.
BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt từ 90% đến 95% người tham gia BHYT có thông tin số CCCD/ĐDCD trên dữ liệu phần mềm TST. Cơ quan BHXH cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giải đáp cho người tham gia và hưởng BHXH, BHYT về tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích về các thông tin của mình, đặc biệt là thông tin thẻ BHYT được tích hợp vào CCCD.
Ngoài ra, BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị các tổ chức dich vụ thu; các đơn vị SDLĐ; UBND các xã, phường, thị trấn và các Phòng GD-ĐT... đề nghị phối hợp cung cấp số CCCD/ĐDCN của các nhóm người tham gia BHXH, BHYT thuộc quản lý của đơn vị, để cơ quan BHXH cập nhật vào phần mềm quản lý thu, sổ thẻ (TST). Song song với đó, tích cực phối hợp với công an tỉnh chia sẻ thông tin, thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư qua số CMND, cùng đối chiếu, đồng bộ số CCCD từ CSDL quốc gia về dân cư sang CSDL quốc gia về BHXH, thực hiện ngay việc tích hợp thông tin thẻ BHYT vào CCCD.
Cũng theo ông Tiếu “Chuyển đổi số” giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Vì vậy, cung cấp dịch vụ số tốt hơn sẽ góp phần chăm sóc người dân tốt hơn.
Bình luận