HLV Park Hang Seo đã dẫn dắt tuyển Việt Nam tham dự nhiều giải lớn, từ AFF Cup, Asian Cup, vòng loại thứ hai World Cup đến giải giao hữu King's Cup. Ngoại trừ Asian Cup 2019, thì ở các giải còn lại, tuyển Việt Nam đều giữ sạch lưới ít nhất 50% số trận cả giải. Hàng thủ trở thành điểm tựa cho thầy công của thầy trò Park Hang Seo.
Tuy nhiên, hàng thủ tuyển Việt Nam không còn kiên cố khi bước vào vòng loại cuối. 10 bàn thua sau 4 trận là con số đầy sức nặng, mang lại cho cầu thủ nhiều bài học kinh nghiệm.
Video: Oman 3-1 Việt Nam
Thiếu tổ chức ở tình huống cố định
Điểm yếu dễ thấy nhất của hàng thủ Việt Nam là thiếu tính tổ chức ở những pha bóng cố định. 2/3 bàn thua trong trận gặp Oman diễn ra từ những quả phạt gián tiếp. Nếu phòng ngự bóng sống đòi hỏi các hậu vệ phải ứng biến linh hoạt, thì phòng ngự bóng chết yêu cầu hàng phòng ngự phải được tổ chức quy củ, bọc lót tốt và quyết đoán.
Đây là yếu tố đang thiếu ở các hậu vệ Việt Nam khi đối đầu với những đối thủ tinh quái, ranh mãnh hơn. Bàn thua thứ hai ở cuộc so tài với Oman là minh chứng. Dù đối thủ Tây Á đã "diễn" bài đá phạt góc bằng số đông cầu thủ áp sát cầu môn để quấy nhiễu thủ môn ở trận gặp Nhật Bản, nhưng tuyển Việt Nam không rút ra bài học.
Các cầu thủ đứng kèm người một đối một, khiến khu vực hoạt động của thủ môn Nguyễn Văn Toản thêm chật chội và hỗn loạn, do đó rơi vào cái bẫy của đối thủ. Cả hậu vệ và thủ môn đều bị động ngay trong khu vực phòng ngự của mình, nên dễ dàng bị đối thủ dùng tiểu xảo qua mặt với quả đá phạt góc thẳng vào cầu môn.
Tính tổ chức, liên lạc, thậm chí một kế hoạch phòng ngự để ngăn chặn đối thủ không hề có ở tuyển Việt Nam trong bàn thua này.
Trong bàn thua đầu tiên trước Oman, các hậu vệ cũng bị động khi Issam Al Sabhi tung người móc bóng ghi bàn. Các đối thủ ở vòng loại cuối đều có những miếng phối hợp cố định bài bản, bởi đây là những tình huống có thể dàn xếp, tập đi tập lại nhiều lần. Khả năng ứng biến với tình huống cố định là điều kiện cần để hàng thủ Việt Nam sạch lưới.
Đây là bài học thầy trò HLV Park Hang Seo phải có sau 4 trận thua đầu. Những trải nghiệm, dù thắng hay thua, đều là vốn quý để cầu thủ được trui rèn thêm tự tin và bản lĩnh.
Điểm yếu bóng hai
Tuyển Việt Nam thủng lưới 6 bàn từ những pha bóng bổng sau 4 trận, trung bình 1,5 bàn thua mỗi trận - điều chưa từng xảy ra dưới thời HLV Park Hang Seo. Bên cạnh việc thua thiệt về thể hình và thể lực, các hậu vệ Việt Nam còn dễ thủng lưới bởi phán đoán không tốt ở các tình huống bóng hai.
Đây là dạng tình huống bóng bật ra từ một pha phòng ngự, buộc hậu vệ phải đoán điểm rơi, ngăn đối thủ tổ chức pha tấn công tiếp theo.
Theo chuyên gia Steve Darby, các hậu vệ tuyển Việt Nam đón điểm rơi rất kém, nên thường xuyên bị đối thủ dồn ép. Ở trận gặp Australia, ông Darby đánh giá Nguyễn Quang Hải chọn sai điểm rơi, dẫn đến truy cản hời hợt quả tạt của Ajdin Hrustic khiến tuyển Việt Nam thủng lưới từ pha đánh đầu của Rhyan Grant.
Ở pha bóng này, Quang Hải lùi về sai thời điểm, lộ ra khoảng trống để đối thủ thoải mái ngắm nghía chuyền bóng mà không gặp bất cứ áp lực nào.
Có thể thông cảm cho Quang Hải bởi anh là cầu thủ tấn công, nhưng sai lầm của hậu vệ thì khó chấp nhận. Bàn thua đầu tiên của tuyển Việt Nam ở trận gặp Trung Quốc là sai lầm bóng hai, khi Quế Ngọc Hải và Nguyễn Phong Hồng Duy không đoán được pha đánh đầu làm tường của Zhang Yuning tìm đến đúng đường chạy của Wu Lei.
Trung Quốc phối hợp chuyền bóng bằng đầu mà bị can thiệp, khi các hậu vệ Việt Nam không thể phán đoán tình huống. Đến bàn thua thứ nhất ở trận gặp Oman, Hồng Duy lại mắc lỗi khi không can thiệp được pha móc bóng của Al Sahbi - cũng là một pha phòng ngự bóng hai sơ hở khác.
Thiếu kiềm chế
Cuối cùng, các hậu vệ Việt Nam không giữ được cái đầu lạnh ở thời điểm quyết định, với dẫn chứng là 7 quả phạt đền bị thổi từ đầu giải.
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, điều này xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, các hậu vệ không kiềm chế, tỉnh táo trong trận đấu căng thẳng dẫn đến những động tác thừa như cánh tay "thừa thãi" của Đỗ Duy Mạnh và Hồ Tấn Tài.
Thứ hai, việc thua thiệt đối thủ về thể hình, thể lực khiến cầu thủ phải chơi tiểu xảo. Các trọng tài quốc tế rất tinh tường, chưa kể có VAR hỗ trợ nên những sai sót dù là nhỏ nhất đều bị phát hiện. Minh chứng là trong 6 lần gần nhất trọng tài nhờ tới VAR, có tới 5 tình huống liên quan đến lỗi của cầu thủ Việt Nam.
"Bóng đá Việt Nam bao lâu nay không có VAR vào cuộc, còn trọng tài nhiều lúc du di, thiếu nghiêm khắc, nên cầu thủ có thói quen xấu.
Khi phá bóng, anh vung tay vào mặt người ta làm gì? Dù ức chế đến mấy, cầu thủ cũng cần kiểm soát được tâm lý, hành vi của mình. Hành động thiếu kiềm chế chỉ làm hại đội nhà. Khi VAR xuất hiện, hành động xấu xí này sẽ trả giá rất đắt", ông Xương phân tích.
Mỗi trận thua là một bài học để cầu thủ trưởng thành. "Cầu thủ phải có thực chiến, trực tiếp nếm mùi thất bại thì mới có thành công mai sau", BLV Vũ Quang Huy phân tích. Còn chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng "cái thua của đội tuyển là cái thua của cả nền bóng đá, buộc chúng ta phải nhìn lại mình".
Không thể phủ nhận sự tiến bộ của ĐTQG qua từng trận, nhưng thầy trò HLV Park Hang Seo còn rất nhiều việc phải làm. Tuyển Việt Nam đã biết mình đứng ở đâu, giờ là lúc tạo sức bật để vươn lên.
Bình luận