• Zalo

Thư xứ Vạn đảo: Anh mù bán dạo và kỹ nghệ săn tiền

Tổng hợpThứ Ba, 08/11/2011 02:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Ở nơi này, mọi lòng tốt bất chợt đều có thể nghi ngờ. Người bản xứ không lạ, nhưng người lạ dễ mắc “bẫy”

(VTC News) - Ở nơi này, mọi lòng tốt bất chợt đều có thể nghi ngờ. Người bản xứ không lạ, nhưng người lạ dễ mắc “bẫy” và một khi dính chưởng chỉ còn biết lắc đầu trước kỹ nghệ săn… tiền của người Indo.

Một bữa gặp trời mưa giữa chừng, loay hoay tìm chỗ trú thì bất ngờ có một thanh niên cầm ô chạy tới che giúp. Vừa nói câu cảm ơn, anh ta lập tức xòe tay xin… tiền. Lần thứ hai kể từ hôm tới Jakarta, gặp cảnh “giúp” để xin.

Sự nhiệt tình ở đây đều có thể nghi ngờ. Tấm hình này sau khi được chụp, tôi cũng đã bị xin tiền (Ảnh: Hà Thành)

Chuyện đã kể hôm xuống sân bay Soekarno Hatta, một anh nhân viên lấy lòng tốt tìm hộ vali đồ và kéo giúp một đoạn. Hóa ra, sự giúp ấy là kiếm cớ xin tiền. Tiền không cho thì kỳ kèo lấy bằng được bao thuốc. Vì lạ nước lạ cái, muốn lành thân, nên đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Chắc nhiều người lạ đã phải ngậm bồ hòn như tôi, thành ra tạo đà cho thói quen xấu của không ít nhân viên sân bay Soekarno Hatta. Thêm chuyện ở sân bay làm dẫn chứng cho bài viết. Một anh nhân viên ở cửa hải quan luôn sẵn sàng khai giúp tờ khai nhập cảnh để xin tiền. Một vài anh khác cũng thường trực lòng tốt chỉ giúp hành khách tới cửa làm thủ tục song với mục đích không tốt là mấy !

Chả hiểu sao cơ quan chức năng không dẹp, hay họ lo nếu dẹp thì không còn nhân viên?

Hết chuyện ở sân bay đến chuyện ở trong thành phố. Hôm trước, trong lá thư “Jakarta oái oăm” có kể về những con phố vẫy ở Jakarta, vẫy để xem tài xế có thuê người đi qua đoạn đường quy định phải tối thiểu có ba người trên xe. Mỗi lượt thuê là 20.000 Rp nên người người thất nghiệp đổ ra đường đứng vẫy. Bây giờ mỗi bận ngang qua những cung đường ấy lúc xế chiều. Thực sự nhìn mà… nản.

Tắc đường là “đặc sản” của Jakarta và ngay trong sự ùn ứ cục bộ, người Jakarta vẫn có thể kiếm tiền. Hàng trăm người, già, trẻ, phụ nữ, đàn ông… hưởng ứng phong trào xuống đường, chen chân trong dòng xe làm cái nghề dọn đường, chỉ lối. Họ cứ đứng ở những ngã ba, ngã tư, lấy thân mình để cản xe này xe, khác sao cho tạo ra một khoảng trống giúp chiếc xe mà họ sẽ xin tiền có đường tiến.

Ở Việt Nam trò này chưa thấy, mới chỉ có cảnh một anh đầu trọc cầm điếu cày phân làn thôi. Khác biệt cơ bản là anh đầu trọc làm việc “nghĩa” còn ở đây đã trở thành kĩ nghệ... kiếm ăn.

Chưa hết, câu chuyện dưới đây mới đáng… rùng mình.

Một anh mù (tôi gọi là anh A) gánh bánh gạo đi bán dạo muốn qua đường, nhờ một người dắt qua, nhưng nhờ đúng phải một anh mù khác (tôi gọi là anh B). Anh mù B sẵn sàng luôn vì anh có cái gậy dò đường. Cứ tưởng đồng cảnh thương nhau để mưu sinh, ai ngờ mỡ dán mỡ. Anh mù B làm phúc để lấy tiền của anh mù A.

 Đến đồng cảnh cũng... xin (Ảnh: Hà Thành)

Jakarta là bức tranh có hai mảng sáng - tối, tương phản tới khủng khiếp. Sự bần cùng ở nơi này đẩy người ta vào muôn trò kiếm tiền phi đạo đức, những trò nhỏ vụn chẳng ai bắt tội song ngấm ngầm tha hóa từng con người, thậm chí tha hóa luôn những người chưa hẳn đã bần cùng.

Thà là một thằng ăn cắp, móc túi, lấy của người ta mà người ta không biết cho xong, chứ làm kẻ tốt, nhiệt tình giả nghĩa để ăn cắp công khai sự cả tin thì…

Đáng sợ thay!



Hà Thành(Từ Jakarta)

Bình luận
vtcnews.vn