• Zalo

Thủ tướng yêu cầu 'không xem thường' chuyện đánh lộn dịp tết

Thời sựThứ Tư, 25/02/2015 07:20:00 +07:00Google News

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã họp về tình hình Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, chỉ đạo các nhiệm vụ cần tập trung

Chiều 24/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã họp về tình hình Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, chỉ đạo các nhiệm vụ cần tập trung triển khai thực hiện sau kỳ nghỉ Tết.

Trong dịp Tết đã không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, số vụ phạm pháp hình sự giảm 135 vụ. Trên phạm vi cả nước, giao thông đường bộ, đường sắt được duy trì ổn định, thông suốt, không xảy ra ùn tắc kéo dài.

Tuy nhiên, trong 9 ngày nghỉ Tết đã xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông, làm chết 317 người, bị thương 509 người. So với Tết năm 2014, giảm 40 vụ, tăng 35 người chết, giảm 82 người bị thương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: V.V.Thành 

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, đảm bảo cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nêu lên một số việc cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, trong đó nổi lên là tai nạn giao thông tuy giảm về số vụ, số người bị thương nhưng số người chết tăng cao.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo và triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông.

“Một đất nước hơn 30 người chết mỗi ngày, chúng ta không thể coi đây là chuyện bình thường được” - Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng cho biết sẽ biểu dương các địa phương trong thời gian qua đã không để xảy ra tai nạn giao thông hoặc giảm mạnh số vụ tai nạn, đồng thời Chính phủ yêu cầu các địa phương để tai nạn giao thông gia tăng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, với số liệu lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu ngành y tế công bố thì trong dịp Tết đã xảy ra hàng ngàn vụ bạo lực, đánh lộn gây thương tích trong nhân dân, làm hơn 6.000 người phải nhập viện, trong đó nhiều người đã tử vong.

“Phải có giải pháp tổng hợp về vấn đề này. Các đồng chí lãnh đạo địa phương hết sức chú ý hiện tượng này, không thể xem thường” - Thủ tướng yêu cầu.

Nhấn mạnh thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày đã kết thúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương phải bắt tay ngay vào công việc, khẩn trương, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ được giao.

Trong đó, tập trung thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xây dựng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

“Mọi cán bộ, công chức phải nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao, không sa đà du xuân, lễ hội. Các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan gương mẫu không tham dự, tham gia lễ hội” - Thủ tướng yêu cầu.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng tiếp tục tập trung cao độ chỉ đạo bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, chống ùn tắc giao thông, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc.
Đánh giá chung cho thấy việc chuẩn bị Tết cũng như tổ chức Tết năm nay cơ bản đảm bảo được yêu cầu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nhân dân ở các địa phương, vùng miền trong cả nước đón Tết trong không khí vui tươi, phấn khởi, tin tưởng.

Trong dịp Tết năm nay, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì, không gây ách tắc. Hoạt động lao động, sản xuất vẫn được tiến hành, nhất là trên các công trình trọng điểm.

Qua báo cáo của các bộ ngành, địa phương cũng như thực tế cho thấy lượng hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá; sức mua trong dịp Tết tăng 15-20% so với tháng trước Tết và tăng 8% so với Tết năm ngoái.

Bên cạnh đó, việc chăm lo Tết cho đối tượng chính sách, người có công, người nghèo được Nhà nước, cả hệ thống chính trị và cộng đồng quan tâm với khoản kinh phí huy động và chuyển đến các đối tượng lên đến gần 2.100 tỷ đồng.

Các bộ, ngành, cơ quan chức năng, các địa phương trên cả nước cũng đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, lễ hội, thông tin, truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình… thiết thực, phù hợp, lành mạnh, nghiêm túc và trật tự hơn.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩn, an toàn cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm được quan tâm, không để xảy ra các vụ việc phá hoại, khủng bố, kích động biểu tình gây rối; chủ quyền lãnh thổ ở biên giới, vùng biển, đảo, vùng trời được giữ vững.

Nguồn: V.V Thành (Tuổi trẻ)
Bình luận
vtcnews.vn