Nhiệm vụ trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3, ngày 28/9.
Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai", những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao hơn.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, tinh thần này cũng như khi miền Trung bị bão lũ thì miền Bắc, miền Nam làm bù cho miền Trung, trước đây khi miền Nam có chiến tranh thì tất cả vì miền Nam ruột thịt.
Với các gia đình bị mất nhà cửa, phải xây dựng lại, Thủ tướng giao các địa phương, bộ ngành liên quan phải hoàn thành xong chậm nhất vào 31/12 với vách cứng, nền cứng, mái cứng. Nhân đây, Thủ tướng biểu dương các cơ quan, đơn vị và địa phương đã triển khai rất nhanh việc xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân làng Nủ, huyện Bảo Yên và bản Nậm Tông (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai).
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành khắc phục cơ sở trường học, bệnh viện, trạm xá trong tháng 10, thiếu cơ chế, chính sách thì đề xuất Chính phủ.
"Riêng với cầu Phong Châu bị sập, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng tỉnh Phú Thọ phải xây dựng lại, xong chậm nhất trong năm 2025. Nếu cần cơ chế, chính sách thì báo cáo Chính phủ", Thủ tướng quán triệt.
Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói, bị rét, không có chỗ ở; các cháu học sinh sớm tới trường, bệnh nhân được chữa bệnh; nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương từ nguồn ngân sách dự phòng, bảo đảm phù hợp và công bằng giữa các địa phương. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, khắc phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông.
Bộ Tư pháp cùng các bộ liên quan rà soát, hoàn thiện thể chế, mà cụ thể là các nghị định, thông tư có các quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp để khắc phục hậu quả bão lũ, hoàn thành trong tháng 10. Bộ Quốc phòng và các cơ quan hoàn thiện các tổ chức, nguồn nhân lực theo Luật Phòng thủ dân sự.
"Cùng với đó, rà soát, sơ kết, đề xuất thi đua khen thưởng với những người hy sinh, những tập thể, cá nhân làm tốt, các điển hình tiên tiến, chậm nhất trong tháng 10. Xử lý những tập thể, cá nhân làm không tốt, không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí vi phạm pháp luật", lãnh đạo Chính phủ nêu rõ.
Đề cập đến công tác khắc phục hậu quả bão, lũ thời gian qua, Thủ tướng đánh giá được triển khai kịp thời với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sự tập trung vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, sự nỗ lực khắc phục khó khăn của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng đã chỉ đạo xuất cấp trên 400 tấn gạo, 350 tỷ đồng và nhiều trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, y tế, nhu yếu phẩm khác kịp thời hỗ trợ các địa phương cứu trợ người dân. Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động, tiếp nhận ủng hộ tiền và hiện vật trị giá trên 1.760 tỷ đồng. Các tổ chức quốc tế và các nước cứu trợ tiền và hàng trị giá trên 22 triệu USD...
Trong phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng cũng nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm quan trọng. Đó là:
Dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa.
Lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, quyết liệt, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có trọng tâm trọng điểm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, đất nước.
Đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân và nhà nước lên trên hết, trước hết để huy động tồng lực mọi nguồn lực của xã hội, của Nhà nước, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ cho phòng hống, khăc phục hậu quả.
Các ngành, các cấp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chỉ đạo của cấp trên, tình hình thực tế để chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.
Coi trọng công tác thông tin truyền thông về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ.
Thủ tướng lấy ví dụ để bảo đảm an toàn đập Thác Bà, các cơ quan đã đưa ra những quyết định quan trọng để vừa phải phân lũ ở thượng nguồn, vừa phải chuẩn bị phương án phá đập phụ tại trung nguồn, vừa phải sơ tán người dân ở hạ nguồn, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, chọn phương án tốt nhất trong các phương án có thể để thiệt hại thấp nhất có thể.
Tương tự, để bảo đảm an toàn đê Hoàng Long (Ninh Bình) thì phải dừng hoạt động của thủy điện Hòa Bình, tăng hoạt động các thủy điện Sơn La, Lai Châu.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá, công tác dự báo bão số 3 cơ bản, chính xác, kịp thời và tương đồng với các cảnh báo của các cơ quan khí tượng thủy văn trong khu vực và thế giới.
Song Bộ trưởng cũng nhìn nhận, trong bão số 3 chưa tính toán, dự báo được gió giật mạnh cấp 17 trên đất liền (chưa từng xảy ra trong lịch sử) và thời gian tồn lưu bão kéo dài hơn bình thường.
"Với công nghệ hiện nay chưa dự báo được mưa cường suất lớn trên 200mm/6h, các thông tin tính toán hiện nay chưa xác định được cường độ mưa lớn trong thời đoạn ngắn và khu trú được lượng mưa tập trung trên lưu vực sông Thao, sông Lô. Chưa tính toán, dự báo sớm được lũ lịch sử lên nhanh với cường suất lớn tại một số vị trí trên sông Thao. Chưa cảnh báo được chi tiết đến thôn, bản, điểm lũ quét, sạt lở đất", ông Đỗ Đức Duy nêu rõ.
Về nguyên nhân, tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường cho rằng, do đặc điểm địa hình địa chất khu vực trung du miền núi phía Bắc chia cắt mạnh, biến động phức tạp theo không gian.
Công nghệ quan trắc, dự báo thiên tai (bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở) đã đạt trình độ các nước trong khu vực, tuy nhiên vẫn còn hạn chế để đánh giá, dự báo được các chỉ số cực đoan, bất thường chưa được như mong muốn.
Bên cạnh đó, công nghệ dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng thôn, bản hiện nay còn rất khó khăn, hạn chế về mặt khoa học, kể cả các nước tiên tiến (ngay cả khi có được hệ thống quan trắc mưa, quan trắc dịch chuyển đất đủ dày).
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường kiến nghị rà soát các phương án vận hành hồ chứa với kịch bản mưa lũ cực đoan, đặc biệt là khu vực miền Trung đang được cảnh báo khả năng xảy mưa lũ dồn dập và mùa lũ kết thúc muộn trong các tháng 10, 11 do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.
Bình luận