Phải lập lại kỷ cương, phép nước
Sáng 2/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp trực tuyến với tất cả các địa phương trên cả nước để bàn về tình hình kinh tế - xã hội. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm 2018.
Tuy nhiên, nhận xét về tình hình xã hội trong 6 tháng đầu năm 2018, Thủ tướng cho biết vẫn có những vụ gây rối xảy ra ở một số địa phương, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội của đất nước. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải xử lý nghiêm những vụ việc này.
Thủ tướng nhấn mạnh, dân chủ nhưng phải tập trung, cần phải lập lại kỷ cương phép nước, phải kiên quyết xử lý nghiêm những kẻ xấu cầm đầu, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”.
“Cần phải lập lại kỷ cương, phép nước. Dân chủ nhưng phải tập trung. Phải kiên quyết xử lý nghiêm những kẻ xấu, những kẻ cầm đầu, làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ thông tin tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm ở mức cao, đạt 7,08%, là mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Tuy nhiên, vốn giải ngân cho đầu tư còn chậm, môi trường đầu tư vẫn còn những vướng mắc...Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân vốn giải ngân chậm và cần có những chính sách cụ thể hơn nữa để tháo gỡ những vướng mắt cho môi trường đầu tư.
Tại hội nghị trực tuyến, Thủ tướng cũng yêu cầu đại diện các địa phương phải báo cáo ngắn gọn những vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu, tránh dài dòng thiếu tập trung.
“Trước kia, họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương thường diễn ra trong hai ngày, nhưng nay chúng ta rút ngắn lại chỉ trong vòng một ngày. Chúng ta sẽ họp đến khoảng 6h tối. Nên yêu cầu đại diện các địa phương phải báo cáo ngắn gọn những vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu”, Thủ tướng lưu ý.
Tăng trưởng cao, thách thức lớn
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.
Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%. Nhu cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747.000 tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống theo chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm. Mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng.
Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV.
Lý do là các quý cuối năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng rất cao, nên tăng trưởng các quý cuối năm 2018 nếu đạt trên 6% là rất tích cực. Một số tổ chức quốc tế vẫn dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 ở mức khá, ví dụ Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo đạt khoảng 6,6% và là mức tăng tốt nếu so sánh với các nước trong khu vực.
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%. Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%.
Giá dầu thế giới đã có xu hướng chững lại, giảm được sức ép lên giá cả, lạm phát trong nước và kích thích sản xuất nhưng dự kiến còn 2 đợt giá cả có thể tăng cao, là vào dịp bắt đầu năm học mới và tháng cuối năm.
Dự báo tình hình kinh tế, thương mại thế giới 6 tháng cuối năm có dấu hiệu tăng chậm lại. Nhiều chuyên gia cảnh báo kinh tế thế giới sẽ không duy trì được đà tăng trưởng khá vào năm 2019 và có tác động rất lớn đối với các nước đang phát triển, nước có xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, cháy nổ, tai nạn giao thông có diễn biến phức tạp. Lũ sớm đã xảy ra tại các tỉnh miền núi phía bắc, nhất là Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản...
Bình luận