Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) nêu ý kiến về việc xử lý các vụ việc nghiệm trọng nhưng có dấu hiệu "chìm xuồng".
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng khẳng định sẽ không có vụ nào khi phát hiện mà sẽ "chìm xuồng".
"Vụ nào chìm xuồng thì đại biểu cứ báo ra Quốc hội, chúng tôi sẽ xử lý", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu ý kiến về phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương về các dự án thua lỗ lớn. Theo đó, các dự án này thuộc thẩm quyền quản lý của Chính phủ chứ các bộ, ngành rất hạn chế.
Đại biểu Sinh cho rằng đây là lỗ hổng lớn dẫn tới việc không xác định được trách nhiệm cụ thể. Vị đại biểu tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp để ngăn chặn hiệu quả tham nhũng.
Về lỗ hổng liên quan đến quản lý doanh nghiệp Nhà nước, dẫn tới phát sinh tham nhũng, Thủ tướng giải thích, Việt Nam đã trải qua các thời kỳ, từ khi thành lập các Tổng Công ty 90, 91, đến nay đã chủ trương xây dựng một đầu mối chuyên quản lý vốn đầu tư Nhà nước tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Chủ trương là đẩy mạnh cổ phần hóa nhưng không cổ phần hóa bằng mọi cách.
Những tập đoàn rất lớn chi phối, những ngân hàng thương mại giữ vai trò ổn định thị trường, Nhà nước vẫn sẽ giữ cổ phần chi phối để nắm giữ, điều tiết.
Về giải pháp chống tham nhũng, Thủ tướng nhấn mạnh ở nguyên tắc thể chế phòng chống không có kẽ hở (không thể, không dám, không muốn tham nhũng), loại bỏ cơ chế xin – cho, xử lý nghiêm minh, tăng cường kiểm soát quyền lực với bất cứ cấp cán bộ nào…
Thủ tướng khẳng định sự tin tưởng, khi cả hệ thống cùng vào cuộc sẽ đẩy lùi được tham nhũng.
Ngoài ra, cơ chế giám sát của nhân dân cũng được chú trọng để tạo ra tinh thần đấu tranh quyết liệt, quyết tâm trong cả hệ thống với quốc nạn này.
Video: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn về việc sử dụng tài sản công lãng phí
Trong khi đó, đại biểu Phùng Quang Hùng (Lạng Sơn) nêu văn hoá từ chức là một nét đẹp. Ở nhiều nước, người giữa chức vụ sẵn sàng từ chức khi để xảy ra sai phạm, yếu kém.
“Cử tri mong muốn kinh nghiệm này nên được áp dụng tại Việt Nam. Xin Thủ tướng cho biết ý kiến?”, đại biểu Phùng Quang Hùng đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, về văn hoá từ chức, ông xin tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu.
"Vì có người do sức khỏe, do trình độ, do hoàn cảnh gia đình... nên xin từ chức thì cần hoan nghênh. Chính phủ giao Bộ Nộ vụ nghiên cứu thể chế để có văn bản phù hợp tạo điều kiện từ chức trong điều kiện cụ thể. Văn hoá từ chức là cần thiết", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận